Những ngày cuối tháng 5, mùa bế giảng đến, thành tích học tập của trẻ lại được mang lên mạng để bàn luận, có người khoe nhưng cũng không ít người ấm ức, thắc mắc.
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự “ấm ức" khi con thi toàn điểm 9, 10 nhưng lại không được nhận danh hiệu học sinh xuất sắc.
Cả mẹ lẫn con cùng buồn vì trượt giấy khen
Một phụ huynh có con học lớp 1 chia sẻ bảng điểm cuối năm học của con có tới 7/8 môn đạt loại T. Điểm kiểm tra định kỳ môn Toán và Tiếng Việt, Tiếng Anh đều được 10 điểm. Chỉ riêng môn Âm nhạc, con đạt loại H, thế là không được giấy khen.
“Các con bây giờ học hành áp lực quá, mỗi một môn phụ không đạt là mất tất cả. Cháu hí hửng mong chờ mà nay không được thành tích gì. Cả một lớp chỉ có 13 cháu đạt học sinh xuất sắc. Vì 1-2 môn mà công sức cả năm đổ bể”, vị phụ huynh chia sẻ.
Bảng điểm phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: PHCC. |
Ngay lập tức, bài viết nhanh chóng thu hút nhiều bình luận. Không ít phụ huynh chia sẻ nỗi ấm ức tương tự.
“Con nhà mình tất cả môn học đều đạt điểm cao và được đánh giá T (hoàn thành tốt), chỉ riêng một Mỹ thuật và Âm nhạc là được đánh giá H (hoàn thành). Cuối năm, con không được học sinh xuất sắc và khen thưởng”, một phụ huynh bình luận bên dưới.
Hay trong một diễn đàn khác, một phụ huynh thậm chí cho biết con học lớp 1, cả năm học, hai mẹ con học hành vất vả. Ngoài giờ học chính, con còn học thêm văn hoá, thể thao, Mỹ thuật, Âm nhạc, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên và Xã hội… đủ cả.
Con học cả thứ bảy, chủ nhật, lễ, Tết, không nghỉ ngày nào để kịp hoàn thành tốt tất cả môn học. Thế nhưng cuối năm, người mẹ này nhận về kết quả chỉ đạt điểm H môn Hoạt động trải nghiệm và Tự nhiên và Xã hội.
“Mình cảm thấy sự cố gắng không ngừng nghỉ cả một năm của hai mẹ con không được đền đáp xứng đáng”, phụ huynh này bức xúc.
Một phụ huynh cho biết đã đem thắc mắc lên hỏi giáo viên thì được trả lời rằng đánh giá cả quá trình học tập của các con chứ không chỉ đánh giá bằng điểm thi. Ngoài ra, chương trình giáo dục hiện tại cũng không phân biệt môn chính và môn phụ.
Tuy nhiên, phụ huynh này vẫn chưa hài lòng, cho rằng phương pháp đánh giá mới chỉ dựa vào cảm giác của giáo viên.
“Thử hỏi quá trình đó là gì, có giáo viên nào công bố không? Không thể thích cho học sinh nào điểm H thì cho rồi nói đánh giá cả quá trình", một phụ huynh bày tỏ.
Hàng loạt bài viết bày tỏ sự bức xúc của phụ huynh trên mạng xã hội. |
Phụ huynh chia phe
Chị Thu Trang, phụ huynh của học sinh lớp 1 tại Hà Nội, khá thông cảm cho phụ huynh trong những câu chuyện trên. Chị đặt câu hỏi vì sao học sinh này lại được xếp loại H trong khi giáo viên vẫn nhận xét em hát đúng lời, học thuộc các bài hát.
“Học sinh lớp 1 mà hát đúng lời, thuộc bài hát là giỏi lắm rồi, tôi không biết nhà trường đặt ra tiêu chí thế nào thì trẻ mới có thể đạt mức T?”, chị Trang thắc mắc.
Khi vụ việc được đưa lên mạng, chị Trang có tìm đọc các bài viết giải thích về cách chấm điểm, xếp loại cho học sinh theo chương trình mới. Cá nhân vị phụ huynh cho rằng Bộ GD&ĐT đặt ra cách xếp loại học sinh “dựa trên quá trình” là quá cảm tính, không phù hợp với học sinh mới tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông, nhất là học sinh lớp 1.
Đồng hành với con suốt một năm qua, chị Trang hiểu rất rõ áp lực học tập mà trẻ lớp 1 nói riêng, trẻ tiểu học nói chung phải trải qua để đạt được kết quả như mong muốn. Người mẹ nói nếu muốn xếp loại “dựa trên quá trình”, người làm giáo dục nên đưa ra các đầu điểm để tính điểm trung bình vào cuối năm học, như vậy sẽ minh bạch và dễ giải thích với phụ huynh nếu có thắc mắc.
“Môn nào trẻ cũng đạt T, chỉ có môn Âm nhạc đạt H nên không có giấy khen, trong khi giáo viên vẫn khen trẻ thuộc lời, hát được các bài đã học. Tôi chỉ thấy thương đứa trẻ, rõ ràng cả quá trình học đã rất cố gắng để thuộc các bài hát nhưng vẫn chỉ được đánh giá H. Chẳng lẽ phải hát hay như ca sĩ thì mới được T?”, chị Trang nêu quan điểm.
Dù con đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, chị Thu Trang vẫn không hiểu cách tính điểm mới. Ảnh: PHCC. |
Trong khi đó, cũng đọc những bài viết “ấm ức" của phụ huynh trên mạng xã hội, chị Thùy Linh (phụ huynh có con đang học lớp 1 tại Hà Nội) bày tỏ sự bất ngờ khi có quá nhiều phụ huynh vẫn nặng bệnh thành tích.
Nữ phụ huynh cho biết hôm họp phụ huynh cho con, một số phụ huynh trong lớp cũng có ý kiến về cách đánh giá mới, nhiều người tỏ ra tiếc nuối tương tự các bài viết trên. Dù được giáo viên giải thích về cách đánh giá mới theo Thông tư 27/2020 của Bộ GD&ĐT, chị Linh cho biết nhiều phụ huynh vẫn tỏ rõ sự không hài lòng.
“Có lẽ phụ huynh và học sinh vẫn chưa kịp làm quen với cách đánh giá mới nên hơi hụt hẫng”, chị Linh nói.
Theo chị Linh, việc học quan trọng là kiến thức con mình nhận được, nhưng hiện tại, nhiều phụ huynh vẫn chăm chăm vào tờ giấy khen. Một đứa trẻ cũng không thể giỏi toàn diện, xuất sắc, hoàn hảo mọi lĩnh vực mà đòi hỏi con phải được đánh giá hoàn thành tốt tất cả môn.
“Đọc bài viết phụ huynh cho con lớp 1 học ngày học đêm để hoàn thành tốt mọi môn học khiến tôi thấy sợ. Phụ huynh đang quá quan trọng tờ giấy khen mà quên mất khả năng của con. Với tôi, con học tiến bộ là tốt rồi", chị Linh nói.
Theo chị Linh, cách tính điểm mới có thể khó hiểu nhưng phụ huynh cũng cần thích nghi và thông cảm cho cả giáo viên thay vì đổ lỗi, trách phụ huynh cảm tính bởi có lẽ, thầy cô nào cũng sẽ mong muốn các con học tập tốt. Thầy cô cũng hãnh diện khi học trò của mình tiến bộ.
Dù vậy, chị Linh cũng nhìn nhận việc học sinh tiểu học không được danh hiệu hoàn thành xuất sắc có thể khiến một số gia đình “vỡ kế hoạch" khi chuyển cấp. Theo đó, một số trường THCS chất lượng cao có thể xét học bạ học sinh ngay từ lớp 1 với các tiêu chí cao.
Nói thêm về chuyện trẻ không được giấy khen do một môn đạt xếp loại H, chị Thu Trang nói rằng trẻ tiểu học ngày nay cũng bị áp lực đồng trang lứa giống như người lớn nên rất dễ tủi thân nếu không được giấy khen giống bạn bè.
Ngoài ra, trẻ cũng không thích trở nên khác biệt mà muốn được giống với bạn bè. Vào ngày cuối năm, nếu nhiều bạn được trao giấy khen mà một em không có, các em dễ rơi vào suy nghĩ rằng bản thân khác biệt, lạc loài nên sẽ càng buồn hơn.
Về phần mình, là một phụ huynh, chị Thu Trang cũng mong con mình được ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực trong học tập. Việc phụ huynh mong con được giấy khen không phải vì muốn đưa con khoe khoang lên mạng, mà chỉ mong con được kết thúc năm học trọn vẹn với niềm vui trong học tập.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.