Drew Dixon là một trong số những phụ nữ đưa ra cáo buộc hiếp dâm chống lại "ông trùm hiphop" Russell Simmons vào tháng 12/2017. Trước đó, cô đã im lặng suốt 20 năm, theo The Washington Post.
"Thời điểm đó, phong trào #MeToo bùng lên mạnh mẽ và lần đầu tiên tôi cảm thấy mình được lắng nghe", Dixon, nhà văn, nhà sản xuất, cựu giám đốc điều hành của hãng Simmons, cho biết.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, theo dõi phiên tòa xét xử vụ kiện phỉ báng giữa Johnny Depp và Amber Heard, Dixon cảm thấy mọi chuyện đã bế tắc trở lại.
Cô bắt đầu lo sợ khi nhìn thấy những trò đùa ngông cuồng, phản ứng gay gắt nhằm vào Heard. Áp lực gia tăng khi đa số người dùng mạng xã hội ủng hộ Depp và cho rằng anh không làm gì sai. Cuối cùng, phán quyết Depp thắng kiện và yêu cầu Heard bồi thường hơn 10 triệu USD gần như là dấu chấm hết.
Amber Heard bị phạt 15 triệu USD sau vụ kiện phỉ báng với Johnny Depp. Ảnh: AP. |
Phong trào #MeToo từng giúp Heard thắng thế trong cuộc chia tay ồn ào với Johnny Depp năm 2017-2018.
Nhưng giờ đây mọi thứ đã đảo ngược. Depp thắng kiện, trở thành "nạn nhân đại diện cho bạo hành gia đình". Heard nhận phản đòn từ dư luận và #MeToo vô tình trở thành "đồng phạm".
Cái chết của #MeToo?
Sau khi tòa tuyên bố Depp thắng kiện, #MeToo trở thành từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên các mạng xã hội.
Ngôi sao truyền hình Meghan McCain tuyên bố: "#MeToo đã chết" và gắn thẻ Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU). Tổng cố vấn ACLU Terence Dougherty cho biết tổ chức này đã giúp Heard soạn thảo bài báo đăng trên The Washington Post năm 2018 - nơi cô tuyên bố mình là nạn nhân bạo hành gia đình và là lý do chính khiến Depp đâm đơn kiện vợ cũ.
Trên Twitter, Donald Trump Jr., con trai cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, viết: "Hãy tin tất cả phụ nữ, trừ Amber Heard. 15 triệu USD tiền bồi thường cho Depp có thể chấm dứt quan niệm nữ quyền rằng tất cả đàn ông đều có tội".
The New York Times cũng đăng tải bài viết của tác giả Michelle Goldberg với tiêu đề: "Amber Heard và cái chết của phong trào #MeToo".
Goldberg nhận định phản ứng gay gắt của công chúng nhằm vào nữ diễn viên có thể khiến các nạn nhân thực sự của bạo lực, lạm dụng tình dục e ngại lên tiếng về sau.
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ, e ngại #MeToo sau khi Amber Heard thua kiện. Ảnh: AFP. |
"Khi Depp thắng thế trên tòa án dư luận lẫn tòa án Fairfax, người ta có thể mong đợi các vụ kiện tương tự chống lại những người phụ nữ khác. Ca sĩ Marilyn Manson đã đệ đơn kiện vợ cũ Evan Rachel Wood, một trong số nhiều phụ nữ đã cáo buộc anh bạo hành tình dục".
Ngược lại, Tarana Burke, người bắt đầu #MeToo nhiều năm trước khi nó trở thành một hashtag lan truyền, cho rằng dù nhiều người đang muốn "giết chết" #MeToo, phong trào vẫn sẽ tồn tại và có ý nghĩa đối với hàng triệu người.
"Vượt ra khỏi những hashtag, đây là một phong trào và bạn không thể giết chết nó".
Phong trào bị xúc phạm
Trong một bài viết trên The Washington Post, Amber Heard tự nhận mình là "gương mặt công chúng đại diện cho bạo hành gia đình". Dù không trực tiếp nhắc đến Johnny Depp, bài viết này khiến sự nghiệp của nam diễn viên lao dốc.
Tài tử bị tẩy chay, cắt tên khỏi nhiều dự án. Depp sau đó đâm đơn kiện Amber tội phỉ báng và yêu cầu được bồi thường 50 triệu USD. Nữ diễn viên kiện ngược lại chồng cũ và đòi bồi thường 100 triệu USD.
Trước phiên tòa, dư luận nghiêng về Heard và Depp thậm chí bị gọi là "kẻ đánh vợ". Theo The Times, bài viết năm 2018 của Heard gây được tiếng vang phần lớn nhờ xuất hiện đúng thời điểm cao trào của #MeToo.
Tuy nhiên, 6 tuần tranh tụng tại tòa của Depp và Heard đã xoay chuyển cục diện. Phiên tòa được truyền hình trực tiếp, tình huống cực kỳ hiếm gặp đối với một thủ tục tố tụng liên quan đến cáo buộc bạo lực gia đình.
Sự ủng hộ dành cho Depp tràn ngập mạng xã hội. Ngay trước khi bản án được đọc, hashtag #JusticeForJohnnyDepp đã thu hút được 18,8 tỷ lượt xem, trong khi #JusticeForAmberHeard chỉ có 68,2 triệu lượt xem.
Johnny Depp không chỉ thắng kiện trước tòa mà còn nhận được sự tung hô trên mạng xã hội. Ảnh: AFP. |
Sự thù địch đối với Heard ngày càng gia tăng. Nhiều người sử dụng hashtag #MeToo để lăng mạ nữ diễn viên.
Thế nhưng, câu chuyện của Depp và Heard không đại diện cho toàn bộ phong trào. Tarana Burke cho rằng vụ kiện là ví dụ điển hình cho việc phong trào xã hội và chính trị bị sử dụng sai mục đích.
"Cách #MeToo bị gán ghép và chi phối trong vụ kiện Depp - Heard là một thảm họa và sự xúc phạm nghiêm trọng nhằm vào phong trào".
Còn trong bài viết trên The Guardian, tác giả Moira Donegan nêu ý kiến: "Phản ứng của công chúng đối với vụ kiện của Depp và Heard là đòn giáng vào phong trào #MeToo. Không phải họ đang phá hoại phong trào mà bởi Heard không phải là một nạn nhân hoàn hảo".
Theo Linley Beckbridge, Giám đốc truyền thông của Doorways, tổ chức giúp đỡ nạn nhân bạo hành gia đình, sự ủng hộ dành cho Depp có thể báo hiệu những thay đổi tích cực đối với nạn nhân bạo hành là nam giới.
Tuy nhiên, ở chiều tiêu cực, nó sẽ cô lập, gia tăng sự im lặng, chịu đựng ở nữ giới. Trên thực tế, nạn nân của bạo hành gia đình, tình dục phần lớn vẫn là phụ nữ.
Drew Dixon, người lên tiếng tố cáo kẻ lạm dụng sau 20 năm im lặng, nói rằng nạn nhân phải chịu đựng, đấu tranh rất nhiều trước khi có thể kể về điều nhục nhã nhất xảy ra với mình.
"Nó giống như ngọn núi khổng lồ mà các nạn nhân phải tự mình vượt qua trước khi nói 'Tôi cũng vậy'. Trong những năm qua, #MeToo không khiến ngọn núi đó biến mất nhưng cho chúng tôi hy vọng nhìn thấy đỉnh núi. Và bây giờ, vụ kiện Depp - Heard làm tôi có cảm giác ngọn núi đã cao lên theo cấp số nhân".