Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mì vằn thắn - quà phố đáng thử một lần trong đời

Do chế biến công phu, cầu kỳ, hiếm có hàng mì vằn thắn nào thực sự làm xiêu lòng thực khách như quán mì trên phố Hàng Chiếu.

Nhắc đến mì, tôi thầm cảm ơn cái gọi là văn hóa du nhập, vì nhờ đó mà Hà Nội có thêm món mì vằn thắn của người Hoa. Không biết có ở đất Hà thành từ khi nào, nhưng trải qua bao năm tháng, mì vằn thắn vẫn là thứ quà phố rất đặc biệt mà bất cứ ai cũng nên thử ít nhất một lần trong đời.

Nhắc đến Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến phở. Người nước ngoài đến Hà Nội cũng hỏi thăm mấy quán phở ngon để thưởng thức. Nhưng ít ai để ý rằng mì vằn thắn chế biến công phu hơn phở rất nhiều. Các công đoạn để có một bát mì vằn thắn hoàn chỉnh không thể đếm được trên đầu ngón tay.

Chính vì sự công phu, cầu kỳ trong chế biến mà mì vằn thằn ở Hà Nội không có nhiều quán ngon. Điểm dừng chân ưa thích của tôi là quán mì vằn thắn Bình Tây Phố Cổ nằm trên phố Hàng Chiếu, trước đây là Mì Vằn Thắn Phố Cổ ở đầu ngã tư Lương Văn Can - Chả Cá.

Quan mi van than o Hang Chieu anh 1
Quán mì Bình Tây Phố Cổ trên phố Hàng Chiếu.

Với những món nước, việc đầu tiên là phải cảm nhận nước dùng. Thời buổi bây giờ rất nhiều người sợ nước dùng làm ngọt từ mì chính. Tôi khá nhạy cảm với loại gia vị này, nên có thể đánh giá nước dùng ngọt đậm từ xương chứ không lạm dụng quá nhiều mì chính. 

Người ta thường nói nước dùng của mì vằn thắn muốn ngon phải được ninh nấu với sá sùng (đỉa biển). Nhưng vì giá thành cao và khan hiếm, nước dùng mì vằn thắn giờ đây chỉ hầm với xương gà, xương lợn, tôm khô hay cá tầm khô là đã đủ vị.

Một bát mì vằn thắn đầy đủ phải có sợi mì trứng vàng ươm, dai dai, mềm mềm, sủi cảo vỏ mềm nhân ngọt từ tôm, thơm lừng từ tiêu. Thêm vào đó là vài miếng thịt xá xíu trắng hồng thơm nõn, gan lợn chắc nịch ăn thơm ngậy bùi bùi. Trứng vịt luộc cắt kiểu bổ cau có vỏ trắng lòng đỏ vàng. Miếng bóng (bì) lợn mềm dai ăn ngây ngây. Nấm hương giúp tô điểm và làm tăng vị ngọt cho bát mì. Rau theo mùa, có khi là cải cúc, có khi là cải ngọt nhưng lá hẹ thì nhất định không được thiếu trong một bát mì vằn thắn bởi hương vị nồng ấm, hơi hăng hăng. 

Quan mi van than o Hang Chieu anh 2
Một bát mì vằn thắn hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn.

Đến đây đã thấy được sự công phu, cầu kỳ để có một bát mì vằn thắn. Nhưng sự kết hợp hài hòa của những nguyên liệu trên mới đủ sức tạo nên hương vị đặc biệt thơm ngon của món ăn. Đây là minh chứng cho sự giao thoa, kết hợp một cách tinh tuý của của ẩm thực mà không phải ở đâu cũng có.

Nói đơn giản, quán mì vằn thắn ở Hàng Chiếu là một quán ăn ngon. Không gian của quán khá khiêm tốn nhưng với ai yêu thích ẩm thực đường phố, nhất là phố cổ Hà Nội, không nên bỏ qua một địa chỉ để trải nghiệm và có thêm góc nhìn thú vị về ẩm thực phố.

Quán gà không treo biển giữa 'phố xưa nhà cổ'

Những nhà hàng sang trọng mọc lên ngày càng đông đúc, nhưng đâu đó trong lòng phố cổ Hà Nội vẫn tồn tại những quán ăn xưa cũ cho người hoài cổ như quán gà Ánh ở Hàng Đào.

Khương Minh

Bạn có thể quan tâm