Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Miễn án tử cho tội phạm nộp lại tài sản tham ô

Theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tội phạm chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng sẽ thoát án tử hình.

Sáng 27/11, đa số đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với nhiều thay đổi quan trọng. Với 26 chương, 426 điều, Bộ luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Bỏ tử hình với 7 tội, không tử hình tội phạm nộp lại tài sản

Những tội được bỏ khung hình phạt tử hình là: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm hình phạt tử hình nhằm bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.

Tội phạm chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ được miễn án tử hình.

Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình, Bộ luật sửa đổi quy định không tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.

Đặc biệt, tại điểm c, Điều 40 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là nội dung mới trong lần sửa đổi này. Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn.

Việc bổ sung là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Điều 76 Bộ luật quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX).

Bổ sung 15 tội danh về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội​, việc thay thế Điều 165 hiện hành (tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.

Kết quả lấy ý kiến Nhân dân và xin ý kiến đại biểu​, đa số đều tán thành phương án quy định này. Vì vậy, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong “Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” (gồm 45 điều), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung 15 tội danh mới thuộc các lĩnh vực kinh tế, quy định cụ thể từ Điều 212 đến Điều 225 và các điều: 230 và 233 để tránh bỏ lọt tội phạm.

​15 tội danh được bổ sung gồm:

- Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán
- ​Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm​
- Gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
- Gian lận bảo hiểm y tế​
- Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động​
- Vi phạm quy định về cạnh tranh​
- Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản;
- Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước  gây thất thoát, lãng phí 
- ​Vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
​- Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
- ​Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
​- Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng
- Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
- ​Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
- Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
- Vi phạm các quy định về quản lý rừng.

Tranh cãi quanh đề nghị bỏ án tử với tội tham nhũng

Tại hội thảo “Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi” tổ chức ngày 3/8 tại TP HCM có nhiều ý kiến nên bỏ hay giữ lại án tử hình đối với tội tham nhũng.

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm