1. Miền Tây mùa nước nổi có món ăn nào kết hợp cá linh, bông điên điển?
Cá linh và bông điên điển là những sản vật tiêu biểu trong mùa nước nổi ở miền Tây (khoảng tháng 7-11 âm lịch hàng năm), vừa có thể "đứng riêng" vừa có thể kết hợp với nhau trong những món ăn. Để thưởng thức cùng lúc cả 2 nguyên liệu này, người ta thường chế biến lẩu cá linh bông điên điển hay canh chua cá linh bông điên điển với nước dùng thanh mát, chua chua ngọt ngọt hấp dẫn. Ảnh: Vulcdaika. |
2. Cá linh đầu mùa nhỏ như đầu đũa thường được gọi là gì?
Hàng năm, cá linh đầu mùa theo dòng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về có kích thước nhỏ như đầu đũa, thường được gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Lúc này, cá có xương mềm, thịt ngọt, mỡ bụng béo ngậy... nên được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Thanhnha.89. |
3. Cá linh có thể chế biến thành món ăn thơm, giòn nào?
Ngoài nấu chung với bông điên điển, cá linh có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau như kho tiêu, kho mía, nướng... Tuy nhiên, nếu muốn thưởng thức một món ăn thơm, giòn, người ta thường dùng cá linh chiên bột. Bột được pha loãng với nước, có thể thêm trứng, khoai... rồi trộn đều với cá, thả vào chảo nóng chiên ngập dầu đến khi vàng ruộm bắt mắt. Ảnh: Bonnuna. |
4. Lượng thủy sản dồi dào đổ về theo con lũ hàng năm như cá linh có thể trữ lại ăn dần bằng cách nào?
Với lượng thủy sản dồi dào đổ về theo con lũ hàng năm, người dân miền Tây có thể tận dụng làm mắm, làm khô trữ ăn dần, trở thành nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực địa phương. Chợ Châu Đốc ở An Giang từ lâu được mệnh danh là "vương quốc khô, mắm" lớn nhất miền Tây, bày bán đủ loại đặc sản thơm ngon nổi tiếng của vùng như khô sặc, khô lóc, mắm thái, mắm chốt, mắm linh... Ảnh: Toni_ng20. |
5. Bông điên điển thường được người dân ví von với hình ảnh nào?
Mùa nước nổi ở miền Tây thường rực rỡ sắc vàng của bông điên điển trổ khắp đồng, vì thế người ta ví sản vật này như "mai vàng mùa nước nổi" của vùng đất phương Nam. Bông điên điển có vị hơi nhẫn nhẹ, ngọt, bùi, trở thành nguồn thức ăn quen thuộc, giàu dinh dưỡng của người dân. Ảnh: Kjmsulee. |
6. Nếu không ăn sống, bông điên điển có thể chế biến thành những món nào?
Không chỉ ăn sống như một loại rau ghém, rau thơm, người miền Tây có thể chế biến bông điên điển thành nhiều món ngon khác nhau như bánh xèo bông điên điển, gỏi bông điên điển, bông điên điển xào tép, bông điên điển muối chua... Ảnh: Van1177. |
7. Ngoài bông điên điển, món mắm kho ở miền Tây có thể ăn kèm với nguyên liệu nào cũng thường thấy trong mùa nước nổi?
Vào mùa nước nổi, bông súng thường lên nhanh, thi nhau đua nở khắp những cánh đồng. Người ta có thể sử dụng cọng bông súng trong ẩm thực, ví dụ như món mắm kho dân dã, đậm vị. Ngoài bông súng hay bông điên điển, các loại nguyên liệu khác ăn kèm với mắm kho cũng khá đa dạng như khổ qua, chuối chát, dưa leo, bắp chuối, rau nhút, so đũa, kèo nèo... Ảnh: Trangpinkyy. |