Lo ngại học sinh bị xáo trộn kiến thức
Mới đây, Quốc hội thống nhất thông qua việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1 năm học 2020-2021 giao cho giáo viên các địa phương theo quy định của Nghị quyết 88. Bắt đầu từ năm học tiếp theo sẽ do UBND tỉnh lựa chọn sách theo Luật Giáo dục sửa đổi.
Một số giáo viên cơ sở lo ngại sẽ xảy ra tình trạng xáo trộn trong quá trình dạy học. Theo cô Hà Huyền Trang, trường Tiểu học Đại Kim (Hà Nội), hiện giáo viên đi tập huấn vẫn chưa được tiếp xúc với 5 bộ sách khoa mới do Bộ GD&ĐT công bố. Vì vậy khi biết được giáo viên có quyền lựa chọn sách để dạy cho học sinh trường cô thấy vừa mừng, vừa lo.
Ảnh minh họa. |
Cô Trang mừng vì giáo viên đứng lớp hiểu rõ nhất học sinh cần gì, muốn gì và sách giáo khoa nào phù hợp. Nhưng lo vì khối lượng 5 bộ sách giáo khoa không phải là ít, cần nhiều thời gian đọc, nghiên cứu và lên phương án giảng dạy tối ưu mới có thể đưa vào dạy học.
Bên cạnh đó, cô Trang cũng băn khoăn khi đến thời điểm chuẩn bị bước sang năm 2020 nhưng giáo viên dạy lớp 1 vẫn chưa được tiếp cận bản mẫu. Sau đó từ tháng 7/2020 việc chọn SGK lại giao cho UBND tỉnh/thành phố, điều này có thể sẽ nảy sinh nhiều bất cập và xáo trộn chương trình dạy học cho giáo viên, học sinh các lớp.
Thầy giáo Đinh Ngọc Chung, trường Tiểu học Đan Phương (Hà Nội), thắc mắc mỗi năm một đơn vị khác nhau lựa chọn sách chắc chắn sẽ gây ra lãng phí tiền của. Bởi khi thay đổi bộ sách là giáo viên sẽ phải tập huấn, xây dựng bài giảng lại từ đầu… như vậy cùng một năm giáo viên trải qua 2 lần tập huấn. Chưa kể đến việc lớp 1 học bộ sách A, lên lớp 2 lại học bộ sách C, mạch thống nhất về cách tiệm cận học sinh cũng bị xáo trộn.
"Bộ GD&ĐT nên sớm có hướng dẫn để các trường chủ động trong lựa chọn SGK làm sao gần sát với nhu cầu các địa phương, giảm tối đa sự thay đổi giữa hai năm học liên tiếp. Cần có sự thống nhất ngay từ chủ trương, không nên đẩy thế khó cho nhà trường, giáo viên và học sinh.
Đặc biệt, UBND tỉnh khi chọn cũng nên tôn trọng, kế thừa và căn cứ vào tính hiệu quả của bộ sách giáo khoa mà giáo viên cơ sở đang thực hiện giảng dạy ở thời điểm chọn", thầy Chung đề xuất.
UBND tỉnh nên tôn trọng và kế thừa
Ông Nguyễn Quang Long, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam bày tỏ, giáo viên các địa phương không nên quá lo lắng, việc cần làm trước mắt là tập trung lựa chọn ra bộ SGK phù hợp nhất.
Trong cùng địa phương không nhất thiết chỉ chọn 1 bộ sách, có thể chọn 2-3 bộ song song trong việc dạy học. Không nên quá tuyệt đối hóa bộ sách cụ thể nào, bởi tất cả chỉ là phụ trợ hướng tới mục đích chung cho việc truyền đạt kiến thức tốt nhất.
Ông Long cũng cho rằng, việc lựa chọn SGK các năm tiếp theo nên có sự thống nhất ngay từ đầu, nếu giao cho các trường thì tính tự chủ của các trường sẽ lớn hơn, giao UBND tỉnh/TP thì phải lấy ý kiến rộng rãi từ cơ sở, tôn trọng những gì đang có để đưa ra phương án được lòng giáo viên cơ sở.
“Luật giáo dục sửa đổi quy định 'UBND các tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK chứ không phải quyết định lựa chọn'. Biết đâu sau một năm thực hiện, UBND có thể giao quyền, hướng dẫn các trường tự lựa chọn bộ sách phù hợp. Thực hiện như thế sẽ hạn chế xảy ra chuyện năm nay quyết một đằng năm sau chọn nẻo khác" ông Long cho hay.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, để nảy sinh những băn khoăn như hiện nay về lựa chọn SGK có phần trách nhiệm của Quốc hội.
“Nghị quyết 88 ra đời năm 2014, lúc đó có thể Quốc hội khoá 13 bàn và dự kiến giao cho nhà trường, giáo viên lựa chọn. Khi đó, các đại biểu bàn, thống nhất việc giao cho các nhà trường sẽ khách quan hơn, hạn chế được tiêu cực.
Tuy nhiên, đến Quốc hội khoá này bàn thảo lại vấn đề chọn SGK và đi đến ý kiến khác là giao cho UBND tỉnh trái với Quốc hội khoá trước. Đây là điều đáng tiếc”, ông Thuyết nhìn nhận.
GS Thuyết cho rằng, khi có nhiều bộ SGK, có thể nảy sinh chuyện “cạnh tranh không lành mạnh” giữa các NXB. Vì vậy, cơ quan quan lý nhà nước cần đảm bảo yếu tố khách quan. Điều quan trọng nữa là giáo viên phải nghiên cứu kỹ SGK, không chọn cảm tính hay chịu một yếu tố tác động nào.