Đó là ý kiến được đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng nhìn từ khía cạnh cải cách tư pháp” diễn ra ngày 27/11.
Số liệu từ hội thảo cho hay theo kết quả điều tra năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cả nước có 37 “làng ung thư”. Còn theo thông tin từ BV K, trong năm năm gần đây, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 ca ung thư mới phát hiện và khoảng 70.000 người chết vì căn bệnh này, tăng gấp nhiều lần so với thời gian trước.
Tại hội thảo, những người dân đến từ các “làng ung thư” nêu các hậu quả nhức nhối do ô nhiễm môi trường gây ra. Ông Cáp Văn Quân (Thanh Hóa) khẩn thiết: “Gần 30.000 dân ở khu vực này đang ốm đau, bệnh tật triền miên. Có những gia đình 3-4 người đang ở BV K. Ai sẽ đến cứu dân chúng tôi đây?”.
Ông Quảng Văn Lộc đến từ “làng ung thư” Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) đau xót: “Trong làng có gia đình ông chết, bà chết, cha chết và cả hai con trai cũng chết vì ung thư. Có trên 20 đôi vợ-chồng và cha-con chết vì ung thư. Gần đây nhất có trường hợp chồng vừa chết thì năm tháng sau vợ cũng chết vì ung thư”.
Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), mặc dù ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tật, tử vong nhưng hiện cơ chế khiếu kiện trong lĩnh vực môi trường chưa rõ ràng, thiếu khả thi gây bất lợi cho người dân. Theo báo cáo Chỉ số công lý do UNDP thực hiện năm 2012, gần 31% người được phỏng vấn cho biết họ đang sống trong môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, chỉ có 12% trong số đó có khiếu nại hoặc khiếu kiện tới chính quyền để yêu cầu khắc phục ô nhiễm và bồi thường thiệt hại. Đáng lo ngại là nhiều khiếu nại, kiến nghị không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo các chuyên gia, muốn hạn chế các xâm phạm về môi trường, cần thúc đẩy việc sớm thành lập tòa án môi trường, tăng cường sự giám sát của người dân và báo chí, ủng hộ việc các tổ chức xã hội thay mặt các nạn nhân tiến hành khởi kiện yêu cầu bồi thường…