Chỉ mới 28 tuổi, nhưng Thanh Thảo, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, đã sử dụng thực phẩm chức năng được 4 năm.
Trong điện thoại cô luôn cài sẵn 4 báo thức dành riêng cho việc nhắc uống thực phẩm chức năng đúng giờ.
Buổi sáng thức dậy, Thảo uống loại tăng sức đề kháng, bổ não, bổ mắt và tiêu hoá. Từ trưa đến tối, cô tiếp tục sẽ uống các loại thực phẩm chức năng giúp sáng da, mượt tóc, bổ sung các loại khoáng chất và vitamin. Trung bình mỗi ngày, cô gái uống 8 loại thực phẩm chức năng khác nhau.
Thanh Thảo cũng luôn có sẵn vitamin ở nhà phòng khi nào thấy mệt sẽ tăng cường thêm. Ước tính mỗi tháng, cô chi khoảng vài triệu đồng như một "quỹ đầu tư cho sức khỏe" đáng tiền.
Các loại thực phẩm chức năng giúp sáng da, mượt tóc, bổ sung các loại khoáng chất và vitamin mà Thanh Thảo uống mỗi ngày. Ảnh: NVCC. |
Cần "chức năng" gì thì mua loại đó sử dụng
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, có 80% người Việt đang sử dụng thực phẩm chức năng và các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ. Trong đó, dân số trên 18 tuổi sử dụng chế phẩm này chiếm 58,5%.
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia dược học, từng công tác tại khoa Dược, Bệnh viện Y dược TP.HCM, cho biết thực phẩm chức năng được đưa vào một số tác dụng sinh lý có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng thực phẩm chức năng không được xem là thuốc.
"Hiện thực phẩm chức năng được quảng cáo rầm rộ. Có người xem đây là chế phẩm thần kỳ, thậm chí sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng trong một ngày", PGS Đức nói.
Vì thực phẩm chức năng không phải là thuốc, việc mua bán cũng khá tự do, thoải mái. Người dùng cũng hồn nhiên cần “chức năng” gì thì mua loại đó sử dụng. Tuy nhiên, cái gì cũng cần liều lượng và chừng mực, phải dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn thì mới an toàn. Thực phẩm chức năng vẫn có tác dụng phụ và gây ra dị ứng, sốc phản vệ.
Thực phẩm chức năng được quảng cáo khá nhiều trên mạng xã hội. Ảnh minh hoạ: Shutterstock. |
Ngoài ra, bên cạnh một số thực phẩm chức năng có chất lượng bảo đảm, vẫn tồn tại nhiều chế phẩm “dỏm” trà trộn trên thị trường vừa bán rất đắt tiền vừa gây hậu quả nặng nề.
Nhờ quảng cáo, tiếp thị rầm rộ nên nhiều người cứ tưởng thực phẩm chức năng là “thần dược” chữa bách bệnh. Thực chất, đây chỉ là thực phẩm bổ sung, có tác dụng hỗ trợ.
Vì thực phẩm chức năng không phải là thuốc, việc mua bán cũng khá tự do, thoải mái. Người dùng cũng hồn nhiên cần “chức năng” gì thì mua loại đó sử dụng
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia dược học
"Có người uống dầu cá trong suốt cả một năm, với hy vọng là giúp mỡ trong máu tốt. Nhưng không ngờ khi khám sức khỏe, họ bị rối loạn lipid huyết, tức mỡ trong máu, trong đó có cholesterol cao", PGS Đức chia sẻ.
Để an toàn khi dùng thực phẩm chức năng, người dân không uống liên tục từ tháng sang tháng kia trong thời gian lâu dài, mà dùng có khoảng cách. Ví dụ, dùng thực phẩm chức năng cung cấp nhiều vitamin khoáng chất bằng cách uống 20 ngày/tháng, còn 10 ngày để cơ thể nghỉ.
Song song với việc sử dụng thực phẩm chức năng, người dân cần tập luyện thể dục, ăn uống đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để cải thiện sức khoẻ. Khi dùng thực phẩm chức năng, cần uống đúng liều lượng và khuyến cáo của bác sĩ.
Ranh giới mong manh giữa lợi và hại
Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, chia sẻ với Tri thức - Znews rằng thực phẩm chức năng chia thành hai loại:
- Thứ nhất là loại có trong tự nhiên, được sử dụng hàng ngày.
- Loại thứ hai là thực phẩm chức năng dạng bào chế, được thêm nhiều hoạt chất sinh học.
Tác dụng chính của thực phẩm chức năng là tăng cường sức khỏe. Như vậy, thực phẩm chức năng sẽ khác thuốc ở đặc điểm điều trị một loại bệnh, trải quy trình bào chế phức tạp hơn.
Tuy nhiên, đối với một người khoẻ mạnh, không cần sử dụng thực phẩm chức năng bào chế. Loại thực phẩm này chỉ sử dụng cho những người có vấn đề về sức khoẻ, hoặc bị bệnh mạn tính.
Về bản chất, thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ cho sức khoẻ, nhưng lạm dụng sẽ gây ra tác dụng ngược. Ví dụ, phụ huynh mua thực phẩm chức năng giúp tăng cường trí nhớ cho trẻ, nhưng sử dụng quá nhiều vô tình gây căng thẳng thần kinh. Từ giai đoạn trẻ phấn khích học bài mau thuộc, sẽ tiến đến giai đoạn mệt mỏi thần kinh rồi đến suy nhược, giảm trí nhớ.
“Thậm chí, có phụ huynh muốn bổ sung vitamin cho trẻ, nhưng uống quá nhiều khiến trẻ bị rối loạn tiêu hoá, mất ngủ, đau đầu. Từ chỗ thuốc bổ lại trở thành biếng ăn”, bác sĩ Tiến nói.
Về bản chất, thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ cho sức khoẻ, nhưng lạm dụng sẽ gây ra tác dụng ngược
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM
Ngoài ra, sử dụng quá nhiều loại thực phẩm chức năng cùng một lúc, có hại đến sức khỏe của trẻ. Có những loại thực phẩm chức năng có thành phần sinh học mạnh, ảnh hưởng đến tuần hoàn, nhịp tim nhanh, hô hấp, quá tải đường tiêu hoá, đau thắt ruột.
Ở trẻ em phụ huynh cần bổ sung đủ các nhóm chất như đạm, tinh bột, chất béo, vitamin, khoáng chất và chất xơ. Các loại chất này được lấy từ thực phẩm chức năng tự nhiên, như trái cây, các loại hạt… Nếu trẻ không có vấn đề gì về sức khoẻ, phụ huynh không nên cho các em dùng thực phẩm chức năng dạng bào chế.
Nếu trẻ có bệnh, cần sử dụng thực phẩm chức năng thì phụ huynh phải tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chỉ định của bác sĩ.
Qua quan sát của bác sĩ Tiến, độ tuổi an toàn để sử dụng thực phẩm chức năng bào chế bắt đầu từ 6 tuổi. Trẻ dưới 5 tuổi, cơ quan sinh lý, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, khi sử dụng thực phẩm chức năng dạng bào chế, có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ quan và hệ thống miễn dịch.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo mọi người cần lựa chọn những sản phẩm rõ nguồn gỗ xuất xứ và có giấy phép kiểm định. Phụ huynh không nên tin quá nhiều vào quảng cáo, phải có chuyên gia để tư vấn, hỗ trợ giúp lựa chọn sản phẩm tốt, an toàn.
'Vệ sĩ' vô hình của con người
Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.
Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.