Tôi mắc bệnh tiểu đường khoảng 6 năm nay. Tôi được biết nhiều người chuyển biến nặng do có bệnh nền tiểu đường nên rất lo lắng. Tôi cần làm gì để phòng nguy cơ?
(Nguyễn Thị Lành, 48 tuổi, TP.HCM)
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Minh Triết, khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Người bệnh đái tháo đường nếu mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng hơn, tỷ lệ tử vong tăng gấp 3 lần so với người không bị bệnh này.
Nguyên nhân là người bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát đường huyết tốt thì có thể đã xuất hiện nhiều biến chứng, sức đề kháng và khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể cũng bị suy giảm.
Giãn cách xã hội còn có thể khiến người bệnh đái tháo đường không thể đến khám bệnh, dẫn đến bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng thay đổi, ít hoạt động hơn có thể làm cho đường huyết tăng cao, khó kiểm soát và tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng.
Một số người bệnh tự ngưng thuốc quá lâu dẫn đến hôn mê tăng đường huyết phải nhập viện cấp cứu.
Nếu mắc Covid-19 khi có bệnh nền đái tháo đường, bạn cần làm theo những lưu ý dưới đây để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng.
- Tuân thủ 5K theo hướng dẫn của Bộ Y Tế
- Duy trì sử dụng thuốc điều độ, không được tư ý ngưng thuốc
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý như trong trường hợp không có dịch.
- Phái báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc đến khám tại cơ sở y tế gần nhất nếu: không đến khám được, hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường, các biến chứng…
- Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ngay khi có cơ hội. Việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn cho người bệnh đái tháo đường.