Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mối nguy hiểm những bé gái phải đối mặt khi mang thai

Các bé gái trong độ tuổi vị thành niên còn quá nhỏ để trải qua hành trình mang thai và vượt cạn đầy khó khăn, nguy hiểm.

nhung tre vi thanh nien mang thai anh 1

Mới đây, một nữ sinh 15 tuổi, ngụ xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được gia đình đưa đến trung tâm y tế địa phương sau khi sinh con khoảng 3 giờ.

Đáng ngạc nhiên hơn, suốt thời gian nữ sinh lớp 7 mang thai, người mẹ sống cùng nhà, thầy cô và bạn bè không hề hay biết. Cha ruột của bé sơ sinh là người đàn ông 30 tuổi, quen biết nữ sinh qua mạng xã hội.

Đây không phải sự việc hiếm gặp. Cách đây không lâu, hành động vứt bỏ con vừa mới sinh trong nhà vệ sinh của sản phụ 18 tuổi, ở Bình Thuận, cũng khiến nhiều người bất ngờ và đau xót cho em bé vừa chào đời.

“Tôi không quá ngạc nhiên khi đọc thông tin này, chỉ thấy bàng hoàng, đau xót vì những vụ việc tương tự như thế này xảy ra từ lâu nay, quá nhiều và đến nay vẫn không giảm”, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, Trưởng phòng khám Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2, chia sẻ.

“Trẻ em còn quá nhỏ để trải qua hành trình vượt cạn”

Tiến sĩ Hữu Trung cho biết ông vừa tiếp nhận một sản phụ 22 tuổi. Dù không còn ở độ tuổi vị thành niên, đủ sức khỏe và tuổi sinh nở, người phụ nữ này vẫn không hề hay biết sự tồn tại của đứa con trong bụng dù đã mang thai đến tuần thứ 30.

“Hành trình vượt cạn, sinh con là quá trình sinh lý tự nhiên nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như băng huyết sau sinh, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng hậu sản, uốn ván sơ sinh… Điều đó ảnh hưởng tính mạng của bà mẹ và em bé”, tiến sĩ Hữu Trung nói.

nhung tre vi thanh nien mang thai anh 2

Thai phụ 22 tuổi mang thai đến tuần 30 nhưng không hay biết. Ảnh: BSCC.

Thai phụ tuổi vị thành niên đối mặt với rất nhiều tai biến sản khoa, nhất là trong cuộc "vượt cạn" - giai đoạn cuối cùng của thai kỳ. Ngoài ra, trẻ vị thành niên sinh con thường không được khám thai đầy đủ, không có chế độ dinh dưỡng tốt…, cũng khiến cho thai nhi bị dị tật không được phát hiện sớm, thai dễ bị sinh non, nhẹ cân, chậm tăng trưởng trong tử cung…

“Bản thân các em gái trong độ tuổi vị thành niên còn quá nhỏ để phải trải qua hành trình vượt cạn đầy cam go và khó khăn. Sau sinh, nếu các em không được người thân quan tâm dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần. Bản thân các bé không được chuẩn bị kỹ cả tâm sinh lý lẫn tài chính, luật pháp..., có thể đưa ra quyết định sai lầm, làm hại cho bản thân mình và đứa con”, ông nói thêm.

Trẻ thiếu kiến thức hay người lớn vô tâm?

Theo tiến sĩ Trung, ở độ tuổi vị thành niên, các em chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ kể cả về thể chất và tinh thần. Việc mang thai và sinh con có thể trở thành gánh nặng cho cả bản thân, gia đình và xã hội.

Khi không thể tự chăm lo cho bản thân và không có sự quan tâm của gia đình, anh chị em, nhà trường, xã hội… “những bà mẹ bất đắc dĩ” này dễ đi đến quyết định nông nỗi, có người đành lòng bỏ rơi con.

“Khi trẻ vị thành niên mang thai, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người lớn và chính bản thân những trẻ này không được học về giới tính. Những bài học này không bao giờ muộn, không bao giờ dư vì sự việc đau lòng vẫn tồn tại hàng ngày mà có thể chúng ta chưa biết hết”, tiến sĩ Trung chia sẻ.

nhung tre vi thanh nien mang thai anh 3

Một bé sơ sinh bị mẹ bỏ trong thùng rác bệnh viện ngay khi vừa chào đời. Ảnh: Chí Hùng.

Theo chuyên gia này, những sự việc đau lòng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn nếu chúng ta không bắt tay đồng hành cùng các bé. Trong đó, bác sĩ chuyên sản phụ khoa, báo chí truyền thông, gia đình, nhà trường, xã hội là những người có thể giúp giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở trẻ.

“Quan trọng nhất là sự quan tâm từ phía gia đình. Một số em do hoàn cảnh đặc biệt, không có sự quan tâm của gia đình cần có sự quan tâm kỹ hơn của thầy, cô giáo, nhà trường và các tổ chức bảo vệ trẻ”, tiến sĩ Hữu Trung nêu quan điểm.

Lý giải nguyên nhân khiến nhiều trẻ vị thành niên không hay biết bản thân mang thai, theo tiến sĩ Trung, các em thiếu kiến thức về chu kỳ kinh nguyệt. Ở tuổi dậy thì, nhiều em có kinh nguyệt không đều. Do đó, các em cứ nghĩ “kinh nguyệt không đều sẽ khó có thai”, vẫn vô tư sinh hoạt tình dục mà không sử dụng phương pháp bảo vệ cho đến khi vô tình phát hiện mang thai.

Khi có dấu hiệu bất thường, nhiều em sẽ lo sợ, không dám đến các cơ sở y tế để khám, giấu gia đình và thường tự mua que thử thai nhanh. Những que thử thai có thể cho kết quả sai, quá trình thử không chính xác khiến các em lầm tưởng cơ thể bình thường. Một số trường hợp que thử dương tính, nhiều em rơi vào khủng hoảng, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và cố tìm cách che giấu.

Chuyên gia này cho biết ông từng được nhiều trường ở TP.HCM, Đồng Nai mời về giảng dạy giới tính cho học sinh. “Thực tế các em sẵn sàng hỏi những điều ‘tế nhị’ nhưng không phải ai cũng đủ chuyên môn, kỹ năng và mạnh dạn giảng dạy cho các em những chuyện khó nói này”, ông nói. Vì vậy, tiến sĩ Trung cho rằng hoạt động này của các trường là rất cần thiết và cần được duy trì, mở rộng hơn nữa.

6 dị tật của thai nhi cha mẹ phải biết

Với công nghệ chẩn đoán hiện đại, các dị tật và bệnh lý bẩm sinh của trẻ có thể được phát hiện từ giai đoạn bào thai.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm