Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mời thầy đi bar, nhảy đầm

Nhậu, hát karaoke... đã thành chuyện “xưa như trái đất”, học viên tại chức (nay gọi là hệ vừa học vừa làm) giờ chuyển qua mời giảng viên đi nhảy đầm, đi bar và nhiều trò tiêu khiển khác.

Tranh minh hoạ.

Những câu chuyện bi hài trong đào tạo tại chức được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo “Giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo hệ vừa học vừa làm tại các trường ĐH, CĐ VN” do Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức sáng 20-12.

Giảng viên “rất đòi hỏi”

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thắng (ĐH Sư phạm Huế) cho biết trong báo cáo “Định kiến xã hội và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ vừa học vừa làm tại các trường ĐH, CĐ VN” sau năm 1975, khi đất nước thống nhất bước vào thời kỳ xây dựng phát triển, một phần lớn đội ngũ cán bộ được đào tạo hệ vừa học vừa làm.

Với tinh thần tự giác học tập, ham hiểu biết và học để thực hiện nhiệm vụ mới, nên kết quả học tập của các cán bộ “vừa học vừa làm” này xấp xỉ sinh viên hệ đào tạo chính quy tập trung. Nhưng thời gian gần đây, câu cửa miệng “dốt chuyên tu, ngu tại chức” lại chính là thực tế... đào tạo của hệ vừa học vừa làm.

Cạnh tranh không lành mạnh

Thầy Phạm Duy Quang, trưởng phòng đào tạo không chính quy Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết hiện vẫn có những cơ sở đào tạo hệ vừa học vừa làm “cạnh tranh không lành mạnh”. Vừa rồi, ngay sau khi Trường ĐH Luật tuyển 180 học viên hệ vừa học vừa làm tại Nha Trang thì đã có một đơn vị khác “lôi kéo” học viên của trường với những cam kết đại loại như “các anh chị cứ sang học ở chỗ này, tôi đảm bảo vào được sẽ ra trường được đúng ngày, đúng tháng”.

 

“Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại một buổi tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hình thức vừa học vừa làm ở Đà Nẵng cũng từng phát biểu: Tất cả chúng ta ai cũng biết tại chức không bài bản như chính quy. Không phải vì các địa phương từ chối tuyển dụng tại chức mà từ lâu xã hội đã biết chất lượng hệ đào tạo này rồi. Không thể trách các nhà tuyển dụng không mặn mà với hệ này được” - ThS Thắng nói.

Thầy Nguyễn Cao Đạt, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, đồng tình với quan điểm này. Ông nói: “Một giám đốc sở từng học tại chức ra nhưng tuyên bố không tuyển người có bằng tại chức. Họ không tuyển có cái lý của họ, cũng tại chúng ta đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của xã hội”.

Có một thực trạng chung và thường xuyên xảy ra cả ở những giảng viên đến từ nhiều trường ĐH lớn ở các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế... khi đến dạy tại chức ở các tỉnh, thành khác đều “rất đòi hỏi”. Sự đòi hỏi đó của giảng viên đương nhiên được học viên “chuyên tu, tại chức” ngay tức khắc đáp ứng. Đổi lại, học viên không còn phải học hành gì nữa, sẽ có luôn cả đề thi, về học đề thi là qua được môn học.

“Tại TP Cần Thơ, tôi đã chứng kiến nhiều lần học viên mời thầy đi... nhảy đầm. Mà đi nhảy đầm thì sinh ra nhiều thứ tệ nạn lắm. Đi hát karaoke thì... thi “bàn tay vàng”, ôi chao lắm kiểu lắm” - thầy Đạt nói. Không đi nhậu, không đi khiêu vũ, không hát karaoke, một số giảng viên khi dạy hệ vừa học vừa làm lại giở chiêu trò mời sinh viên đi uống cà phê, bắt sinh viên đi sửa xe mà “quên đưa tiền”. Có giảng viên còn công khai bảo với đại diện lớp “góp tiền để thầy, cô đi về”.

Dễ dãi sẽ bể “nồi cơm”

Giải pháp gì cho những nhức nhối vốn tồn tại bao năm trong hệ đào tạo tại chức? TS Nguyễn Hải Hằng, phó giám đốc kiêm trưởng phòng đào tạo Học viện Hàng không VN, cho biết nguyên nhân của những nhức nhối đó bắt nguồn từ hai phía: động cơ của người học và động cơ của nhà trường. Phía người học thì không thể kiểm soát được động cơ, không biết học để làm gì. Trong khi đó “đối với nhiều trường, hệ tại chức là “nồi cơm” nên họ phải dễ dãi và thường bảo nhau rằng: “chỉ làm đến thế thôi” để giữ chân người học. Nhiều nơi “muốn nồi cơm đầy nên để chất lượng dễ dãi”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Cao Đạt cho rằng khi xã hội không chấp nhận bằng cấp từ hệ đào tạo vừa học vừa làm, tẩy chay bằng cấp này thì cũng đồng nghĩa với việc các trường sẽ không dễ dàng tuyển sinh ngành này nữa. Cũng vì thế, nếu cứ mãi “đi nhậu, đi nhảy đầm” để học tại chức thì đến lúc bằng chỉ quăng vào “sọt rác”. Ông Đạt cho rằng để cải thiện chất lượng đào tạo hệ tại chức, xóa bỏ những thực trạng “đòi hỏi” vô lối của những giảng viên hệ vừa học vừa làm biến chất, điều đầu tiên phải bắt nguồn từ cơ sở nhận đào tạo.

“Chúng tôi mà thấy giảng viên tại chức mời sinh viên đi cà phê là ngừng việc hợp tác với giảng viên đó ngay. Kết quả học hệ vừa học vừa làm một thời gian dài là... hình trụ. Tôi mong muốn việc đào tạo tại chức phải theo quan điểm “đầu vào lỏng, đầu ra chặt”, việc đào tạo phải theo kiểu hình phễu, ai muốn học cũng được nhưng ra trường thì phải siết” - thầy Đạt nói.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm