Bánh củ gừng. Ảnh: dulichgo. |
Vào đầu tháng Giêng Chăm lịch, tức tháng 4 dương lịch, cộng đồng người Chăm tại Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ tổ chức lễ hội tống ôn đầu năm, cầu mưa thuận gió hòa, tẩy uế những điều chưa tốt trong năm cũ.
Theo Caraih Kaya (Huyền Trang), gốc Ninh Thuận, người Chăm quê cô thường sẽ quây quần làm bánh dâng lễ vào dịp này.
Tapei nung (bánh tét)
Kaya cho biết cả Bà La Môn giáo và Chăm Bani - hai tôn giáo có nhiều tín đồ nhất tại Ninh Thuận, Bình Thuận - đều chưng tapei nung vào dịp lễ Rija Nagar.
Tapei nung là loại "bánh thiêng" nên người dân không tùy tiện dùng, mà phải đợi dâng lên bề trên vào dịp lễ, Tết.
Taipei nung và Sakaya. Ảnh: Kiều Kiều Maily. |
Tương tự như người Kinh, mỗi dịp lễ Rija Nagar, cộng đồng người Chăm sẽ quây quần cùng làm bánh, người lau lá, người phơi lá chuối, người thì cột dây làm bánh. Mỗi người một việc tạo nên không khí nhộn nhịp lễ đầu năm mới và gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Nguyên liệu chính để làm thứ bánh này là gạo nếp (điệp Kalu, có màu trắng, hạt tròn, thơm mùi mướp hương) và đậu (ralak).
Nếu là bánh tét nhân đậu, cách làm của người Chăm khá giống người Kinh. Họ cũng nấu chín đậu, giã nhuyễn trộn với một ít đường làm nhân. Với bánh tét nhân mặn, người Chăm sẽ ướp gia vị với thịt bò thay vì thịt heo.
Taipei bilik (bánh ít)
Taipei bilik cũng tương tự bánh ít của người Kinh. Người Chăm có hai loại bánh ít phổ biến là bánh ít nhân dừa và đậu xanh, cách làm cũng không khác là bao. Họ dát mỏng bột được làm từ gạo nếp để bọc lấy nhân.
Còn nhân bánh, đầu bếp giã nhuyễn đậu xanh, rồi đem nấu chín để sên nhân, vo thành những viên tròn. Sau đó, dùng lá bọc bên ngoài bánh, người gói thường thoa một ít dầu ăn vào mặt lá phía trong để khi bóc vỏ bánh không bị dính. Hoàn thành tất cả công đoạn trên, họ sẽ cho hấp bánh.
Bánh ít người Chăm. Ảnh: Minh Tri Dang. |
Ginraung laya (bánh củ gừng)
Thứ bánh hình củ gừng, màu vàng ruộm, giòn là một phần văn hoá tinh thần của đồng bào Chăm. Họ dâng bánh này vào dịp lễ quan trọng cầu mong sự ấm no, hạnh phúc cho gia đình.
Bánh củ gừng không khó làm, tuy nhiên người thợ cần phải tỉ mỉ và khéo tay. Nguyên liệu chính để tạo ra ginraung laya là bột nếp, gừng tươi, đường cùng chút men rượu.
Người làm bánh cho tất cả nguyên liệu vào thau, nhồi thật nhuyễn. Công đoạn kế tiếp đòi hỏi người phụ nữ phải thật kéo tay, nặn bột ra hình củ gừng. Cuối cùng, bánh sau khi nặn xong sẽ được chiên khoảng 5 phút trong chảo dầu nóng đã khử bằng tỏi trước đó.
Vào những ngày lễ trọng đại như tết Katê, người dân Chăm còn tạo ra một tháp bánh củ gừng, họ ghim bánh vào các que tre, trang trí hoa văn dưới chân tháp, sau đó dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Sakaya (bánh trứng)
Một số người con vùng Chăm Ninh Thuận cũng không ai rõ sakaya ra đời từ khi nào, nhưng thứ bánh này vẫn luôn hiện diện trong những dịp lễ hội như Katê, đám cưới, đám tang... để đãi khách quý.
Nguyên liệu chính của bánh bao gồm trứng, đường, đậu phộng rang và gừng giã nhuyễn. Trứng phải lựa quả to, đậu phộng được rang chín rồi giã đều tay nhưng không được quá nát.
Đầu bếp sẽ trộn hỗn hợp trứng, đường, đậu phộng và gừng giã nhuyễn, sau đó đem đi hấp. Thành phẩm được phân ra từng chén nhỏ, để chưng cách thủy, liu riu lửa khoảng 10 phút. Kaya cho biết sakaya phải có gừng để tạo hương vị đặc trưng.
Sakaya có màu vàng, cho một miếng bánh vào miệng, thực khách sẽ cảm nhận rõ mùi thơm của đậu phộng và vị cay nhẹ của gừng. Người Chăm thông thường sẽ dùng bánh trứng kèm một tách trà nóng, mở đầu câu chuyện đến tận khi trà nguội, tiệc tan.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.