Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mong các hướng dẫn viên bớt đi sự cứng nhắc

Hè năm 2012 tôi đưa gia đình bốn người du lịch tự túc tới Đà Nẵng. Sau một ngày thăm thú thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An chúng tôi mua tour trong ngày đến Huế.

Khi đón đủ khách (chỉ có 8 người) xe khởi hành đã gần 8 giờ (lẽ ra nên khởi hành sớm hơn, khoảng 6 giờ) và đến Huế đã gần trưa. Đoàn được đưa ngay đến Lăng Khải Định, tiếp đó là dùng cơm trưa. Cơm nước xong đoàn tiếp tục đến chùa Thiên Mụ và tiếp theo là Đại Nội, điểm tham quan cuối cùng. Do mua tour trong ngày nên tôi không quan tâm tìm hiểu trước lịch trình chuyến đi, nhưng chỉ có thế theo tôi là khá ít. Đến Huế mà không biết sông Hương, cầu Tràng Tiền hay chợ Đông Ba thì có vẻ… phí phạm. Tôi đề nghị cô hướng dẫn viên cho ghé chợ Đông Ba nhưng không được chấp nhận, cô bảo không có trong chương trình. Cô HDV còn “bàn ra” khi bảo chợ Đông Ba cũng chẳng có gì, cũng như bao ngôi chợ khác thôi! Nghe cô nói tôi còn hụt hẫng hơn. Khách du lịch, nhất là người từ miền Nam ra như tôi đâu phải đến Huế để tìm kiếm, khám phá ngôi chợ “5 sao” nào đó, cái mà chúng tôi muốn tìm, muốn thưởng thức chính là chất Huế, con người Huế… mà có lẽ không nơi nào tiếp cận tốt hơn là… vào chợ. Tôi muốn được tận mắt chứng kiến nét sinh hoạt, quan cảnh chợ búa, hay chí ít là mua một vài món quà nhỏ, nếm thử một thức ăn lạ, nghe được… giọng rất Huế. Thất vọng hơn nữa là yêu cầu ngắm dòng sông Hương, chạy qua cầu Tràng Tiền cũng không được đáp ứng, vì theo cô HDV là không thuận đường và hết thời gian (lúc này là 3 giờ chiều). Tôi nghĩ thật ra chỉ cần 1 giờ đồng hồ là có thề đáp ứng tất cả nguyện vọng của chúng tôi. Nghĩ lại tôi cảm thấy tiếc, vượt hàng ngàn cây số đến Huế mà cứ… như là chưa đến!

Biết rằng HDV phải thực hiện đúng theo lịch trình chuyến đi vì đó là nguyên tắc. Nhưng thiết nghĩ sự linh động trong chừng mực nào đó cũng rất cần thiết, nên làm và không là quá khó, cái chính là có sự đồng thuận của khách. Trong lần tham quan Phan Thiết – Mũi Né chương trình đoàn chúng tôi không có điểm tham quan tại dinh Vạn Thủy Tú (nơi thờ bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á). Và theo yêu cầu của du khách, cô HDV vui vẻ đưa chúng tôi đến với một điều kiện hết sức dễ dàng là chúng tôi tự mua vé vào tham quan. Cũng như chiều hôm trước khi ghé Đồi Cát vàng thì trời đổ mưa phải hủy. Đoàn có nhiều em bé muốn được chơi đồi cát nên sau khi tham khảo ý kiến cả đoàn thì HDV đồng ý quay lại với điều kiện “chi thêm ít tiền xăng cho nhà xe” (thật ra rẻ hơn đi taxi nhiều). Từ sự linh động của cô HDV tạo không khí rất vui và cởi mở suốt cuộc hành trình – điều rất cần thiết và có thể xem là yếu tố thành công của một chuyến du lịch, cho thương hiệu doanh nghiệp.

Chia sẻ kỷ niệm du lịch Việt, nhận giải 30 triệu đồng

Ngoài giải nhất 30 triệu đồng, cuộc thi "Việt Nam diệu kỳ" còn có những giải thưởng hấp dẫn khác như tour du lịch nội địa, kỳ nghỉ ở resort 4 sao...

Tương tự như vậy là lần chúng tôi tham quan Bắc Kinh (Trung Quốc). Khi nhận phòng khách sạn tôi cảm thấy không hài lòng vì phòng ốc chật hẹp thiếu vệ sinh, đặc biệt là thức ăn quá tệ, không hợp khẩu vị. Khi đi tôi cứ ngở thức ăn Trung Quốc sẽ rất ngon (người Hoa nổi tiếng về ẩm thực mà), bản thân tôi lại là người gốc Hoa nên chắc chắn sẽ thú vị, nhưng thật không ngờ cả 2 bữa cơm trưa, chiều cả đoàn hầu như không thể nuốt trôi, đêm đó tôi phải nhờ hướng dẫn viên mua giúp mấy gói mì tôm đỡ dạ. Buổi buffet sáng hôm sau cũng “khủng khiếp” không kém. Chừng 20 món mà rất lạ lẫm, mùi vị hoàn toàn không thích hợp. Tôi hỏi tìm món quen thuộc, dễ ăn là hột gà ốp la mà cũng không có. Chuyện ăn uống dường như đã quá sức chịu đựng của cả đoàn nên đề nghị HDV có ý kiến với khách sạn. Anh HDV (người cùng từ VN sang) thực hiện ngay yêu cầu nhưng bửa cơm trưa vẫn không có gì thay đổi. Vậy là thêm một đề nghị nữa được đưa ra: yêu cầu đổi khách sạn. Một đề nghị có thể xem là khá khó khăn nhưng sau khi xin ý kiến từ công ty đề nghị đã được chấp thuận và thực hiện ngay ngày hôm sau. Thật ra khách sạn mới chỉ đáp ứng tốt hơn về phòng ốc, còn về thức ăn thì chỉ khá hơn đôi chút do có sự gợi ý về món ăn của anh HDV. Có thể nói chuyến du lịch hoàn toàn thất bại về mặt ăn uống, điều làm chúng tôi hài lòng là sự nhiệt tình, cố gắng phục vụ tốt hơn cho du khách của anh HDV và lãnh đạo công ty du lịch.

Từ những câu chuyện trên tôi có góp ý với các doanh nghiệp du lịch là cần có sự tính toán thật khoa học cho mỗi chuyến hành trình. Làm sao để du khách tận hưởng tối đa hiệu quả của chuyến đi: thăm thú được nhiều nơi, thức ăn tương đối chấp nhận được (khó đáp ứng trọn vẹn vì khẩu vị khác nhau giữa các vùng miền), đặc biệt cần tạo điều kiện cho du khách tự khám phá, trải nghiệm về đặc tính, sinh hoạt đời thường những nơi họ đến, cũng như linh hoạt ứng xử giải quyết kịp thời những đề nghị có thể chấp nhận được của du khách, tránh thái độ làm việc cứng nhắc, sáo mòn. Hãy lấy sự hài lòng của khách làm thước đo cho sự thành công. Đề cao tiêu chí phục vụ khách hàng với tôi chính là yếu tố quyết định cho sự thành công của doanh nghiệp, cho tương lai của ngành du lịch chúng ta.

 

"Việt Nam diệu kỳ" là cuộc thi dành cho các độc giả yêu thích du lịch. Độc giả gửi bài dự thi dưới dạng bài cảm nhận chuyến đi, hướng dẫn về các điểm du lịch độc đáo, hoặc đưa ra những sáng kiến để phát triển du lịch Việt. Ngoài dạng bài viết, bạn có thể gửi bộ ảnh hoặc clip. Bên cạnh giải nhất 30 triệu đồng, cuộc thi "Việt Nam diệu kỳ" còn có những giải thưởng hấp dẫn khác như tour du lịch nội địa, kỳ nghỉ ở resort 4 sao.                                         

Xem thông tin về thể lệ cuộc thi TẠI ĐÂY

* Để bình chọn cho bài viết, bạn vui lòng Vote trên trang fanpage Zing.vn TẠI ĐÂY

Bình chọn bài dự thi tuần 2 (17-23/11)

Độc giả Thanh Vân

Bạn có thể quan tâm