Có nhiều con đường, khu vực mà người Trà Vinh chỉ gọi theo tên “truyền thống” là đường hàng me, hàng sao; là khu cây dầu lớn, cây dầu dù… Tất nhiên không thể không nhắc đến “buồng phổi” của thành phố là thắng cảnh Ao Bà Om nổi tiếng – nơi có hồ nước rộng lớn trong xanh và một rừng cây hàng trăm năm tuổi mang theo nhiều dáng dấp kỳ dị, lạ mắt. Có lẽ bất kỳ giờ phút nào, ngày tháng nào hay mùa nào trong năm bạn cũng tìm thấy sự mát dịu nơi thắng cảnh này. Tôi tự hào về nó, tôi xem thắng cảnh Ao Bà Om như báu vật mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất quê tôi, tôi trân quý nó, quý để cảm nhận, phát huy, giữ gìn.
Khi vào đại học có nhiều bạn bè ở khắp các vùng miền tôi mới biết thêm “thế mạnh” của quê tôi. Bạn tôi, đến từ nhiều vùng khác nhau: là cao nguyên với Đức Trọng, Đà Lạt, là miền Trung với Phan Thiết, Phan Rang, là Đông Nam Bộ với Vũng Tàu, Biên Hòa, Tây Ninh, là cùng xứ Đồng bằng sông Cửu Long với Đồng Tháp, Long An, tất nhiên là cả TP. Hồ Chí Minh. Họ, ít nhất một lần đã đến quê tôi và có cùng một cảm nhận: Thành phố Trà Vinh thật mát và đặc biệt có nhiều món ăn vừa ngon vừa rẻ.
Các bạn tôi trong một lần đến Ao Bà Ôm. |
Rẻ nhất theo tôi chính là món bún nước lèo của người Khmer Nam bộ. Bún nước lèo Trà Vinh khác với bún nước lèo Sóc Trăng hay Bạc Liêu vốn có thêm nhiều thịt, cá, tôm…, giống như bún mắm ở Sài Gòn. Tô bún nước lèo Trà Vinh chỉ đơn giản với bún, rau và… nước lèo, nhưng thật thơm nồng và quyến rũ. Người ăn có thể dùng thêm với huyết heo, chả giò, bánh giá (bánh cống) hay thịt heo quay tùy thích. Giá tô bún thời điểm hiện nay chỉ 10.000 đồng nên hầu như nó thích hợp với túi tiền của mọi người. Theo các bạn tôi thì món hủ tíu mì ở Tp. Trà Vinh không hề thua kém bất cứ nơi đâu, thậm chí với khẩu vị một vài bạn là ngon nhất. Rồi món nem nướng, bánh xèo cũng được khen là tuyệt ngon, trước khi đến với món ăn nức tiếng cả vùng: Bánh canh Bến Có. Tất nhiên “tiêu điểm” là món ăn nào giá cả cũng rất mềm.
Trà Vinh cũng có khu du lịch tắm biển Ba Động thuộc huyện Duyên Hải. Tuy còn hạn chế về nhiều mặt nhưng nếu du khách về vùng này ắt sẽ mua được vài loại thực phẩm làm quà như ý. Ít tiền thì có bánh tét Trà Cuôn, còn “rủng rỉnh” thì tậu vài ký tôm khô Vĩnh Kim nổi tiếng. Tôm khô ở đây chuyên làm bằng loại tép đất tự nhiên, thịt chắc, ngọt…, nhiều chủng loại lớn nhỏ khác nhau, hàng “VIP” lên đến vài triệu đồng một ký, là loại mà nhiều người thường mua gởi cho người thân ở nước ngoài. Bên cạnh đó Trà Vinh còn một số mặt hàng thực phẩm như: Pate, chả lụa, lạp xưởng… khá được ưa chuộng ở thị trường Tp. Hồ Chí Minh.
Đó là nói về “ăn”, còn về uống thì Trà Vinh cũng sở hữu một “vườn dừa” không thua kém anh bạn láng giềng Bến Tre. Đặc biệt hơn Trà Vinh còn có dừa sáp - một loại dừa đặc ruột chỉ có ở huyện Cầu kè, là món sinh tố rất tươi mát và bổ khỏe. Còn với mấy ông thích “lai rai” thì rõ ràng là… đến đúng chỗ! Bởi Trà Vinh có loại rượu nức tiếng, uống vào một ngụm là “chạy tới đâu biết tới đó”. Thế đấy, một lần đến Trà Vinh để thỏa mãn cơn say: say mồi, say rượu, say môi trường thiên nhiên trong lành …, nghĩ cũng thú vị lắm chứ!
Tô bún nước lèo Trà Vinh đơn giản mà rất ngon. |
Đi đó đi đây, tôi cũng ao ước một ngày nào đó du khách đến với quê mình, hay nói đúng hơn quê tôi cũng trở thành một địa chỉ du lịch thân thuộc. Một “điểm sáng” mà tôi nhận ra là mai này khi cầu Cổ Chiên hoàn thành từ Tp.HCM về Trà Vinh chỉ mất hơn 2 giờ, có thể xem đó là một lợi thế, một yếu tố cần. Nhưng để đi vào thực tế và đủ đầy hơn thì đòi hỏi phải có cách làm khoa học, bài bản, phải có tư duy, chiến lược đúng đắn, năng động, phù hợp… Với tôi có lẽ chỉ nên khai thác tiềm năng du lịch Trà Vinh theo hướng du lịch xanh, sạch, gắn kết cùng các lễ hội của bà con dân tộc Khmer cũng như giới thiệu bản sắc văn hóa ẩm thực. Quan trọng hơn là không nên chạy theo xu hướng hiện đại hóa mà đặc biệt cần bảo tồn những cảnh quan thiên nhiên, những di tích, thắng cảnh có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử như Đền thờ Bác Hồ, thắng cảnh Ao Bà Om, là “phố trong rừng cây” hay những ngôi chùa cổ kính…
Cứ một vài tuần tôi lại thấy một đoàn khách Tây thư thả đạp xe đi về từ trung tâm thành phố. Một khung cảnh thật thanh bình, ấm áp…, chen lẫn giữa hiện đại và cổ kính, một sự giao thoa văn hóa tuyệt vời, thú vị… mang đến cho tôi cảm giác lâng lâng, xúc động, tự hào. Tự hào với quê hương, với người dân chân chất, hiền từ, hiếu khách, với mong ước một ngày quê tôi… cất cánh.
"Việt Nam diệu kỳ" là cuộc thi dành cho các độc giả yêu thích du lịch. Độc giả gửi bài dự thi dưới dạng bài cảm nhận chuyến đi, hướng dẫn về các điểm du lịch độc đáo, hoặc đưa ra những sáng kiến để phát triển du lịch Việt. Ngoài dạng bài viết, bạn có thể gửi bộ ảnh hoặc clip. Bên cạnh giải nhất 30 triệu đồng, cuộc thi "Việt Nam diệu kỳ" còn có những giải thưởng hấp dẫn khác như tour du lịch nội địa, kỳ nghỉ ở resort 4 sao.
Xem thông tin về thể lệ cuộc thi TẠI ĐÂY.
* Để bình chọn cho bài viết, bạn vui lòng Vote trên trang fanpage Zing.vn TẠI ĐÂY