Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp và vẫn có xu hướng gia tăng. Nhiều ngày qua, Tổ công tác của Bộ Y tế liên tục kiểm tra, tăng cường giám sát, hỗ trợ các địa phương này trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng Tháp xây dựng kế hoạch 3 cấp độ dịch
Theo đánh giá từ Tổ công tác của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 đã xuất hiện tại 11/12 huyện, thành phố của Đồng Tháp với tổng cộng 1.379 bệnh nhân. Trong đó, 16 bệnh nhân nặng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc.
Trước diễn biến của Covid-19, ngày 19/7, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành kế hoạch sẵn sàng đáp ứng với 3 cấp độ dịch.
Kế hoạch 3 cấp độ dịch tại Đồng Tháp | ||
Cấp độ | Số người mắc | Số người cần cách ly y tế |
Cấp độ 1 | 1.000 | 70.000 |
Cấp độ 2 | 2.000 | 140.000 |
Cấp độ 3 | 2.000-3.000 | 210.000 |
Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chuẩn bị nhân lực, vật lực để đáp ứng với từng cấp độ, trong đó mấu chốt nhất là vấn đề điều trị và xét nghiệm.
Trước diễn biến của nhiều ca mắc Covid-19 chuyển nặng, Tổ công tác của Bộ Y tế đã làm việc với cơ sở tiếp nhận, điều trị Trường Quân sự Đồng Tháp và Bệnh viện Lấp Vò Cơ sở 2.
Bộ Y tế đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần đẩy mạnh công tác xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Hà Văn Đạo. |
Theo Tổ công tác của Bộ Y tế, Đồng Tháp cần đẩy mạnh hơn việc xét nghiệm sàng lọc tại các bệnh viện, các cơ sở kinh doanh thiết yếu, lực lượng phòng, chống dịch, các khu vực chợ đầu mối, các trường hợp về từ vùng dịch, có khai báo y tế có ho, sốt, khó thở….
Các cơ sở y tế của Đồng Tháp phải tăng cường tầm soát phát hiện bệnh nền, phát hiện sớm bội nhiễm (mệt nhiều lên, ho có đờm đục…) để chuyển tuyến điều trị cao hơn.
Tổ công tác cũng yêu cầu Đồng Tháp thành lập ngay các đoàn kiểm tra, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc thiết lập, vận hành khu cách ly tập trung trên địa bàn, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.
Bình Dương cần kích hoạt tháp điều trị "3 tầng"
Bà Đoàn Thị Hồng Thơm, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay, địa phương này ghi nhận 3.000 ca mắc Covid-19. Ngành y tế trưng dụng các cơ sở giáo dục để triển khai thành cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19. Tổng số giường điều trị hiện có khoảng 2.500 giường.
Mới đây, tỉnh đã khai trương Bệnh viện dã chiến với quy mô 1.500 giường, dự kiến nâng công suất giường điều trị lên 4.000.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, với tình hình hiện nay, tỉnh Bình Dương cần dự báo số ca bệnh Covid-19 có thể tăng lên 8.000-10.000 trường hợp. Nếu không có phương án trước, tỉnh rất dễ bị động, lúng túng.
Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bình Dương họp bàn về chiến lược điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương. Ảnh: Hoài Thương. |
Theo kinh nghiệm điều trị tại nhiều tỉnh, thành, ông Nguyễn Trọng Khoa đề xuất tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng thiết lập mạng lưới điều trị Covid-19 "3 tầng" để phân loại và tập trung nguồn lực đúng trọng tâm.
Cụ thể, tầng đầu tiên là các cơ sở điều trị ban đầu. Tỉnh có thể trưng dụng các khu ký túc xá, trường học… Những cơ sở ban đầu này chỉ tiếp nhận F0 không triệu chứng, dự kiến chiếm khoảng 40-50% số bệnh nhân. Tầng này chưa cần thiết trang bị các hệ thống máy thở, ICU; nhân lực được bố trí khoảng 20-30% so với số người bệnh.
Tầng thứ 2 là những cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ, hoặc vừa trên nền tảng có bệnh nền: Tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư,… bệnh nhân Covid-19 là trẻ em, người cao tuổi. Những cơ sở này được chuyển đổi từ các cơ sở y tế thành bệnh viện tiếp nhận, điều trị Covid-19 hoặc bệnh viện dã chiến. Số bệnh nhân điều trị tại những cơ sở này khoảng 40-45%.
Để đảm bảo chăm sóc và điều trị cho người bệnh, tầng này cần trang bị vật tư y tế, oxy và sơ cấp cứu ban đầu, đảm bảo xử trí các tình huống khẩn cấp hoặc cần chuyển viện cho người bệnh.
Số lượng còn lại (5-10%) là những bệnh nhân Covid-19 nặng, phải được điều trị tại các trung tâm hồi sức. Đây là tháp cao nhất trong mạng lưới, nơi sẽ dốc nhiều nguồn vật lực và nhân lực nhất nhằm bảo vệ tối đa bệnh nhân. Trung tâm hồi sức này có công suất khoảng 500-1.000 giường. Tại đây, 50-100 giường cần thiết lập hệ thống máy thở khí nén trung tâm, đảm bảo bệnh nhân có thể thở máy. Đặc biệt, tầng này cần thiết lập hệ thống camera.
Về nguồn nhân lực, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết chiến lược tháp “3 tầng” cần có đội ngũ nhân lực đảm bảo. Toàn bộ nhân lực tại các tầng này đều phải bám sát tình hình của bệnh nhân để kịp thời chuyển viện đến tầng cao hơn khi F0 có biểu hiện bệnh nặng.
Đặc biệt, nhân lực ở tầng thứ 3 tại các Trung tâm Hồi sức Covid-19 phải là những người có kinh nghiệm điều trị, có thể thiết lập hệ thống thở máy, chạy ECMO… Ngoài ra, tầng này cần đội ngũ điều dưỡng. Trung bình một bệnh nhân Covid-19 nặng cần 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng chăm sóc và điều trị 24/24 giờ.
Đồng Nai chuẩn bị kịch bản ứng phó với diễn biến dịch xấu hơn
TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế, cho biết Đồng Nai có số lượng khu công nghiệp và công nhân rất lớn, khoảng 1,2 triệu người lao động. Do đó, chống dịch tại Đồng Nai có những nét đặc thù riêng.
TS.BS Nguyễn Đức Sơn (thứ hai phải sang) cùng tổ công tác kiểm tra điểm phong tỏa tại TP Biên Hòa. Ảnh: Bộ Y tế. |
Tổ công tác nhận thấy các ca mắc Covid-19 của tỉnh hiện tập trung chủ yếu tại khu phong tỏa, cách ly và ổ dịch tại Công ty Changsin.
Tuy nhiên, nhiều ca mới được ghi nhận liên quan khu vực chợ và các ổ dịch đã phát hiện trước đó. Như vậy, các khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm lan rộng.
Số F1 được cách ly trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 3.016 trường hợp, trong thời gian tới, số lượng này sẽ tăng. Tổ công tác đã đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh tiếp tục triển khai các khu cách ly mới, đảm bảo khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn có sức chứa từ 5.000 đến 10.000 người.
Theo ông Sơn, các bệnh viện của Đồng Nai đang điều trị 871 ca mắc Covid-19. Số bệnh nhân nặng được điều trị tại Trung tâm ICU của Bệnh viện Thống Nhất tính đến tối ngày 17/7 là 22 trường hợp, nhiều người đang phải thở máy.
“Chúng tôi nhận định đánh giá của bộ phận điều trị trong những ngày tới số lượng bệnh nhân nhập viện tại các trung tâm ICU sẽ tăng lên. Đồng Nai cần cấp bách chuẩn bị nhân lực, vật lực cho các tình huống xấu có thể xảy ra”, ông Sơn cho biết.
TS.BS Nguyễn Đức Sơn cho biết những ngày gần đây, nhiều ca dương tính mới rải rác trong cộng đồng được phát hiện thông qua test nhanh ở nhiều địa bàn. Nguồn lây nhiễm trong cộng đồng đã khá phức tạp, dịch sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng lan rộng nếu không quyết liệt. Số ca bệnh diễn biến nặng tăng, nguy cơ số tử vong tăng, gây áp lực cho các khu điều trị và khu cách ly.
Tại cuộc họp khẩn của Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 ngày 19/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã ban hành và huy động các trang thiết bị, thuốc, vật tư, trang thiết bị phòng hộ, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp khí oxy…, cho công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Về năng lực sử dụng oxy hiện nay, Bộ trưởng Y tế cho biết có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm cần đến thở oxy. Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy trên cả nước rất lớn. Tổng công suất đạt hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm 50-100% công suất.
Quán triệt phương châm "4 tại chỗ", lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chủ động công tác hậu cần đối với trang thiết bị, đặc biệt trang thiết bị xét nghiệm, điều trị (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) trong tình huống dịch có mức nguy cơ cao hơn để sẵn sàng đáp ứng.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.