Ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, xác nhận thông tin và cho biết UBND huyện Củ Chi quyết định lùi thời gian đón học sinh lớp 9 và 12 đến ngày 20/12.
"Do tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đến trường thấp và lãnh đạo huyện cũng chưa thật an tâm nên quyết định cho các trường THCS, THPT lùi việc đón học sinh. Huyện sẽ chờ thành phố thực hiện thí điểm dạy học trực tiếp một tuần rồi sẽ cho học sinh trên địa bàn đi học sau", ông Toản nói.
Dự kiến, huyện Củ Chi có 8 trường THCS, 7 trường THPT và một trung tâm giáo thường xuyên đón học sinh khối 9, 12 từ ngày 20/12.
Trước đó, trong buổi tập huấn xây dựng phương án phòng, chống dịch trong trường học chiều 6/12, ông Trần Văn Toản ý kiến xin cho các trường trên địa bàn huyện được lùi thời gian đón học sinh vì đa số phụ huynh chưa muốn cho con đến lớp trở lại.
Học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đi học sáng 13/12. Ảnh: Chí Hùng. |
Trao đổi với Zing, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho hay việc đi học trực tiếp với học sinh rất cần thiết nhưng phụ huynh trên địa bàn chưa thống nhất cao trong việc cho con em trở lại lớp. Do đó, UBND huyện quyết định lùi thời gian đón học sinh lớp 9 và 12 một tuần so với mốc chung của thành phố.
Sáng 13/12, hơn 120.000 học sinh khối 9 và 12 của TP.HCM đã trở lại trường sau 7 tháng gián đoạn. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết không phải tất cả học sinh lớp 9 và 12 của thành phố đều đi học sáng nay.
Từng khu vực, từng trường sẽ được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đánh giá kế hoạch thực hiện phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn mới cho đón học sinh. Hiện nay, học sinh lớp 9 và 12 được tiêm hai mũi vaccine nhưng trường học còn phải đảm bảo nhiều yếu tố an toàn khác mới cho các em đến lớp.
"Trong hai tuần thí điểm, ngành giáo dục không đặt nặng vấn đề triển khai chương trình dạy học mà chủ yếu là các trường thích ứng tình huống khi tổ chức dạy học trực tiếp, vận hành hệ thống an toàn, tạo được thói quen, nề nếp phòng dịch cho học sinh", ông Hiếu nói.
Hàng ngày, sở GD&ĐT và sở Y tế nắm tình hình học sinh đến lớp của các trường. Cuối tuần, hai sở tổng hợp, báo cáo UBND TP.HCM. Sau hai tuần thí điểm, ngành giáo dục và y tế sẽ đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm và tham mưu cho UBND TP.HCM việc mở rộng dạy học trực tiếp với các khối khác hoặc toàn thành phố.
Địa bàn thành phố có 285 trường THCS với khoảng 88.000 học sinh lớp 9. Cấp THPT có 205 trường với hơn 68.000 học sinh lớp 12. Mỗi khối đều có gần 80% phụ huynh đồng ý cho con đến trường. Tỷ lệ này bao gồm cả những trường hợp đang kẹt ở địa phương khác hoặc đang bị bệnh.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết 176/205 trường THPT sẽ đón học sinh (gần 88%) từ ngày 13/12. Ở khối THCS, thành phố có 286 trường, trong đó 224 trường tổ chức dạy trực tiếp.