Siêu bông cải xanh hứa hẹn là thực phẩm tăng cường sinh học bổ dưỡng, giảm bệnh tật và đường huyết. Ảnh: Telegraph. |
Theo Telegraph, loại bông cải này có tên GRextra, được trồng nhiều tại Fife (Anh). Các kết quả nghiên cứu cho thấy nó có tác dụng giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2, hạ đường huyết và chứa nhiều vitamin.
Những nhà sáng chế ra GRextra khẳng định loại rau này có thể chống lại sự thiếu hụt dinh dưỡng và giúp chế độ ăn kiêng trở nên khoa học hơn.
Thông qua quá trình tăng cường sinh học, GRextra có lượng glucoraphanin (một hợp chất bảo vệ tế bào) nhiều gấp 5 lần so với bông cải xanh thường. Tuy nhiên, nó không đánh mất đi vị ngon nhờ việc nhân giống để giàu chất dinh dưỡng, khác hoàn toàn với những loại thực phẩm được biến đổi gene.
Cụ thể, quá trình tăng cường sinh học được thực hiện bằng cách nhân giống chuyên biệt. Trong khi đó, biến đổi gen là hình thức đưa một chuỗi DNA vào bộ gen của thực vật để thay đổi các đặc điểm.
Giáo sư Cathie Martin của Trung tâm John Innes (nơi GRextra ban đầu được phát triển) chia sẻ: “Mọi người dần nhận ra chúng ta đang thiếu vi chất dinh dưỡng và dinh dưỡng từ thực vật trong chế độ ăn. Vì thế, bông cải xanh từ quá trình tăng cường sinh học sẽ trở thành xu hướng phát triển”.
Trong khi đó, David Cavan, một chuyên gia nội tiết tại London, nhận định: “Dù tôi không chắc rằng loại thực phẩm này sẽ tạo ra tác động lớn, nó cũng có thể tạo ra thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Nó giúp mọi người giảm lượng đường trong máu và đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2”.
Theo nghiên cứu từ trường Đại học Leicester, khẩu phần rau xanh lớn gấp 1,5 lần sẽ giúp giảm 14% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh này là lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh. Tại Anh, có khoảng 4 triệu người mắc tiểu đường type 2.
Ngày càng nhiều thực phẩm biến đổi gene được nghiên cứu sản xuất theo hướng tăng cường sinh học, chống lại bệnh tật. Ảnh: Telegraph. |
Một hãng thực phẩm có tên Smarter Naturally hiện tăng cường sản xuất chủng bông cải xanh mới này. Ngoài ra, công ty này cũng nghiên cứu một số loại thực phẩm bổ sung, chiết xuất từ GRextra như viên nang, GRextra khô… để giúp người dùng tăng khả năng hấp thụ vi chất dinh dưỡng.
Bên cạnh GRextra, một số loại thực phẩm khác cũng được phát triển nhờ quá trình tăng cường sinh học là nấm, cà chua. Các loại rau này cũng có giàu vitamin D hơn bình thường.
Ngoài ra, một loại cà chua mới, được phát triển thông qua quá trình chỉnh sửa gene, gần đây đã được lên kệ tại Nhật Bản. Nó có tên Sicilian Rouge, giống cà chua được biết đến là “thực phẩm CRISPR (chỉnh sửa gene) đầu tiên được tung ra thị trường”.
Sicilian Rouge chứa hàm lượng GABA cao (axit gamma-aminobutyric dẫn truyền thần kinh). Những nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng chúng có thể làm giảm huyết áp ở người dùng.
Công nghệ CRISPR cũng đã được áp dụng trong các thí nghiệm gần đây ở Anh để tạo ra lúa mì có hàm lượng asparagine thấp. Bởi lẽ, asparagine là một chất gây ung thư gây khi bánh mì được nướng lên.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.