Tìm kiếm, phát triển và sản xuất thuốc mới là quá trình rất dài và phức tạp. Mỗi thành công đều được xây dựng từ rất nhiều thất bại. Sự ra đời các loại thuốc mới có ý nghĩa rất to lớn, sẽ mang lại niềm hy vọng, cơ hội điều trị, thay đổi cuộc sống cho hàng triệu bệnh nhân. Quy trình sản xuất thuốc phải tuân thủ trình tự nhất định.
Tìm kiếm mục tiêu
Trước khi thử nghiệm được thực hiện với chất mới, các nhà nghiên cứu đã suy nghĩ về đặc tính và phản ứng mà nó sẽ kích hoạt trong cơ thể. Ví dụ, điều này có thể là giảm huyết áp, ngăn chặn chất truyền tin nhất định hoặc giải phóng một loại hormone.
Để đạt được mục tiêu này, các nhà nghiên cứu tìm kiếm một mục tiêu phù hợp, tức là điểm tấn công của quá trình bệnh. Tại đó, một hoạt chất có thể bám vào và ảnh hưởng tích cực đến quá trình bệnh. Trong hầu hết trường hợp, mục tiêu là một enzyme hoặc thụ thể (điểm gắn vào tế bào đối với hormone hoặc các chất truyền tin khác).
Ngay sau khi xác định được mục tiêu, các thí nghiệm sàng lọc sẽ được tiến hành nhằm tìm kiếm hoạt chất có thể tác động vào điểm tấn công đã chọn. Trong hầu hết trường hợp, các chất có hoạt tính được tìm thấy vẫn cần được tối ưu hóa. Đôi khi, hiệu quả của một chất có thể được tăng lên nếu cấu trúc của nó bị thay đổi.
Ngay sau khi xác định được mục tiêu, các thí nghiệm sàng lọc sẽ được tiến hành nhằm tìm kiếm hoạt chất có thể tác động vào điểm tấn công đã chọn. Ảnh: Ctiaa. |
Bằng cách này, các nhà nghiên cứu dần dần cải tiến một hoạt chất mới, thường mất vài năm. Cuối cùng, họ sẽ đạt đến thời điểm chất này đã sẵn sàng cho bước tiếp theo là đơn đăng ký bằng sáng chế. Sau đó, với tư cách là một ứng cử viên gọi là hoạt chất, nó sẽ được nghiên cứu tiền lâm sàng.
Nghiên cứu tiền lâm sàng
Trong giai đoạn phát triển tiền lâm sàng, ứng cử viên thuốc được thử nghiệm trong các ống nghiệm và trên động vật. Các thí nghiệm này sẽ giúp trả lời vấn đề về dược lý như cách hợp chất được tiếp nhận, phân bổ, những phản ứng trong tế bào và toàn bộ cơ thể, cách thức đào thải của hợp chất...
Ngoài ra, các nghiên cứu giúp tìm hiểu chính xác tác dụng của chất này đối với mục tiêu, thời gian tồn tại bao lâu và liều lượng cần thiết cho nó.
Tuy nhiên, trên tất cả, các nghiên cứu tiền lâm sàng phục vụ để trả lời các câu hỏi về độc tính của ứng viên thuốc. Ví dụ, các câu hỏi thường được đặt ra là: Chất có độc không? Nó có thể gây ung thư không? Nó có khả năng thay đổi gene không? Nó có thể gây hại cho phôi thai hoặc thai nhi không?
Nhiều ứng cử viên thuốc thất bại trong các bài kiểm tra độc tính. Chỉ những chất vượt qua tất cả thử nghiệm an toàn mới được phép bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo với các nghiên cứu trên người (nghiên cứu lâm sàng).
Các nghiên cứu lâm sàng
Ứng cử viên thuốc sẽ được lần đầu tiên thử nghiệm trên người trong các nghiên cứu lâm sàng. Các giai đoạn trong quá trình này:
Giai đoạn I: Thuốc được thử nghiệm trên một vài tình nguyện viên khỏe mạnh.
Giai đoạn II: Các thử nghiệm trên một số người bệnh.
Giai đoạn III: Thử nghiệm được thực hiện trên một số lượng lớn người bệnh.
Giai đoạn IV: Thuốc được cấp phép sử dụng. Công ty sản xuất và cơ quan cấp phép tiếp tục theo dõi, đánh giá tác dụng phụ.
Mỗi giai đoạn nghiên cứu phải được phê duyệt trước bởi các cơ quan có trách nhiệm bao gồm cơ quan nhà nước quản lý cấp phép thuốc và một ủy ban đạo đức.
Nghiên cứu giai đoạn I
Thông thường, từ 60 đến 80 người lớn khỏe mạnh sẽ được chọn làm tình nguyện viên cho giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu lâm sàng. Ban đầu họ chỉ được cung cấp một lượng nhỏ hoạt chất.
Trong tối đa 30 thử nghiệm liên tiếp, các nhà khoa học kiểm tra xem liệu kết quả từ thử nghiệm trong ống nghiệm và trên động vật cũng có thể được chuyển sang người hay không. Điều này có nghĩa liệu thành phần hoạt tính có được hấp thụ, phân phối, chuyển đổi và bài tiết như trong nghiên cứu tiền lâm sàng hay không. Ngoài ra, người ta còn điều tra xem những người thử nghiệm có dung nạp được thuốc hay không.
Sau khi hoàn thành thành công giai đoạn I, dạng bào chế của thuốc sẽ được tối ưu cho thành phần hoạt chất. Các nhà nghiên cứu sẽ phân tích xem nó nên tiêm vào tĩnh mạch hay được uống dưới dạng viên nén, viên nang, thuốc đạn, ống tiêm hay truyền dịch.
Ứng cử viên thuốc sẽ được lần đầu tiên thử nghiệm trên người trong các nghiên cứu lâm sàng. Ảnh: Roseko. |
Dạng bào chế có ảnh hưởng lớn đến tác động của thuốc trong cơ thể. Nó cũng ảnh hưởng đến loại và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ có thể xảy ra. Một số hoạt chất được dung nạp dưới dạng tiêm tốt hơn nhiều so với khi vào cơ thể ở dạng viên nén qua đường tiêu hóa.
Ngoài ra, các thí nghiệm khác sẽ được tiến hành để kiểm tra xem có nên thêm chất phụ trợ nào vào chế phẩm mới hay không. Ví dụ, một thứ gì đó giúp cải thiện mùi vị của thuốc hoặc hoạt động như một chất vận chuyển, chất bảo quản.
Nghiên cứu giai đoạn II và III
Giai đoạn II: Tại đây, ứng cử viên thuốc mới được thử nghiệm trên 100 đến 500 bệnh nhân. Trọng tâm là hiệu quả, liều lượng tối ưu và khả năng dung nạp của chế phẩm.
Giai đoạn III: Các kiểm tra tương tự được thực hiện ở đây như trong giai đoạn II, nhưng số lượng bệnh nhân tăng hơn đáng kể (khoảng vài nghìn người). Ngoài ra, các tương tác có thể xảy ra với loại thuốc khác cũng được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Trong cả hai giai đoạn, các phương pháp điều trị khác nhau được so sánh với nhau: Chỉ một số bệnh nhân nhận được chế phẩm mới, những người còn lại nhận được thuốc tiêu chuẩn thông thường hoặc giả dược (một chế phẩm trông giống hệt như thuốc mới nhưng không chứa bất kỳ thành phần hoạt tính nào (thuốc giả).
Theo quy định, bệnh nhân và bác sĩ điều trị đều không biết ai sẽ nhận được loại thuốc nào. Điều này rất quan trọng để ngăn chặn những thay đổi trong tâm lý như hy vọng, nỗi sợ hãi hoặc thái độ hoài nghi của bác sĩ và bệnh nhân ảnh hưởng kết quả điều trị.
Cấp phép
Ngay cả khi một loại thuốc mới đã vượt qua tất cả nghiên cứu và thử nghiệm bắt buộc, nó không thể đơn giản được bán. Để làm được điều này, công ty dược phải xin phép cơ quan có thẩm quyền về thuốc. Cơ quan này sẽ kiểm tra cẩn thận tất cả kết quả nghiên cứu và sẽ cấp phép cho nhà sản xuất để đưa loại thuốc mới ra thị trường.
Giai đoạn IV
Ngay cả sau khi một loại thuốc đã được phê duyệt, các nhà chức trách và công ty dược phẩm vẫn phải theo dõi chế phẩm mới (ví dụ các tác dụng phụ hiếm gặp).
Đây là những tác dụng không mong muốn xảy ra ở dưới một trên 10.000 bệnh nhân được điều trị. Do đó, chúng khó có thể phát hiện được trong các giai đoạn nghiên cứu trước (với số lượng bệnh nhân ít hơn). Các bác sĩ sẽ được yêu cầu báo cáo bất kỳ tác dụng phụ không lường trước của thuốc.
Nếu cần, cơ quan phê duyệt sẽ yêu cầu nhà sản xuất chỉ ra những tác dụng phụ mới được phát hiện này trong tờ hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, nó cũng có thể đưa ra các hạn chế trong việc sử dụng. Ví dụ, nếu các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở vùng thận được phát hiện, nhà chức trách có thể ra lệnh không cho phép sử dụng thuốc đối với những người mắc bệnh thận hiện tại.
Trong trường hợp cực đoan, cơ quan có thẩm quyền có thể rút lại toàn bộ việc phê duyệt một loại thuốc nếu theo thời gian, những rủi ro không thể chấp nhận được xuất hiện từ việc sử dụng nó.
Bài viết do TS.DS Tạ Thanh Sơn (từng học tại Đại học Philipps Marburg; tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg, CHLB Đức), cung cấp thông tin.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.