![]() |
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng cấp tính và mạn tính lên sức khỏe con người trên nhiều cơ quan như hô hấp, tim mạch, thần kinh, nội tiết. Ảnh: Freepik. |
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề lớn trên thế giới bởi hậu quả của nó không chỉ vì tác động làm biến đổi khí hậu mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng và cá nhân.
PGS.TS Tạ Bá Thắng, Trung tâm Nội Hô hấp, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y, cho biết ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ quan trọng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Ước tính, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới năm 2017, trong đó 70% do ô nhiễm không khí ở môi trường ngoài nhà ở của hộ gia đình.
Ô nhiễm không khí môi trường và hộ gia đình cùng đứng thứ 5 trong số các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Mặc dù ảnh hưởng của việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí đã nghiên cứu từ hơn 20 năm trước, nhưng với sự gia tăng các chất ô nhiễm không khí nên vấn đề này càng được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn.
"Ô nhiễm không khí ảnh hưởng cấp tính và mạn tính lên sức khỏe con người trên nhiều cơ quan như hô hấp, tim mạch, thần kinh, nội tiết... Trong đó, hệ hô hấp là ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ nhất", PGS Thắng nói.
Ô nhiễm không khí cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bởi các hạt ô nhiễm làm giảm đáng kể khả năng sống của tế bào và tăng stress oxy hóa, mức độ tự thực bào của các tế bào biểu mô phế quản.
Một nghiên cứu quy mô lớn mang tên ELAPSE, theo dõi 98.058 người trong suốt trung bình 16,6 năm, đã ghi nhận 4.928 trường hợp mắc COPD. Kết quả cho thấy nguy cơ mắc COPD tăng lên đáng kể khi mức độ ô nhiễm không khí gia tăng:
- Tăng 5 microgam/m³ bụi mịn PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc COPD hơn 17%.
- Tăng 10 microgam/m³ khí NO2 làm tăng nguy cơ thêm 11%.
- Tăng nồng độ cacbon đen (một thành phần của bụi mịn) ở mức 0,5 × 10⁻⁵ m⁻¹ cũng làm tăng nguy cơ thêm 11%.
Một nghiên cứu đoàn hệ khác thực hiện tại Canada cũng đưa ra kết quả tương tự: cứ mỗi khi nồng độ trung bình (theo tứ phân vị - IQR) của các chất ô nhiễm không khí tăng lên thì nguy cơ mắc COPD cũng tăng theo:
- PM2.5 tăng 3,4 microgam/m³ làm tăng nguy cơ 7%.
- NO2 tăng tương ứng làm tăng nguy cơ 4%.
- O3 (ozon tầng thấp) tăng cũng làm nguy cơ tăng 4%.
Nghiên cứu được thực hiện ở Anh đánh giá tác động của ô nhiễm không khí trên 115 bệnh nhân COPD cũng cho thấy phơi nhiễm nồng độ NO2, NO và CO cao hơn làm tăng nguy cơ đợt cấp và phơi nhiễm với O3 có liên quan đến khó thở và giảm lưu lượng đỉnh.
Các nghiên cứu đã chứng minh phụ nữ ở các nước đang phát triển có nguy cơ mắc COPD do tiếp xúc với khói gỗ từ việc nấu ăn cho gia đình. Các chất gây ô nhiễm không khí do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch có thể gây ra viêm ở phổi và làm suy giảm thêm chức năng phổi ở bệnh nhân COPD. Khi tiếp xúc hạt ô nhiễm, chúng làm tăng tỷ lệ đến phòng cấp cứu, nhập viện và tử vong ở bệnh nhân COPD.
Mặt khác các hạt ô nhiễm có thể mang nhiều vi sinh vật trên bề mặt, khi hít phải có thể làm bùng đợt cấp ở bệnh nhân COPD. Các chất gây ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến thanh thải nhầy, tăng sự bám dính của virus vào đường hô hấp và làm suy giảm miễn dịch cũng góp phần làm nặng COPD.
Vì vậy, theo PGS Thắng, mọi người, đặc biệt là các chuyên gia y tế cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng những ảnh hưởng ô nhiễm không khí lên sức khỏe nói chung và hệ hô hấp nói riêng, góp phần phòng ngừa nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.