"Đây là trường hợp rất hiếm gặp với tần suất 1/30.000 ca mang thai tự nhiên", bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, cho hay.
Thai phụ trên trú tại huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, đi khám tại nhiều nơi nhưng không chẩn đoán được là có một thai trong tử cung và một thai ngoài tử cung.
5 ngày trước khi đến cơ sở y tế trên, nữ bệnh nhân thấy đau bụng nhưng chỉ nghĩ là rối loạn tiêu hoá, không đi khám, sau đó cơn đau xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán doạ sẩy thai kèm rối loạn tiêu hoá, điều trị một ngày thì được kê đơn thuốc về nhà uống.
Sau uống thuốc, thai phụ thấy buồn nôn, chóng mặt, đau bụng. Bệnh viện tuyến huyện chẩn đoán chị có nhiều dịch trong ổ bụng, nghi ngờ có thể do nang buồng trứng bị vỡ nên được chuyển tuyến tới tỉnh.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, qua siêu âm, bác sĩ nhận thấy có một thai trong tử cung (7 tuần), chiều dài phôi 7,1 mm, nhịp tim thai 156 lần/phút; đồng thời có một khối tăng âm kích thước 51x27 mm cạnh trái tử cung; dịch tự do ổ bụng khoang sâu nhất 29 mm.
Theo bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc bệnh viện, thai phụ đến bệnh viện trong tình trạng chảy máu trong ổ bụng, nghi ngờ do vỡ nang buồng trứng nên cần phẫu thuật cấp cứu để cầm máu. Tuy nhiên, thai nhi phát triển trong tử cung được 7 tuần, nếu do vỡ nang hoàng thể thai nghén thì khi phẫu thuật sẽ gây tổn thương nang hoàng thể dẫn tới thiếu hụt nội tiết và gây sẩy thai.
Để đảm bảo an toàn cho thai nhi trong tử cung, bác sĩ quyết định tiêm thuốc nội tiết Progesteron trước khi mổ để chống sẩy thai do giảm nội tiết, sau đó mới phẫu thuật nội soi.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ phát hiện khối thai ngoài tử cung ở bóng vòi tử cung có đường kính 3 cm, chiều dài 5 cm chuyển màu tím sẫm và có điểm vỡ chảy máu.
Bên cạnh việc thao tác cẩn thận, tỉ mỉ cắt khối chửa ngoài tử cung, lấy hết máu cục rửa sạch ổ bụng để tránh áp xe tồn dư và dính ruột, ê-kíp phẫu thuật phải thực hiện rất nhẹ nhàng hạn chế động chạm vào tử cung, tránh gây bong rau dẫn tới sảy thai đang phát triển trong tử cung.
Ca phẫu thuật thực hiện thành công sau gần 2 giờ. Người phụ nữ được truyền 4 đơn vị hồng cầu 250 ml và 4 đơn vị huyết tương, tiếp tục được điều trị giữ thai bằng thuốc nội tiết và thuốc giảm co tử cung.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ khi thấy chậm kinh 7-10 ngày cần phải đi siêu âm để xác định xem có thai trong hay ngoài tử cung. Trường hợp siêu âm thấy thai phát triển trong tử cung thì vẫn phải kiểm tra xem có thai ngoài tử cung hay không.
Hơn nữa, khi phụ nữ có dấu hiệu đau bụng, trước tiên cần phải đi khám chuyên khoa để xem có phải nguyên nhân do thai nghén hay không. Khi loại trừ nguyên nhân thai nghén, bạn mới nên đi khám các chuyên khoa khác để đảm bảo được điều trị đúng bệnh lý.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có mọt hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.