Chia sẻ bên lề Lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động của tổ chức xã hội Kỹ năng sinh tồn Việt Nam (SSVN), chuyên gia sơ cấp cứu Tony Coffey, Hiệp hội Cứu hộ Sydney (Australia), cho biết tại Việt Nam, tai nạn thương tích còn xảy ra nhiều, chủ yếu là do người dân chưa nhận thức được rủi ro tiềm ẩn khi tai nạn xảy ra.
"Chúng tôi rất mong muốn bên cạnh việc tập huấn sơ cấp cứu cho cộng đồng, người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc phòng ngừa rủi ro để có một cuộc sống an toàn hơn", ông Tony nói.
Chuyên gia này đánh giá trong 10 năm gần đây, người Việt đã bắt đầu có ý thức hơn về sơ cấp cứu, mặc dù kỹ năng này chưa được cao.
Người dân đã dần hình dung được rằng công việc sơ cấp cứu ai cũng có thể làm được, không nhất thiết phải là nhân viên y tế, bác sĩ hay chuyên gia. Điều quan trọng nhất trong sơ cấp cứu là tại thời điểm đó, người thực hiện sơ cấp cứu phải biết mình cần làm gì.
Ông Tony Coffey đang hướng dẫn động tác Heimlich, sơ cứu người bị hóc dị vật. Ảnh: SSVN. |
Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ông Tony nhận thấy người dân luôn có tấm lòng sẵn sàng muốn giúp đỡ người khác, tuy nhiên nhiều người còn nhận định sai lầm rằng sơ cấp cứu là việc của y bác sĩ, họ không thể làm được việc gì. Thêm nữa, mọi người ngại giúp đỡ người khác khi có sự cố ngoài xã hội vì sợ rắc rối pháp lý.
"Đây là thực trạng đáng buồn. Chính điều này đã thôi thúc chúng tôi nghiên cứu, tìm tòi và tổng hợp để đưa ra một cuốn sổ tay về pháp lý trong sơ cấp cứu", ông Tony chia sẻ.
Ông Tony khuyến cáo người dân trước khi cứu người ở ngoài đường, nên chụp hình hoặc quay phim lại để cho thấy mình không phải là người gây ra tai nạn và tình trạng ban đầu của nạn nhân.
"Đây là chứng cứ cụ thể để pháp luật bảo vệ chúng ta tốt hơn", ông Tony nhấn mạnh.
Ở các nước phát triển như Australia, việc dạy sơ cấp cứu là không bắt buộc nhưng phổ biến ở trường học. Bên cạnh đó, theo quy định của nước này, những doanh nghiệp buộc phải đào tạo sơ cấp cứu cho người lao động, tuỳ vào ngành nghề mà có thời gian tái đào tạo khác nhau. Ví dụ, có những ngành nghề phải học nhắc lại sau 3 năm, riêng với những ngành có sự giao tiếp với nhiều người như giáo viên, bảo vệ, bảo mẫu, an toàn... bắt buộc phải học hàng năm.
Theo Bộ Y tế, trong mô hình bệnh tật tại Việt Nam, tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ hơn 11%, bệnh truyền nhiễm chiếm gần 16% và bệnh không lây nhiễm chiếm 73%.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích nhưng đây vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Tại hội thảo Phục hồi chức năng sau tai nạn thương tích do Đai học Y tế Công cộng và Đại học Johns Hopkins cùng các đối tác tổ chức ở Hà Nội hồi tháng 5, đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm ghi nhận 33.863 trường hợp tử vong, trong đó tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là đuối nước, tự tử, tai nạn lao động, điện giật, động vật cắc, hóc dị vật...
Tử vong do tai nạn thương tích theo nhóm tuổi trung bình giai đoạn 2015- 2020 cho thấy nhóm tuổi 20-59 có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm đến 66,14% (trong đó nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ); tiếp đến là nhóm trên 60 tuổi với 17,4%; thứ 3 là nhóm từ 15-19 tuổi với tỷ lệ 6,7%...
PGS.TS Lã Ngọc Quang, Đại học Y tế công cộng, cũng nhấn mạnh từ cơ sở phân tích những nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích cho thấy việc phát hiện sớm tai nạn thương tích, điều trị kịp thời sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ, chất lượng sống cho người bệnh.
Ông Quang cũng nhấn mạnh đến vai trò cấp cứu trước viện đối với tai nạn thương tích, giúp giảm biến chứng và tử vong trước khi người bệnh tiếp cận được nhân viên y tế hoặc đến bệnh viện điều trị.
Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.