Lý do là vì gia đình bạn này đi du lịch Paris qua Tết Tây mới về, gia đình bạn kia bay đi Dubai... Nhưng đâu chỉ có trên 5 triệu người Việt theo chủ nghĩa xê dịch, mà cả thế giới đang ồ ạt lên đường lữ hành...
Milan, một điểm đến hút khách năm 2016 với sự kiện Expo. |
Chắc chắn khi năm 2015 kết thúc, số lượng du khách toàn cầu phải cao hơn số 1,133 tỷ đã được Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc ghi nhận cho năm 2014 (tăng hơn 50% so với năm 2004). Vì năm 2015 đã là một năm rất thành công của ngành du lịch các nước Anh, Campuchia, Cuba (đón hơn 3,5 triệu khách), Dubai, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật, Mexico, Mỹ, Porto Rico, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Australia, Italy... Danh sách này có thể dài hơn vì ngày nay, rất nhiều quốc gia đã đẩy mạnh công nghiệp du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2015, rất có thể bạn và gia đình thuộc số khoảng 700.000 khách Việt đã đi tham quan các danh thắng ở Bangkok, Ayuthaya, Chiang Mai, Pattaya, Phuket, góp phần giúp Thái Lan lập kỷ lục lần đầu tiên trong lịch sử tiếp đón gần 30 triệu du khách quốc tế. Cũng nhiều khả năng bạn và gia đình thuộc số khách Việt đến thăm xứ Phù Tang, giúp Nhật lần đầu là điểm đến của gần 20 triệu khách nước ngoài (mục tiêu đề ra cho năm 2020). Cũng có thể bạn và gia đình bạn đã đến Singapore nhân dịp quốc gia này mừng nửa thế kỷ lập quốc. Và cũng có thể bạn và gia đình đã xin được visa Schengen đi du lịch các nước Pháp, Bỉ, Italy... Visa nhập cảnh du lịch khu vực Schengen có giá trị như visa du lịch Mỹ, Australia.
Năm 2014, đã có gần 17 triệu người nộp hồ sơ xin thị thực Schengen để có thể được nhập vào khu vực rộng lớn hơn 4,3 triệu km2 ở châu Âu và tự do đi lại giữa 25 quốc gia đồng ý xóa bỏ việc kiểm tra giấy tờ ở biên giới. Đó là 22 trong tổng số 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và 4 nước không là thành viên EU (gồm Na Uy, Iceland, Liechenstein và Thụy Sĩ). Và chỉ có hơn một triệu người bị từ chối.
Giới chuyên ngành lữ hành quốc tế nhận xét, với mức từ khước cấp thị thực 5,1% này, khu vực Schengen thực ra không phải là điểm đến khắt khe trong khâu xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Dĩ nhiên, mức độ khó khăn còn tùy thuộc vào từng quốc gia thành viên khu vực Schengen. Ví dụ, Luxembourg xét cấp visa khá dễ vì năm 2013 chỉ có 86 trường hợp bị từ chối. Ngược lại, Bỉ là nước Schengen khó nhất với tỷ lệ từ chối 16,9%. Ngoài ra, còn phải kể đến số công dân các nước được miễn trừ visa Schengen như gần đây là Các Tiểu vương quốc Ả Rập, Colombia và sắp tới là Thổ Nhĩ Kỳ và Peru.
Tokyo đông nghịt khách du lịch. |
Visa Schengen đã trở thành một "thẻ thông hành" rất giá trị. Giống như visa Mỹ, visa Australia, visa Schengen giúp mở ra cơ hội xin visa vào nhiều điểm đến nổi tiếng khó khăn trên thế giới. Thế nhưng, ngày nay, rất ít lữ khách nhập vào khu vực Schengen thông qua những cổng vào ở Paris, Rome, Frankfurt hay Zurich... Bạn có biết Schengen ở đâu không?
Schengen là tên một ngôi làng ở bên sông Moselle khúc chảy ngang qua Luxembourg. Ngôi làng rất khiêm tốn về diện tích lẫn dân cư (chỉ có vỏn vẹn 425 người), nhưng nhờ vị trí địa lý đặc biệt - ngay ở nơi giao tiếp biên giới ba nước Đức, Luxembourg và Pháp - nên đã được chọn là nơi ký kết thỏa ước xóa bỏ kiểm tra biên giới giữa các nước EU vào năm 1985. Schengen được chọn vì năm ấy, Luxembourg đảm nhiệm vai trò chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng EU.
Thỏa thuận Schengen giúp cư dân châu Âu (và cư dân thế giới khi nhập cảnh khu vực Schengen) được tự do lữ hành thật nhanh lẹ, thoải mái, tiết kiệm tiền bạc như thời kỳ trước Thế chiến thứ nhất. Hồi ấy, người ta có thể đi xuyên suốt châu Âu mà chẳng cần đến hộ chiếu. Thực tế này được nhà văn người Áo Stefan Zweig mô tả trong cuốn hồi ký Thế giới của ngày hôm qua. Passport chỉ trở thành loại giấy tờ bắt buộc phải có mỗi khi xuất ngoại kể từ sau khi cuộc đại chiến này kết thúc vào giữa năm 1918.
Và phải đợi đến thời hậu chiến mới dần hình thành ý tưởng xóa bỏ kiểm tra giấy tờ tại các biên giới giữa các nước thành viên của một khối thuộc châu Âu. Thỏa thuận Schengen ký kết cách nay hơn 30 năm là một kết quả tốt đẹp mang đến nhiều "trái ngọt". Ví dụ, vào năm 2012, đã có đến 460 triệu lượt hành khách bay qua lại các sân bay thuộc các nước thành viên EU. Trong số báo cuối năm 2015, Tạp chí Fortune (Mỹ) nhắc đến con số 450 tỷ euro là khoản tiền mà du khách ngoại quốc góp cho nền kinh tế EU hồi năm 2013! Riêng nước Pháp, điểm đến hút nhiều du khách quốc tế nhất thế giới (trên 84 triệu, năm 2014), ngành công nghiệp không khói cung ứng việc làm ổn định cho trên 3 triệu người, doanh thu từ du lịch góp 10% GDP.
Bảo tàng Louvre ở Paris luôn thu hút khách du lịch. Ảnh: P.Ng.Dũng. |
Mùa xuân 2016, với visa "Schengen States", khi du hành ngoạn cảnh đẹp ở châu Âu, bạn hãy tưởng tượng nếu như không có máy bay, không có tàu điện cao tốc, không có những xa lộ cho xe chạy 150km/h, thì trong 7-8 ngày, bạn có thể tham quan được vài ba thành phố ở Pháp, Thụy Sĩ và Italy hay không? Một tấm bản đồ có tuổi đời hơn một thế kỷ vừa mới được Proceedings of the Royal Geographical Society ở Anh công bố cho thấy, vào năm 1914, khi phương tiện vận chuyển đường sắt đã rất phát triển, phải mất 5 ngày để từ London đến được Perm ở Nga. Để đến được Winnipeg, Canada hoặc hồ Baikal, Siberia, phải mất từ 5 đến 10 ngày. Để đến được Tashkent, Uzbekistan, 20 ngày; đến Cape Town, Nam Phi, hơn 40 ngày; đến Sydney, Australia, cũng hơn 40 ngày.
Mùa xuân 2016, bạn có thật nhiều chọn lựa du lịch nhờ đã có nhiều hãng hàng không mở đường bay đến Việt Nam. Bây giờ các công ty lữ hành nào chỉ mời chào bạn đi "Thái - Sing - Mã” như trước đây không lâu, mà còn rủ rê bạn đi đến tận những Abu Dhabi, Argentina, Bombay, Brazil, Cuba, Dubai, Kenya, Nam Phi, New Zealand, Maldives, Morocco, Oman, Peru... Hãy sẵn sàng lên đường khám phá, thưởng ngoạn nhiều địa danh mới trong năm mới 2016!