Như một giao kèo không nói thành lời, các học viên giao tiếp một cách tự nhiên, chào hỏi nhau bằng thứ ngôn ngữ không có âm thanh - ngôn ngữ ký hiệu.
Lớp học yên ắng, thỉnh thoảng, chỉ nghe thấy tiếng xe chạy vụt qua bên ngoài lớp học và tiếng cười khúc khích khi các học viên giao tiếp ăn ý.
Một buổi học ngôn ngữ ký hiệu ở một quán cà phê nhỏ tại quận 3, TP.HCM đã bắt đầu như thế. Tố Như, giáo viên của lớp ngôn ngữ ký hiệu, là người khiếm thính bẩm sinh. Cô dạy 3 lớp ngôn ngữ ký hiệu cơ bản và sơ cấp.
Học viên của lớp làm nhiều ngành nghề khác nhau như giáo viên chuyên biệt, thiết kế đồ họa, nhân viên văn phòng, người khiếm thính, phiên dịch viên...
Đúng 19h45, giáo viên mở máy tính xách tay và dành khoảng 15 phút để các học viên ôn tập bài cũ.
"Các bạn ôn tập lại với nhau từ vựng của bài cũ!".
Cô Tố Như làm ký hiệu bắt đầu buổi học. Cô quan sát kỹ từng động tác diễn đạt từ vựng cũ của 4 học viên. Cô cười nhẹ và khẽ lắc đầu nếu học viên làm sai. Ngay sau đó, cô chỉ lại động tác đúng và cho học viên thực hiện lại ký hiệu vài lần để ghi nhớ.
Cô Tố Như (áo xanh lá) hướng dẫn học viên diễn tả từ "khổ qua" bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Thanh Vy. |
Không chỉ là động tác ký hiệu
Sau khi ôn bài cũ, cô Tố Như phát tài liệu buổi học thứ 37. Học viên học từ vựng mới kết hợp với ghép câu để thuận tiện sử dụng ngữ pháp.
"Hôm nay, chúng ta học từ vựng về rau củ và một số hành động trồng trọt có liên quan. Các bạn chú ý theo dõi từng động tác của mình!".
Ở mỗi từ vựng, cô Tố Như dừng lại khoảng 3 phút. Cô miêu tả ký hiệu 3-4 lần để các học viên ghi nhớ và làm theo. Cô nhìn một vòng để kiểm tra động tác của học viên có đúng hay không.
Thỉnh thoảng, Thái Sơn (27 tuổi, TP.HCM) khá loay hoay, anh mất vài phút để nhớ ra đúng ký hiệu. Đến từ vựng “cải xanh” và câu “nhà tôi có trồng cải xanh”, anh diễn đạt câu sai ngữ pháp. Lúc đầu, anh đưa ra các ký hiệu biểu thị cho các từ “nhà”, “tôi”, “trồng”, “cải xanh” và “xanh”.
Giáo viên nhắc anh Thái Sơn ký hiệu “cải xanh” đã biểu thị cả từ “xanh” nên anh không cần thêm từ “xanh” vào câu. Nghe cô giáo chỉ ra lỗi sai, anh gật gù ghi chú trong tài liệu và “nói” lại câu một lần nữa.
Anh Thái Sơn chia sẻ anh rất hay quên các từ vựng và ký hiệu. Cũng như những ngôn ngữ khác, sau khi học ở lớp, người học phải chủ động ôn tập để tránh bị quên.
Vốn từ ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng người điếc gồm 3.200 từ. Quá trình học tập kéo dài 2-3 năm tùy vào năng lực của mỗi người. Người học ngôn ngữ này đòi hỏi phải có khả năng quan sát và ghi nhớ các ký hiệu.
Anh Thái Sơn cho biết anh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ từ vựng và các ký hiệu. Ảnh: Thanh Vy. |
Học đến ký hiệu “trái ớt” và cách hoàn chỉnh câu “vị của trái ớt thế nào?”, ai nấy đều bật cười. “Trái ớt” được thể hiện qua ngôn ngữ ký hiệu bằng cách người học gập hết các ngón tay vào lòng bàn tay, chỉ trừ ngón út.
Từ “vị” được anh Sơn diễn tả sống động với cử động miệng như thể đang thưởng thức một món ăn nào đó.
Cô Tố Như cho biết ngôn ngữ ký hiệu không chỉ là sự kết hợp của cử chỉ điệu bộ mà còn là biểu cảm khuôn mặt đi kèm với từ ngữ muốn diễn đạt. Cô ví dụ những từ biểu đạt cảm xúc con người như vui vẻ, buồn bã, giận dữ, khóc, người học phải có biểu cảm tương tự với từng cung bậc cảm xúc đó.
Đối với những danh từ trung tính như cái áo, cái lược, cái cốc… người nói chỉ cần diễn đạt đơn giản bằng ký hiệu. Tuy nhiên, cử chỉ điệu bộ lại là một điểm quan trọng để phân biệt giữa danh từ và động từ.
Nếu muốn nói đến cái lược, bạn chỉ cần sử dụng ký hiệu cái lược. Nhưng khi muốn nói về hành động chải tóc, bạn phải thêm vào cử chỉ điệu bộ.
Cô Tố Như nhấn mạnh cử chỉ và biểu cảm rất quan trọng và cần thiết để diễn đạt đúng thông điệp giao tiếp trong cộng đồng người khiếm thính.
Khó nhất là ngữ pháp
Cũng như mọi ngôn ngữ khác, người học ngôn ngữ ký hiệu cần phải luyện tập “nói” cho thành thục, nhuần nhuyễn. Sau khi các học viên ghi nhớ phần từ vựng và ngữ pháp câu khi ghép từ mới, cô Tố Như ghép đôi từng cặp học viên để luyện tập phần hội thoại.
Theo đó, anh Thái Sơn, chị Thúy (28 tuổi) cùng nhau đối thoại, trong khi đó Hải Phụng (25 tuổi) và Phương Thùy (22 tuổi) sẽ cộng tác luyện tập. Mỗi cặp vào vai hai nhân vật người ông và người cháu. Đoạn hội thoại gồm khoảng 7 câu nói.
Trước khi bắt đầu đối thoại, các học viên có khoảng 3 phút để đọc sơ mẫu câu. Cô giáo đứng bên cạnh từng cặp học viên để dễ dàng quan sát từng động tác ký hiệu. Cô ra hiệu cho cặp Hải Phụng và Phương Thùy bắt đầu trước.
Vừa quan sát, cô vừa chỉ vào từng câu học viên Phương Thùy đang trình bày. Thỉnh thoảng, cô dừng lại để chỉ ra lỗi sai của Phương Thùy và Hải Phụng.
Phương Thùy là học viên khiếm thính duy nhất của lớp. Những năm học cấp 1 và cấp 2, Thùy theo học trường văn hóa bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa.
Nhưng khi học xong lớp 9, Thùy nghe không tốt nên quyết định nghỉ học. Ba năm sau, Phương Thùy được cha mẹ cho học ở trường chuyên biệt cho người khiếm thính. Hiện tại, Thùy đang học lớp 11.
“Mình học ngôn ngữ ký hiệu để biết thêm và củng cố những kiến thức đã được dạy. Mình cũng mong muốn giúp đỡ những bạn khiếm thính yếu hơn trò chuyện dễ dàng hơn”, Phương Thùy chia sẻ với Zing.
Là người khiếm thính bẩm sinh, Phương Thùy được miễn phí học phí lớp ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Thanh Vy. |
Thùy cho biết ngữ pháp là phần khó nhất đối với cô. Từ nhỏ, khi học ở trường văn hóa bình thường, Thùy được dạy ngữ pháp tiếng Việt. Vì ngữ pháp ngôn ngữ ký hiệu và ngữ pháp tiếng Việt có sự khác nhau, Thùy gặp khó khăn trong giai đoạn đầu học ngôn ngữ mới.
Ở thủ ngữ, ngữ pháp có tính giản lược, sắp xếp chủ ngữ, vị ngữ khác với tiếng Việt. Cụ thể, bình thường chúng ta nói: “Hôm qua, tôi gặp lại người bạn thân ở công viên”.
Nhưng đối với người sử dụng thủ ngữ, họ sẽ “nói”: “Bạn thân gặp ở công viên hôm qua”. Điểm nhấn quan trọng trong thông tin giao tiếp là “bạn thân” và “gặp” được đưa lên đầu câu.
Còn chị Hải Phụng kể điểm khó nhất khi học ngôn ngữ ký hiệu là chị thuận tay trái. Đa phần mọi người thuận tay phải nên một số động tác chị Phụng phải điều chỉnh lại theo tay thuận của mình.
Đến cặp Thái Sơn và Thúy đối thoại, Phương Thùy và Hải Phụng đều chăm chú quan sát và thậm chí một lần nữa lặp lại các ký hiệu theo đoạn hội thoại. Tương ứng với ký hiệu gì, các học viên đều vô thức nhẩm theo từ đó.
21h, buổi học kết thúc.
"Các bạn có câu hỏi và thắc mắc gì về bài học hôm nay không?", cô Tố Như hỏi.
Bốn học viên đều làm ký hiệu không có câu hỏi nào. Cô Tố Như gật đầu rồi dặn dò học viên làm bài tập về nhà và luyện tập lại từ vựng, ngữ pháp đã học hôm nay.
Áp dụng thủ ngữ vào công việc
Trước khi học lớp sơ cấp, 4 học viên đều đã hoàn thành khóa học ngôn ngữ ký hiệu cơ bản. Chị Hải Phụng bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu vào đầu tháng 3 năm nay.
Chị chia sẻ bản thân mong muốn học thêm một ngôn ngữ mới để giao tiếp với cộng đồng người khiếm thính. Chị xem việc học thủ ngữ cũng giống như học ngôn ngữ nói (tiếng Anh, tiếng Trung…).
Chị Thúy (áo caro đỏ) đăng ký học ngôn ngữ ký hiệu để tự tin hơn trong công việc giảng dạy học sinh khiếm thính. Ảnh: Thanh Vy. |
Chị Phụng chi 5 triệu đồng cho khóa học ngôn ngữ ký hiệu và nói rằng mình nhận lại nhiều kết quả xứng đáng. Không chỉ học thêm kiến thức về thủ ngữ, từ sau khi học, chị bắt đầu chú ý quan sát nhiều hơn về môi trường xung quanh mình. Giờ đây, gặp gỡ những người bạn khiếm thính, chị Phụng có thể tự tin giao tiếp và giúp đỡ họ.
“Một vài lần đi cà phê cùng bạn bè, mình nhìn thấy nhân viên phục vụ gặp khó khăn vì không hiểu những vị khách khiếm thính muốn gọi thức uống gì. Mình cảm thấy rất vui khi giao tiếp được và giúp họ gọi món”, chị Hải Phụng chia sẻ.
Làm việc trong lĩnh vực điện máy, chị Phụng mong có thể tiếp tục học các khóa nâng cao để phục vụ cho công việc của mình. Chị kể hiện nay đã có nhiều nhãn hàng thiết kế một trang web dành riêng cho người khiếm thính để họ trải nghiệm, mua hàng và phản hồi về sản phẩm.
Chị hy vọng mình có thể sử dụng những kiến thức đã học để xây dựng một trang web riêng như thế dành cho những khách hàng đặc biệt.
Bên cạnh đó, chị Thúy được cô Tố Như đánh giá là học viên khá nhất lớp. Chị hiện là giáo viên ở trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật thính giác ở huyện Bình Chánh (TP.HCM). Thời gian di chuyển từ nơi làm việc của chị Thúy đến lớp học mất gần 50 phút.
“Mình áp dụng được nhiều thứ cho công việc của mình. Mình kết hợp vốn từ học được ở lớp cùng với phương pháp giảng dạy. Khi đi dạy, mình thấy yêu công việc hơn, học trò trở nên gần gũi hơn và mình tiếp xúc với các em thoải mái, không còn e dè như lúc trước”, chị Thúy bộc bạch.