Hà Nội, 19h30
"Cả lớp tập trung, bắt đầu các động tác khởi động".
"Cơ miệng linh hoạt, thoải mái lên nào, tập theo nhịp tay"...
NSƯT Trần Đức, người trực tiếp đứng lớp học, hô to các yêu cầu, hướng dẫn các học viên luyện tập cơ miệng, hình thể trước khi tham gia vào lớp học diễn xuất.
Trong căn phòng rộng 50 m2 với nhiều thiết bị âm thanh, ánh sáng, 15-20 học viên với độ tuổi, ngành nghề khác nhau vận động cơ thể trước khi bắt đầu buổi học kéo dài 2 tiếng đồng hồ.
Lớp học diễn xuất có khoảng từ 15 đến 20 học viên với đủ các độ tuổi, ngành nghề khác nhau. |
Mục đích họ đến với lớp học chủ yếu là nâng cao khả năng diễn xuất, rèn luyện ngôn ngữ, giọng nói, biểu cảm trên khuôn mặt. Ngoài ra, nhiều người tìm đến với lớp học để tự tin trước đám đông hoặc mở rộng khả năng giao tiếp.
Những buổi đầu tiên phần lớn nghiêng về lý thuyết, sau đó đi vào thực hành các bài tập về hình thể, tiếng nói, tưởng tượng, cảm xúc, phán đoán. Trong quá trình học, các học viên sẽ được tham gia đóng các tiểu phẩm, có khi tiểu phẩm đơn, tiểu phẩm nhóm. Thời gian buổi học sẽ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ.
Phần khởi động được tập trong 15 phút nhằm giúp cơ thể của các học viên được mềm dẻo, linh hoạt. |
Thực hành đơn nguyên cảm xúc
"Hôm nay chúng ta sẽ học về đơn nguyên cảm xúc".
Tình huống đưa ra là bối cảnh trong một đám tang, mỗi học viên diễn xuất với những nét mặt cảm xúc khác nhau, nhằm thể hiện sự thương tiếc, đau khổ đối với người đã khuất.
Ngoài ra, các học viên phải tưởng tượng việc đứng trước cả một ê-kip quay phim với chiếc những ống kính đang hướng về mình để ghi lại từng cảm xúc, cử chỉ hay khoảnh khắc của mỗi người.
Điều này có thể sẽ khiến một số học viên mất tập trung và phân tâm nhưng cũng là cách để giúp họ làm quen với ống kính máy quay. Vì thế, việc khóc chưa bao giờ là dễ dàng với những người theo nghề diễn xuất.
Các thành viên trong lớp bắt đầu thể hiện những trạng thái, cảm xúc đau buồn khác nhau trong đám tang giả định. |
Trong lớp học cũng thế, không phải ai cũng hoàn thành tốt vai diễn này một cách có cảm xúc.
Hoàng Đức (29 tuổi, nhân viên văn phòng) nói cái khó trong phần thể hiện này là một thái độ tập trung vào bối cảnh. Đức đánh giá phần thể hiện này của anh thiếu đi những cảm xúc thật sự đau buồn. Anh cho rằng mình chưa đủ tự tin trước đám đông, nên các nét thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt còn cứng.
“Khi thấy diễn viên trên ti vi, mình dễ dàng đánh giá cô này diễn chưa tốt, anh kia diễn tốt. Nhưng khi đứng ở đây để thực hiện, nó thật sự không dễ”, Đức chia sẻ.
Bên cạnh đấy, nam nhân viên cho rằng khi diễn, mỗi người sẽ phải có một trí tưởng tượng tốt kết hợp với dòng trạng thái hòa với cảm xúc chung của mọi người sao cho bài diễn giống thật nhất có thể.
Phần thể hiện của Linh được thầy giáo đánh giá là một trong 4 phần diễn xuất ấn tượng, lấy được cảm xúc của người xem. |
Trước khi đến phần thể hiện của mình, Thùy Linh (giáo viên yoga ở Hà Nội) đứng sâu vào một góc phòng, cô bắt đầu lấy cảm xúc, gạt đi nước mắt và bước vào phần diễn.
Nữ giáo viên đặt bản thân vào trong bối cảnh phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của người thân. Khi ấy, Linh đã không kìm được nước mắt trong giây phút gặp lại họ lần cuối.
"Lúc đó, mình cứ để bản thân tự tin như đang đối diện với chính cảm xúc thật của mình, và cố gắng làm nổi bật thông điệp mà đạo diễn cũng như nhà biên kịch muốn gửi đến người xem", Linh nói.
Cô kể hồi bé có sở thích nghe các bài nhạc và muốn diễn tả theo nội dung bài hát đó. Cô cho rằng việc thể hiện câu chuyện, cảm xúc thông qua ngôn ngữ cơ thể là điều rất thú vị. Đó là cũng là lý do khiến cô gái trẻ quyết định đăng ký lớp học về diễn xuất này.
“Có rất nhiều nguồn cảm xúc từ bên trong muốn được thể hiện ra bên ngoài. Ngoài ra, khi học diễn xuất, mình được tiếp cận và có cái nhìn sâu sắc hơn về tâm lý con người”, Linh cho biết.
Khắc phục
Cuối buổi, sau mỗi sự trình bày của các học viên, NSƯT Trần Đức cùng các học trò xem lại thành phẩm và tiếp tục phân tích, nghiên cứu để khắc phục những hạn chế trong việc hóa thân vào vai diễn của mỗi người.
Nhìn chung, NSƯT Trần Đức đánh giá các học viên đã có phần trả bài tốt, thậm chí, nhiều người có phần thể hiện cảm xúc vượt xa cả sự mong đợi của thầy giáo.
"Tôi đánh giá cao các bạn ở tính sáng tạo, tức không nằm trong khuôn khổ bài giảng mà có thể tưởng tượng một cách sâu sắc về hoàn cảnh, trạng thái tâm lý khác nhau. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn thể hiện được những chi tiết bộc lộ cảm xúc rất đặc biệt", NSƯT Trần Đức nói.
NSƯT Trần Đức đánh giá các bạn học viên đã có phần trải bài tốt, thậm chí nhiều bạn có phần thể hiện cảm xúc vượt xa cả sự mong đợi của bản thân. |
Thầy Đức cho rằng để có thể khóc một cách tròn vai cũng như chạm đến trái tim của người xem đòi hỏi diễn viên phải có nhiều kỹ năng, và một trong những kỹ năng đó chính là việc nhập vai vào nhân vật.
Các nhật vật phải thể hiện một cảm xúc chân thật với các vấn đề xảy ra trong đời sống như trước một nỗi khổ, sự mất mát, hay cảm xúc về một tình yêu, lòng tốt của người khác đến với mình. Ngoài ra, ông cho rằng việc thể hiện cảm xúc sâu sắc trong cuộc sống bao nhiêu thì diễn xuất càng phải sâu sắc bấy nhiêu.
Tuy nhiên, NSƯT Trần Đức chia sẻ thêm một số học viên vẫn chưa thể hiện được tốt phần cảm xúc của mình. Đó có thể là do nhiều bạn chưa trải qua nhiều biến động trong cuộc sống hoặc ít chứng kiến những sự thay đổi xung quanh mình, dẫn đến tâm lý, cảm xúc khi diễn chưa được bộc lộ một cách chân thật.
Khi học diễn xuất, người học cần phải quan tâm đến cả hình thể và tiếng nói. |
Bên cạnh đó, khi học diễn xuất, người học cần phải quan tâm đến cả hình thể và tiếng nói và vận dụng 3 yếu tố đó một cách linh hoạt.
"Ngoài biểu đạt cảm xúc, các học viên sẽ được rèn luyện hình thể mềm dẻo, linh hoạt, khỏe khoắn. Khi thực hành sẽ được rèn luyện cách ngồi, đi, đứng sao cho đẹp hay chuyển động cơ thể như thế nào cho hợp lý. Ngoài ra, một giọng nói truyền đạt cảm xúc tốt cũng góp phần không nhỏ đối với sự thành công của một vai diễn", NSƯT Trần Đức cho biết thêm.