Zing trích dịch bài đăng trên The New York Times, Reuters, Seouland, đề cập đến cuộc sống khó khăn của những người sống trong căn hộ chật hẹp, tầng bán hầm vào mùa hè. Họ phải chịu đựng cái nóng và sự ẩm mốc của mái nhà, những bức tường xung quanh.
Qua bộ phim Ký sinh trùng đoạt giải Oscar 2020, thế giới một lần nữa được khắc họa sâu sắc hơn về hiện thực tại xứ sở kim chi. Bên cạnh những hình ảnh hoa lệ với các nhà cao tầng tiện nghi đẹp như tranh vẽ, Ký sinh trùng cũng phơi bày phần nào mặt tối của xã hội Hàn Quốc: sự chênh lệch giàu nghèo, phân biệt đối xử và đời sống khắc khổ của tầng lớp “thấp cổ bé họng” trong khu ổ chuột tồi tàn.
Đến mùa hè, đối với những người sinh ra đã ngậm “thìa đất”, việc trải qua cơn nóng khắc nghiệt ở một nơi chật chội chẳng khác nào địa ngục.
Cụ ông Song Seong Gu (79 tuổi, phường Donui, quận Jongno) sống trong căn phòng không có cửa sổ với diện tích chỉ vừa đủ để ông ngả lưng nằm xuống.
Ông Song mắc nhiều loại bệnh khác nhau khiến cho việc di chuyển không được thoải mái. Sức khỏe của ông ngày càng tệ và từng phải nhập viện hai tháng vì ung thư máu.
“Ngay cả khi tôi cố gắng tránh nóng thì vẫn chỉ có thể ở trong phòng vì khó di chuyển mà không có gậy. Tôi lo lắng về việc làm thế nào để vượt qua mùa hè này một lần nữa”, ông Song than thở.
Nơi ông Song Seong Gu sinh sống. Căn phòng nhỏ đến nỗi chỉ vừa đủ cho ông ngả lưng. Ảnh: Seouland. |
Cơn ác mộng mùa hè
Mùa hè năm ngoái, các tình nguyện viên ở Trung tâm Cộng đồng Gadong đã đến quận Jongno để cung cấp những thực phẩm thiết yếu giúp người dân tại đây vượt qua cái nóng. Khi nhận được món samgyetang (canh gà sâm), ông Song đã thốt lên: "Tôi đã sống quá lâu mới nhận được thứ quý giá này".
Ở Hàn Quốc, những căn phòng có diện tích dưới 10 m2 trông giống như một chiếc hộp kín được gọi là jjokbangchon. Đây là nơi cư ngụ của những người có thu nhập thấp, thất nghiệp hoặc sinh viên đại học.
Hàng tháng, có khoảng 500-700 cư dân ở phường Donui được nhận trợ cấp từ chính phủ. Họ được hỗ trợ 240.000 won (khoảng 4,6 triệu đồng) để đóng tiền nhà mà không cần đặt cọc.
Đối với những người không có thu nhập, họ sẽ nhận được khoảng 740.000 won (hơn 14 triệu đồng), bao gồm 240.000 won (4,6 triệu đồng) cho trợ cấp nhà ở và 500.000 won (9,7 triệu đồng) để chi tiêu, sinh hoạt.
Shin Eun-kyung (39 tuổi) là bà mẹ đơn thân sống với đứa con trai 4 tuổi bị tâm thần phân liệt, hiện sống dưới tầng hầm của một tòa nhà tại Dongdaemun. Tháng 5 năm ngoái, cô được lắp đặt một máy điều hòa với sự hỗ trợ của Quỹ Năng lượng Hàn Quốc.
Shin chia sẻ nhờ máy điều hòa này, cô và các con không phải chịu cảnh nóng nực như mùa hè năm 2018.
“Vào năm đó, trời thì nóng như đổ lửa mà chúng tôi thì không có tủ lạnh, may mắn năm nay đã có máy điều hòa. Tôi chỉ lo lắng rằng hóa đơn tiền điện sẽ tăng rất nhiều khi tôi bật nó mỗi ngày", cô Shin bày tỏ.
Ahyeon-dong (Mapo-gu, Seoul) là nơi có nhiều nhiều người sống trong các căn hộ dưới tầng hầm. Ảnh: The New York Times. |
Tương tự Shin Eun-kyung, ông Kim Dong-seok (66 tuổi), sống trên tầng thượng của một tòa nhà ở phường Hwigyeong, Dongdaemun, cũng được hỗ trợ để gắn máy điều hòa trong phòng.
“Năm ngoái, tôi không thể ngủ ngon vì ban ngày thì quá nóng, ban đêm thì nhiều muỗi. Nhờ chiếc máy điều hòa này, tôi thấy dễ chịu hơn và hy vọng có được một mùa hè mát mẻ”, ông Kim nói.
Năm 2019 được ghi nhận đợt nắng nóng đỉnh điểm nhất kéo dài đến 26 ngày, bắt đầu từ 21/7. Theo Seouland, năm ngoái, số bệnh nhân bị say nắng tăng mạnh so với giai đoạn 2011-2017. Tỷ lệ này gây nguy hiểm đến sức khỏe của những bệnh nhân trên 50 tuổi.
Khom lưng mà sống
Giống như những người phải chịu đựng cái nóng mùa hè ở jjokbangchon, việc phải sống trong các căn nhà bán hầm (banjiha) cũng không mấy dễ chịu.
Đây là những căn nhà siêu nhỏ, chỉ trồi một phần lên mặt đất, phần diện tích hẹp đến nỗi người trong nhà chỉ có thể nhìn thấy bánh xe lăn trên đường thông qua cửa sổ. Mùa hè khắp cả căn phòng tràn ngập trong sự ẩm thấp, mùi nấm mốc và chẳng khác gì “phòng xông hơi”.
Một cảnh quay lột tả sự nghèo khó của hộ gia đình sống tại banjiha trong phim Ký sinh trùng. |
Khi mùa mưa đến, những người sống ở đây đều thấp thỏm lo sợ nhà của mình sẽ bị ngập trong biển nước. Mỗi buổi sáng, họ chỉ thấy được tia nắng mặt trời le lói trong thời gian ngắn. Tại Hàn Quốc, những người sống ở nhà bán hầm được xem như lũ lợn, theo The New York Times.
Ông Kim Ssang-seok (63 tuổi, tài xế taxi) đã có 20 năm sống trong khu nhà rộng 30 m2 được xây dựng dưới lòng đất. Hàng ngày, ngoài chịu đựng mùi hôi thối từ cống, côn trùng, trần nhà ẩm mốc, ông còn lo lắng chính quyền thành phố sẽ dọn sạch khu phố của mình để nhường chỗ cho những tòa nhà chọc trời.
Nếu điều đó xảy ra, ông Kim sẽ phải ra đường ở mà không có bất kỳ sự lựa chọn hay kế hoạch dự phòng nào.
Không chỉ là nơi ở của nhiều hộ gia đình, jjokbangchon hay banjiha cũng là lựa chọn của những người trẻ có xuất thân nghèo khó - những người được xem là “thìa đất” tại Hàn Quốc.
Ông Kim thậm chí không dám phơi quần áo, để dép ngoài đường vì sợ trộm cắp. Ảnh: The New York Times. |
Hwang Hyeon Dong (26 tuổi), đang sống trong một căn phòng rộng 6,6 m2 gần khuôn viên trường ĐH Seoul với giá 350.000 won (khoảng 7 triệu đồng) một tháng. Căn phòng có nội thất cũ kỹ, nhà vệ sinh và bếp dùng chung.
Nơi đây từng được sử dụng cho sinh viên ở tạm trước khi chuyển ra ngoài kiếm việc làm. Nhưng giờ đây, nó trở thành nơi ở của những người trẻ như Hwang Hyeon Dong. Hwang cho biết anh có hoàn cảnh nghèo khó, thu nhập của gia đình thấp và cảm thấy như bị xã hội bỏ rơi.
Tuy điều kiện sống tồi tàn, nhưng Hwang cũng không thể tìm được nơi nào tốt hơn để ở. Với mức sống khiêm tốn, anh chỉ thuê được một căn phòng nhỏ như vậy để sống qua ngày.
Ở Seoul, giá nhà đất tăng nhanh qua từng năm, nên nhiều sinh viên và các cặp vợ chồng trẻ bắt đầu thuê nhà ở banjiha với hy vọng một ngày nào đó họ sẽ tích góp đủ để mua một căn hộ trong chung cư cao tầng.
Nhiều người trẻ nỗ lực để thoát khỏi cảnh sống ẩm thấp, tối tăm. Ảnh: Reuters. |
Trong một cuộc họp báo năm 2019, đạo diễn Bong Joon-ho phát biểu: “Đây rõ ràng là một tầng hầm, nhưng những người sống ở đó luôn tin rằng họ thuộc về thế giới giàu có trên kia. Họ sợ bị lòng đất ẩm mốc nuốt chửng nếu có chuyện tồi tệ nào xảy ra”.
Trong khi những người trẻ tuổi mơ ước được thoát khỏi nhà bán ngầm thì người già và người thất nghiệp đã từ bỏ hy vọng được rời khỏi đây. Họ chấp nhận sống chật vật dù nỗi lo về mùa hè vẫn luôn thường trực, nhưng “như thế vẫn tốt hơn là vô gia cư”.
Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, hàng trăm nghìn người sống trong jjokbangchon hoặc banjiha nằm rải rác quanh thủ đô Seoul. Họ sống vô hình bên trong những con hẻm và ẩn sâu dưới tầm che khuất của những tòa nhà và trung tâm thương mại.