Mùa hè ‘bình thường mới’ - không chỉ là bỏ, cắt hay tăng ngày nghỉ
Sự an lạc của trẻ không phải là mùa hè bận rộn và mệt mỏi với quá nhiều hoạt động được sắp đặt đến từng phút. Chúng cần chơi đùa tự do với sự chủ động và sáng tạo của chính mình thay vì lại bị điều động bởi cha mẹ.
Do tình hình dịch Covid, đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội vừa qua, ngành giáo dục phải đặt vấn đề về kỳ nghỉ hè của học sinh. Ngoài những công văn chính thức còn có nhiều ý kiến của phụ huynh về việc giảm, bỏ, hay nhập học trễ để có thời gian nghỉ hè dài.
Thế nhưng, trong bối cảnh “bình thường mới”, giữa hai thái cực - cắt ngắn thời gian nghỉ hè và tăng thời gian của các học kỳ - chúng ta vẫn có thể chọn hướng tiếp cận khác.
Sa sút học lực hay phục hồi sức lực?
Từ lâu, chúng ta chấp nhận việc nghỉ hè như một truyền thống đương nhiên trong đời đi học và đi dạy. Chẳng hạn tại Mỹ, tùy theo tiểu bang và vùng miền, thời gian nghỉ hè thông thường khoảng 10 đến 11 tuần, bắt đầu từ cuối tháng 5, đầu hay cuối tháng 6. Thời gian nghỉ hè ở Việt Nam trung bình 8 tuần.
Nếu trẻ nghèo chỉ có thể dựa vào nhà trường để phát triển kiến thức, thì trẻ giàu còn có thể dựa vào cha mẹ vốn có trình độ học vấn cao, các chuyến đi thư viện, viện bảo tàng hay qua những chuyến du lịch.
Vào cuối thế kỷ 19, trước khi có cuộc cải cách giáo dục tiêu chuẩn hóa lịch trình học tập, các học khu từng có lịch học khác nhau dựa vào nhu cầu của từng cộng đồng dân cư. Chẳng hạn, có nơi cho học sinh nghỉ vào tháng 9 và 10 để có thể tham gia phụ gia đình trong vụ thu hoạch lớn mùa thu. Có nơi lại có ngày nghỉ thay đổi tuỳ vào tình hình đầu tư, năng lượng, trồng trọt và thời tiết.
Một số trường lại yêu cầu đi học quanh năm do sự gia tăng dân số nhanh chóng nên phải tận dụng tối đa không gian của trường. Tập tục nghỉ đông - ngoài lý do các ngày lễ tôn giáo và năm mới - có lẽ còn do các các toà nhà không được trang bị những điều kiện cần thiết để vượt qua thời tiết khó khăn.
Từ giữa thế kỷ trước, giới giáo dục Mỹ đã nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian nghỉ hè đối với học lực khi học sinh quay trở lại vào mùa thu. Các nghiên cứu đầy đủ về vấn đề tạm gọi là “suy thoái học lực sau hè” (summer learning loss) cho thấy trung bình, thành tích thể hiện qua điểm số sau kỳ nghỉ giảm tương đương với việc mất một tháng học tập trong năm.
Thậm chí, ba giáo sư tại Đại học Johns Hopkins - Karl Alexander, Doris Entwisle, và Linda Olson - còn đề ra “lý thuyết vòi nước” (faucet theory) để giải thích sự thay đổi về học lực khác nhau sau mùa hè của trẻ với các điều kiện kinh tế bất bình đẳng ở từng gia đình.
Theo nhóm chuyên gia này, trong năm học, “vòi nước” tài nguyên như sách vở, tài liệu, phim ảnh… và sự hướng dẫn học tập của người lớn - đặc biệt là thầy cô - sẽ đồng đều cho tất cả trẻ. Điều này cho phép tất cả trẻ phát triển như nhau.
Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ hè, “vòi” của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ cung cấp ít “nước” hơn nhóm có điều kiện. Nếu trẻ nghèo chỉ có thể dựa vào nhà trường để phát triển kiến thức, thì trẻ giàu còn có thể dựa vào cha mẹ vốn có trình độ học vấn cao, gia sư được thuê mướn kèm cặp, các chuyến đi thư viện, viện bảo tàng trong thành phố hay qua những chuyến du lịch.
Đây là lý do khiến cho một số nhà giáo dục ủng hộ việc học quanh năm của học sinh. Việc này được thực hiện bằng hai cách: Chia thời gian nghỉ hè truyền thống thành các khoảng nghỉ ngắn hơn rải đều hay tăng ngày học vào đầu hay cuối năm. Thời gian học có khi được tăng lên đến 10 hay 11 tháng tại một số học khu.
Không phải tất cả nhà nghiên cứu giáo dục đều đồng ý học sinh sẽ sa sút học lực sau mùa hè.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhà nghiên cứu giáo dục đều đồng ý học sinh sẽ sa sút học lực sau mùa hè.
Nghiên cứu phân tích cấp quốc gia về thời gian những năm tháng đầu đời (Early Childhood Longitudinal Study) được thực hiện vào đầu thập niên này tìm thấy ít dẫn chứng cho sự suy thoái học lực sau kỳ nghỉ hè đối với các lớp khối 2 trở lên. Ngoài ra, sự phân cách trong học lực sau mùa hè do tình trạng thu nhập và thành phần xã hội cũng chỉ xảy ra ở một số môn học.
Mặc dù Hội Tâm lý học Mỹ (APA) cho rằng kỳ nghỉ giúp giảm thiểu sự khó chịu, trầm cảm và lo âu, việc quanh quẩn trong nhà trong xóm suốt gần 2 tháng hè không hẳn đã giúp trẻ phục hồi sức lực đã mất.
Nghiên cứu cho thấy trẻ có nguy cơ tăng cân trong thời gian này, đặc biệt trẻ đã có nguy cơ béo phì. Trong một số trường hợp, trẻ cũng có thể sa đà vào những hoạt động không mấy lành mạnh như nghiện game online.
Đứng trước lựa chọn giữa hai thái cực về thời gian nghỉ hè, chúng ta vẫn có một hướng tiếp cận khác.
Đừng để trẻ lại bị cha mẹ điều động
Các chương trình học hè đáp ứng nhu cầu của trẻ một cách toàn diện - chứ không chỉ học thuật - thực sự đem lại nhiều lợi ích cho trẻ em.
Trong hoàn cảnh hiện nay, phụ huynh cần tận dụng mùa hè để hỗ trợ con cái với một kế hoạch toàn diện.
Nghiên cứu của Liên minh Sau giờ học (Afterschool Alliance) cho thấy các chương trình học hè như trên không chỉ giúp tăng thành quả của học sinh, mà còn cả lòng tự tin, tự trọng, tính kỷ luật của chúng.
Các chương trình hỗ trợ khả năng học tập của các em nhiều nhất không tập trung học thuật, mà hướng đến những mục tiêu phát triển, trải nghiệm xây dựng kỹ năng, đa dạng hoá các mối quan hệ, và hoạt động làm phong phú tri thức và trải nghiệm của trẻ.
Việc tham gia các hoạt động ngoài lớp học (extracurricular activities) cũng giúp trẻ hiểu hơn về các tín hiệu xã hội (social cues) mà các em không thường gặp trong trường học.
Trong hoàn cảnh hiện nay, phụ huynh cần tận dụng mùa hè để hỗ trợ con cái với một kế hoạch toàn diện. Với thời đại kỹ thuật số, phương pháp tiếp cận linh hoạt vận dụng phương tiện công nghệ các em đang có cũng không kém phần hữu ích. Một việc đơn giản như gửi tin nhắn cho phụ huynh khối 3 và 4 trong kỳ nghỉ hè cũng có thể hỗ trợ các em cải thiện điểm học của mình.
Tin nhắn bao gồm thông tin hướng dẫn và các nguồn thông tin các em có thể truy cập, những hoạt động có thể thực hiện, cũng như giá trị của một số hoạt động học tập qua mùa hè.
Chúng ta có thể thực hiện một chương trình tương tự. Mỗi ngày từ chỗ làm, chúng ta vẫn có thể gửi một tin nhắn chứa một đường dẫn đến một video hay trang có thông tin bổ ích, từ học thuật đến việc xây dựng phẩm cách, từ nghệ thuật đến thể thao.
Điều quan trọng là các chương trình hè không nên gây cho các em cảm giác như phải tham gia một hình phạt hay tiếp tục bị bắt học.
Đối với các cha mẹ có điều kiện, nếu không thể thực hiện những chuyến du lịch ra nước ngoài vì dịch Covid-19, các chuyến đi trong nước, buổi trình diễn âm nhạc lẫn mỹ thuật đều mang lại kết quả tích cực cho sự phát triển toàn diện của các em.
Giáo sư Denise Pope, khi được phỏng vấn trên Harvard.edu, cho biết cha mẹ có thể phát triển sự hứng thú của con cái qua các chuyến đi tới thư viện, bảo tàng, thử thách đọc sách, viết nhật ký về sách đã đọc, thậm chí đưa cho trẻ một danh sách việc nhà đa dạng cũng làm phong phú hóa mùa hè.
Mùa hè sẽ không đúng nghĩa của nó nếu không có hoạt động thể thao, chuyến đi dã ngoại, thăm di tích lịch sử… Hãy đi cùng con hay kết hợp vài gia đình và phụ huynh có thể thay phiên nhau giám sát các hoạt động này. Bị giam hãm trong nhà gần tháng trời trong giai đoạn giãn cách xã hội, các em sẽ tìm lại sự quân bình trong tâm lý từ những sinh hoạt ngoài trời.
Tuy nhiên, điều quan trọng là chương trình hè không nên gây cho các em cảm giác như phải tham gia hình phạt hay tiếp tục bị bắt học, thay vì được hưởng thụ một mùa hè với những trải nghiệm thú vị.
Chúng ta cần nhớ rằng sự an lạc của trẻ không phải là mùa hè bận rộn và mệt mỏi với quá nhiều hoạt động được sắp đặt đến từng giờ, phút.
Chúng cần chơi đùa một cách tự do với sự chủ động và sáng tạo của chính mình, thay vì lại bị điều động bởi cha mẹ trong mùa hè như bởi thầy cô trong lúc đi học. Hãy ngồi xuống cùng con thiết kế một mùa hè có thể ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa.