So với nhóm thu nhập cao, gánh nặng lạm phát ở xứ cờ hoa đang đè trên vai người nghèo nhiều hơn. |
Tháng 11 tại khách sạn Langham ở thành phố Boston (bang Massachusetts) bận rộn hơn dự kiến. Du khách thập phương đặt chỗ ở những dãy phòng hạng sang, và tổ chức các cuộc gặp mặt trong phòng hội nghị mạ vàng.
Những suất brunch dịp Lễ Tạ ơn trị giá 135 USD/người tại nhà hàng của khách sạn cũng đã bán hết từ nhiều tuần trước, theo New York Times.
Cách đó không xa, ở khu dân cư Dorchester, một loại hình dịch vụ ăn uống khác đang bùng nổ.
Tổ chức từ thiện Công giáo Boston nhận thấy ngày càng nhiều gia đình xuất hiện tại căn tin miễn phí của họ, đến mức Beth Chambers, Phó chủ tịch phụ trách các nhu cầu cơ bản, phải đóng cửa sớm một số ngày.
Cảnh tương phản ở khách sạn Langham và Tổ chức từ thiện Công giáo Boston. |
Vào buổi sáng thứ 7 lạnh giá trước Lễ Tạ ơn, nhiều người xếp hàng trên phố từ 4h30 để chờ phát gà tây miễn phí, tức hơn 4 tiếng trước khi căn tin mở cửa.
Bức tranh tương phản này đã minh họa sự chia rẽ của nền kinh tế Mỹ sau 3 năm đại dịch.
Những người giàu vẫn rủng rỉnh tiền tiết kiệm và dư dả tài chính để ủng hộ các thương hiệu xa xỉ, khiến một số nhà bán lẻ cao cấp cũng như công ty du lịch thêm lạc quan về mùa lễ hội.
Trong khi đó, những người nghèo ở xứ cờ hoa đang cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt, gặp vô số khó khăn để theo kịp bão giá, đồng thời phải đối mặt với lãi suất leo thang nếu họ sử dụng thẻ tín dụng hoặc các khoản vay để trang trải cuộc sống.
Mọi thứ đều đắt đỏ
Tình hình đã nhấn mạnh một thực tế nghiệt ngã của thời đại Covid-19. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất để đưa lạm phát trở lại tầm kiểm soát. Thế nhưng, nhiều người Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giai đoạn điều chỉnh này.
Nhiều hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động vẫn duy trì cuộc sống tốt trong năm 2020 và 2021. Mặc dù họ bị mất việc làm đột ngột ở thời kỳ đầu đại dịch, việc tuyển dụng đã phục hồi nhanh chóng, tiền lương tăng mạnh và các đợt cứu trợ liên tục của chính phủ đã giúp các gia đình tích lũy được một khoản tiết kiệm.
Thế nhưng, số tiền tích cóp ấy đang dần cạn kiệt sau 18 tháng lạm phát chóng mặt. Tính đến tháng 10, giá cả đã tăng 7,7%, nhanh hơn nhiều so với tốc độ thông thường khoảng 2% trước đại dịch.
Tháng 11, khách sạn Langham trở nên đông khách ngoài dự kiến, còn Tổ chức từ thiện Công giáo Boston chứng kiến nhu cầu về thực phẩm tăng vọt. |
Khi tiền tiết kiệm gần hết và những chi phí cần thiết như thực phẩm, nhà ở, phương tiện đi lại trở nên đắt đỏ hơn, nhiều người ở các khu dân cư có thu nhập thấp bắt đầu chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng để duy trì chi tiêu.
“Do chi phí thực phẩm trở nên đắt đỏ, ngày càng nhiều người tìm đến chúng tôi”, bà Chambers cho biết. Bà cũng nhấn mạnh rằng những khoản chi khác đội giá, bao gồm tiền thuê nhà, càng khiến khó khăn chồng chất.
Nhân dịp Lễ Tạ ơn, Tổ chức từ thiện lên kế hoạch phát 1.000 con gà tây và 600 thẻ quà tặng mua gà tây, cùng với những túi ngô kem đóng hộp, nước sốt nam việt quất và một số món ăn khác.
Tina Obadiaru (42 tuổi), người mẹ 7 con, là một trong số những người xếp hàng nhận gà tây miễn hôm 19/11. Công việc toàn thời gian hiện không đủ để giúp cô trang trải cuộc sống, đặc biệt sau khi tiền thuê nhà tăng từ 2.000 USD lên 2.500 USD/tháng.
“Cuộc sống sẽ trở nên rất khó khăn”, cô nói.
Gánh nặng đặt lên người nghèo
Các quan chức Fed đang cố gắng nhanh chóng đưa việc tăng giá trở lại trong tầm kiểm soát, một phần để giảm gánh nặng đang đè lên người nghèo. Ngân hàng trung ương nâng lãi suất từ mức gần bằng 0 vào đầu năm nay lên gần 4%, và báo hiệu rằng sẽ còn nhiều điều chỉnh khác sắp diễn ra.
Tuy nhiên, quá trình giảm lạm phát vốn đã gây tổn hại cho những người thu nhập thấp.
Những người thu nhập thấp nhạy cảm hơn với giá cả, đồng thời phản ứng nhanh hơn với các chương trình khuyến mãi. Ảnh: Justin Hame/New York Times. |
Các chính sách của Fed hoạt động một phần bằng cách khiến cho việc vay mượn trở nên đắt đỏ, khiến nhu cầu mua sắm giảm và cuối cùng buộc người bán phải hạ giá.
Nhưng cùng với đó, tăng lãi suất cũng làm chậm thị trường lao động, giảm tốc độ tăng lương và thậm chí có thể mất việc làm. Điều này đồng nghĩa rằng một thị trường lao động vững chắc đang hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này có thể sớm rạn nứt.
“Dù lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và thị trường lao động nhẹ nhàng hơn sẽ giúp làm giảm lạm phát, chúng cũng sẽ gây ra một số thiệt hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đó là cái giá đáng tiếc phải trả trong nỗ lực giảm lạm phát”, Jerome H. Powell, Chủ tịch Fed, cho biết tại một hội nghị hồi tháng 8.
Song, Fed tin rằng biện pháp này vẫn sẽ tốt hơn những gì có thể xảy ra nếu lạm phát tiếp tục tăng không kiểm soát. Khi đó, họ sẽ phải đưa ra chính sách mang tính trừng phạt để chấm dứt - một phản ứng có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn nữa.
Nhìn chung, chi tiêu của người tiêu dùng đến nay vẫn ở mức ổn định trước các tác động lãi suất của Fed. Thế nhưng, đằng sau những con số tổng hợp đó, một sự thay đổi mới dường như đang diễn ra, làm nổi bật sự phân chia mức độ giàu - nghèo ngày càng rõ rệt ở xứ cờ hoa.
Trong khi những vị khách khách sạn Langham thoải mái mua sắm, tận hưởng dịch vụ sang trọng, nhiều người nghèo xếp hàng từ sớm để được Tổ chức từ thiện Công giáo Boston phát thực phẩm miễn phí. |
Dữ liệu thẻ tín dụng từ Bank of America cho thấy những tháng gần đây, các hộ gia đình có thu nhập cao và trung bình đã thay thế các hộ gia đình có thu nhập thấp trong việc thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng.
“Điều này có thể do nhóm thu nhập thấp bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi giá cả tăng cao. Họ cũng là nhóm rút tiền tiết kiệm ngân hàng lớn nhất”, các nhà kinh tế tại Viện Ngân hàng Mỹ cho biết.
Ngay cả khi người nghèo giảm chi tiêu do lãi suất và giá cả tăng cao, như đúng kỳ vọng của Fed, các nhà kinh tế lưu ý rằng người giàu vẫn có thể giữ nhu cầu mua sắm mạnh mẽ, nhất là ở các ngành dịch vụ như khách sạn và du lịch.
Tại khách sạn Langham, có rất ít dấu hiệu cho thấy chi tiêu sắp giảm tốc. Trong quán bar của khách sạn, những nhân viên pha chế luôn bận rộn mỗi tối để chuẩn bị những ly cocktail cho khách.
Michele Grosso, Giám đốc điều hành Langham, cho biết mỗi khi những vị khách trở về từ chuyến mua sắm trên phố Newbury gần đó, hai tay của họ xách đầy túi. Việc nhà hàng bán hết sạch suất thưởng thức brunch dịp Lễ Tạ ơn, bữa ăn gồm 3 món kiểu gia đình, cũng cho thấy nhu cầu chi tiêu tăng cao.
Công ty dịch vụ tài chính American Express đã bổ sung thêm danh sách khách hàng nâng hạng thẻ bạch kim và thẻ vàng ở Mỹ với mức kỷ lục trong quý trước, do “nhu cầu lớn” đối với các sản phẩm cao cấp và tính phí.
Fed kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ giảm lạm phát. Ảnh: Mathias Wasik/New York Times. |
Nhưng cùng lúc đó, các công ty phục vụ người tiêu dùng có thu nhập thấp đang báo cáo về sự sụt giảm rõ rệt. Brian Cornell, Giám đốc điều hành của Target, nói rằng người tiêu dùng trong năm nay đã dựa vào việc vay mượn hoặc rút tiền tiết kiệm để có thể chi trả ngân sách hàng ngày của họ.
“Thế nhưng, các lựa chọn đó cũng dần cạn kiệt. Do đó, khách hàng của chúng tôi ngày càng nhạy cảm với giá cả, đồng thời tập trung và phản ứng nhanh hơn với các chương trình khuyến mãi, cũng như do dự hơn khi mua hàng với giá gốc”, ông Cornell nói.
Trong khi thế giới đang chờ xem liệu Fed thành công với chính sách “diều hâu” mà không đẩy nước Mỹ rơi vào cảnh suy thoái hoàn toàn hay không, những người tìm đến Tổ chức từ thiện Công giáo Boston đã cho thấy vì sao rủi ro cao như vậy.
Dù có việc làm, nhiều người vật lộn với bão giá suốt nhiều tháng và tiếp tục đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
“Trước đại dịch, chúng tôi chỉ cần tính theo suất lương thực để đáp ứng nhu cầu địa phương. Giờ đây, chúng tôi phải tính từng thùng một”, bà Chambers nói.