Có bao giờ bạn cảm thấy việc mua sắm giúp bạn cảm thấy đỡ stress hơn hoặc đỡ buồn hơn chưa? Đây chính là Retail therapy, hay còn gọi là "trị liệu mua sắm".
Retail therapy được định nghĩa là việc mua sắm với mục đích cải thiện tâm trạng, thường gặp ở những người đang trong giai đoạn trầm cảm hoặc stress.
Theo tiến sĩ tâm lý học Scott Bea, việc bạn bỏ những món đồ vào giỏ hàng online hoặc ghé thăm các cửa hàng quần áo bạn yêu thích một vài giờ cũng có thể giúp tâm trạng bạn tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên cùng với đó là mong muốn có được những món đồ đó.
Tại sao Retail therapy lại phổ biến?
Cũng theo Scott Bea, có một số lý do giải thích tại sao Retail therapy thật sự khiến bạn "nghiện".
Mua sắm tạo giúp bạn lấy lại được cảm giác kiểm soát
Theo nghiên cứu từ Tạp chí Tâm lý người tiêu dùng, Retail therapy không những giúp bạn hạnh phúc tức thì mà còn ngăn nỗi buồn kéo dài hơn. Trong khi đó, nỗi buồn thường được cho là gắn liền với những tình huống ngoài tầm kiểm soát.
Những sự lựa chọn khi mua sắm và những món đồ bạn mua được giúp bạn lấy lại được cảm giác kiểm soát và chủ động cuộc sống.
Một nghiên cứu khác từ Đại học Michigan năm 2014 chỉ ra, so với việc không mua sắm, bạn sẽ có cảm giác kiểm soát nhiều hơn tới 40 lần khi mua những thứ bạn thích. Và bạn cũng ít buồn hơn 3 lần so với những ai chỉ ngắm nhưng không mua.
Mua những món đồ bạn yêu thích mang lại một cảm giác như thành tựu cá nhân tích cực, ngay khi mọi thứ không theo ý bạn.
Sự hình dung sống động khi mua sắm giúp bạn xao nhãng sự lo lắng của mình
Mùi của những món đồ mới, ánh sáng và các trưng bày màu sắc ở cửa hàng tạo nên một trải nghiệm mua sắm giàu tưởng tượng, kích thích các giác quan của bạn. Nó làm chúng ta rời xa hiện thực, dù chỉ một chút. Hiện tượng này cũng xảy ra khi mua sắm qua mạng.
Mua sắm và sự kích thích giác quan đó giúp ta hình dung ra những kết quả tốt đẹp. Giống như các vận động viên thể thao cũng sử dụng cách hình dung này để giảm lo lắng và tham gia thi đấu tích cực hơn.
‘Hormone hạnh phúc’ - Dopamine được giải phóng ngay trước khi bạn thanh toán mua sắm
Việc dạo quanh các cửa hàng thôi cũng đã tác động tích cực lên tâm trạng của bạn. Đây là tâm lý trông chờ vào một phần thưởng cho bản thân và tạo ra Dopamine khiến bạn ‘hạnh phúc’.
Dopamine làm bạn muốn tìm kiếm thêm những món đồ bạn thích. Và bỏ hàng vào giỏ khi mua sắm trực tuyến cũng khiến bạn hài lòng hơn.
Mua sắm trực tuyến còn kích thích sản sinh Dopamine khi bạn trông chờ đơn hàng của mình. Bạn không biết mình sẽ nhận đơn hàng nào và nhận vào lúc nào. Chính sự không chắc chắn này tăng độ kỳ vọng và và sự phấn khích ở bạn.
Lợi ích tâm lý khi tiết kiệm cho món hàng bạn thích
Bạn có thể "chữa lành tâm hồn" của mình khi tiết kiệm để mua một món hàng bạn yêu thích, thay vì trả ngay lập tức với thẻ tín dụng.
Áp dụng lý thuyết của sự kỳ vọng, tiết kiệm làm bạn trông chờ vào món hàng của mình, tạo sự sản sinh Dopamine.
Retail therapy có thật sự ‘hại’ ví tiền của bạn?
Retail therapy có một vài điểm tương đồng với nghiện mua sắm. Tuy nhiên đây là hai khái niệm khác nhau.
Các chuyên gia tin rằng Dopamine là một yếu tố dẫn đến hành động mua sắm bốc đồng. Khác với Retail therapy, niềm vui do nghiện mua sắm sẽ không kéo dài sau khi bạn thanh toán món hàng của mình.
Chìa khóa phân biệt giữa hai khái niệm này nằm ở cảm giác sau khi bạn mua sắm và liệu bạn có thể điều khiển được hành vi mua sắm của mình.
Retail therapy cho bạn một cảm giác kiểm soát khi mua sắm những thứ bạn mong muốn, thay vì cảm giác không thể kiểm soát được túi tiền của mình.
Tận dụng Retail therapy sao cho đúng?
Không có gì là sai khi bạn dùng Retail therapy để "xử lý’"những nỗi buồn hoặc giảm stress cho bản thân.
Khi bạn có một ngày tồi tệ, hãy lưu ý những điều sau từ Healthline lúc mua sắm để tận dụng Retail therapy tốt nhất:
- Lên ngân sách khi mua sắm: khi mức mua sắm gần vượt qua ngân sách của bạn, hãy tiết kiệm để mua những món bạn muốn tự thưởng cho bản thân.
- Chỉ mua những thứ bạn thật sự cần: ví dụ như đồ gia dụng hàng ngày, đồ ăn,... bạn có thể so sánh giá cả từ nhiều cửa hàng khác nhau để mua sắm tiết kiệm hơn, để dành phần đó vào ngân sách mua sắm trên.
- Thử dạo một vòng trước khi mua sắm: đây cũng là cách vận động nhẹ nhàng để "nâng cấp" tâm trạng của mình.
- Dành thời gian cân nhắc về món hàng đó: bạn có thể dành khoảng một hai ngày để xem mình thật sự thích món hàng đó không, việc này cũng góp phần cải thiện tâm trạng của bạn. Nếu qua ngày hôm sau khi tâm trạng tốt hơn mà bạn vẫn thích, hãy mua nó.