Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mũi Né gây thất vọng

Nếu không thuê resort, nhiều du khách khó tìm lối xuống bãi biển công cộng tại Mũi Né. Theo chuyên gia, đây là một dạng phân biệt không gian giải trí dựa trên khả năng tài chính.

resort ven bien anh 1

Từ một làng chài nhỏ, Khu du lịch quốc gia Mũi Né (Lâm Đồng, thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận cũ) hiện sở hữu hơn 600 cơ sở lưu trú với gần 18.000 phòng nằm dọc "đất vàng" ven biển, kéo dài từ phường Phú Hài đến xã Phan Rí Cửa.

Riêng con đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài 8 km có đến 53 resort, chiếm gần 50% tổng số lượng resort tại TP Phan Thiết, theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bình Thuận (cũ).

Đáng chú ý, sau sáp nhập tỉnh thành, phường Mũi Né (gồm phường Hàm Tiến, xã Thiện Nghiệp, phường Mũi Né cũ) là vùng huyết mạch của KDLQG Mũi Né, tiếp tục hướng đến mục tiêu trở thành địa danh hàng đầu cả nước, thậm chí là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, địa phương lại chưa thể đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân, du khách là mang lại sự thuận tiện khi tiếp cận các bãi tắm công cộng.

Loạt resort nối đuôi nhau ở phía Đông Mũi Né, chỉ chừa cho người dân 2 bãi tắm chính là Đồi Dương và bãi đá Ông Địa.

LƯỢNG KHÁCH ĐẾN TP PHAN THIẾT CŨ (ĐIỂM ĐẾN CHÍNH LÀ MŨI NÉ) QUA MỘT SỐ NĂM
Nguồn: Sở Du lịch tỉnh Bình Thuận (trước sáp nhập)
Nhãn 2019 2020 (11 tháng) 2022 2023 2024

Triệu lượt 6.4 2.88 3.8 6.25 6.8

Ở gần biển, nhưng khó tắm biển

Tháng 7/2024, du khách Anh Dương (25 tuổi, sống tại TP.HCM) du lịch 3 ngày 2 đêm tại Mũi Né. Anh thuê một khách sạn bên kia đường Nguyễn Đình Chiểu (phía Tây). Dù chỉ cách bãi biển vài chục mét, anh phải đi đoạn đường vòng khoảng 750 m mới tìm thấy lối xuống biển, nằm cạnh Anantara Resort.

“Trên trục đường tôi ở chỉ có bãi tắm công cộng Đồi Dương và bãi đá Ông Địa, nhưng đều phải di chuyển vài km. Tôi còn tìm thấy 2 con đường khác dẫn xuống biển, nhưng khoảng cách cũng từ 650 m đến khoảng một km, chỉ có thể đi bộ vì không có bãi giữ xe. Còn lại là không gian của các resort, nhưng không thể đi xuyên qua resort vì có nhân viên bảo vệ. Trong 3 ngày ở đây, tôi chỉ tắm biển một lần”, Dương chia sẻ.

Tương tự, Phạm Hoài Thanh (34 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng chưa hài lòng về chuyến du lịch đến phường Mũi Né đầu năm 2024. Chọn một resort hướng biển, cô mong muốn tận hưởng cảm giác nghỉ dưỡng tại chỗ. Song, không gian biển đúng nghĩa không còn.

“Nhìn ra chỉ thấy tường rào của resort san sát nhau, nhà hàng và quán bar/club khiến tôi thấy bí bách. Bãi biển ở phường Thanh Hải (phường Phú Hài cũ) đa số là bờ kè, nếu muốn ra bãi Mũi Né một là chịu khó dò tìm các đường dẫn xuống biển, thường sẽ có lối đi nhỏ giữa 2 resort, hai là lưu trú tại các resort sát bãi cát”, Thanh nói.

Cô cho biết thêm vào cuối tuần bãi biển khá đông người, nhưng ngược lại, bãi tắm của các resort sát biển chủ yếu là khách trong resort. Du khách lưu trú ở những nơi khác phải tắm hoặc vui chơi cùng nhau tại 1-2 bãi chính - nơi có đường dẫn xuống - gây ra cảm giác chen chúc, không thoải mái.

Trên thực tế, không riêng Mũi Né, Khánh Hòa cũng từng rơi vào trường hợp resort chiếm "đất vàng" ven biển. Tuy nhiên, địa phương đã mạnh tay thu hồi loạt khu đất nhằm trả lại biển công cộng cho người dân.

Trong đó phải kể đến lần lấy lại 28.000 m2 đất, 10.000 m2 mặt nước biển của khu resort Ana Mandara hồi tháng 6/2022 (dù vẫn chưa trả lại đất trống hoàn toàn cho địa phương) và hơn 21.000 m2 đất bờ biển từ dự án Công viên Phù Đổng do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư vào tháng 7/2022.

resort ven bien anh 4

3 resort san sát nhau trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Mũi Né). Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại Vũng Tàu cũ (nay thuộc TP.HCM), khu vực Bãi Sau như được "lột xác" với công viên mới ở đường Thùy Vân vào tháng 4. Công trình được xây dựng sau khi UBND TP Vũng Tàu cũ thu hồi khoảng 15.000 m2 đất từ Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Hải Dương và khoảng 24.000 m2 đất do Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Vũng Tàu sử dụng.

Tháo gỡ

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, thừa nhận việc tiếp cận các bãi biển ở Mũi Né thời gian trước đây, đặc biệt là các khu vực có nhiều resort, có thể gặp khó khăn do thiếu lối đi công cộng.

Song, ông cho biết địa phương đã tiến hành mở thêm hơn 10 lối đi cho người dân, du khách nhằm hạn chế tình trạng tư nhân hóa bãi biển.

Bên cạnh đó, đường Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Thúc Kháng, đoạn từ khu du lịch Hoàng Ngọc đến ngã ba Làng Chài cũng đang nâng cấp, mở rộng để chỉnh trang đô thị cho KDLQG Mũi Né, có vỉa hè thông thoáng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cho người dân, du khách và phát triển du lịch.

Tuy nhiên, việc mở rộng đường, vỉa hè vẫn chưa giải quyết câu chuyện thiếu vắng một số tiện ích công cộng khác như công viên, điểm vui chơi giải trí chung, bãi biển gần.

Trong khi đó, theo góc nhìn của tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nếu muốn xây dựng các resort, khách sạn sát biển phải chọn khu vực xa thành phố, vắng người. Song, các resort cũng không nên nối đuôi nhau.

Với trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ, ông Sơn cho rằng về nguyên tắc, cứ khoảng 200-400 m phải có lối ra biển hoặc khu vực bãi biển công cộng xen kẽ để bãi biển chung không thành tài sản của tư nhân.

Khi quy hoạch các dự án ven biển tại trung tâm thành phố phải thỏa thuận với nhà đầu tư. Họ có thể đầu tư các dịch vụ cho thuê ghế ngồi, phục vụ nước uống với giá cao hơn nhưng phải mở lối ra biển cho người dân.

“Nhìn nhận vấn đề rộng hơn, nếu dự án tư nhân hóa bãi biển, kinh tế ở phía Tây của biển Mũi Né sẽ khó phát triển, người dân sẽ mất đi nhiều quyền lợi", ông nói.

resort ven bien anh 5

Người dân tắm biển tại bãi đá Ông Địa, Mũi Né. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ở góc độ khác, tiến sĩ Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng việc địa phương cho thuê gần như toàn bộ đất ven biển như Mũi Né dẫn đến bãi tắm công cộng bị hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

"Đây thực chất là một dạng 'apartheid (phân biệt) không gian giải trí', nơi mà khả năng tài chính quyết định chất lượng trải nghiệm biển mà một người có thể có được. Ví dụ như ở Mũi Né, khi gần như toàn bộ bờ biển được cho thuê, người dân địa phương phải chen chúc trong những khu vực hạn hẹp còn lại, trong khi khách du lịch có tiền thì thoải mái tận hưởng những bãi biển đẹp nhất", bà nói.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Vũ Triết Minh, giảng viên bộ môn Du lịch, Khoa tiếng Pháp (Đại học Sư Phạm TP.HCM), nhận định bờ biển dài chính là nguồn tài nguyên mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nước ta. Do đó, đây là một hệ sinh thái rất nhạy cảm, đặc biệt đối với việc bê tông hóa.

Địa phương cần cân đối phát triển kinh tế du lịch và bảo vệ môi trường, điều kiện sống của dân cư.

"Xây resort phải đốn cây cối, ảnh hưởng đến hàng rào tự nhiên chống cát bay. Nước thải từ các resort có thể ảnh hưởng đến dòng chảy ngầm, ảnh hưởng đến quá trình bồi tụ bờ biển, khiến cho hình dạng bờ biển thay đổi... chưa kể đến vấn đề 'ô nhiễm tầm nhìn'", ông Minh nói.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.

Bước đi muộn màng sau vụ trượt xe Jeep chết người ở Bình Thuận

Sự can thiệp muộn màng của UBND huyện Bắc Bình ngày 31/5 một lần nữa tô đậm sự lỏng lẻo trong công tác quản lý tại khu du lịch Bàu Trắng.

5 homestay view 'triệu đô' khi đến Phú Quý mùa đẹp nhất năm

Rì Rào Homestay, La Mer Boutique House, Màu của Nắng… là những homestay có phong cách riêng, mang "hơi thở" miền biển cho chuyến du lịch đến đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Tường Vi - Trúc Hồ

Bạn có thể quan tâm