Chia sẻ với Zing, chị A.T. (42 tuổi, sống ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết bản thân mắc Covid-19 cách đây khoảng một tháng. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 7-8 ngày, chị cảm thấy khó chịu ở da mặt nhưng chưa nổi mụn.
10 ngày sau, chị T. bắt đầu nổi mụn mủ trong khi trước đó da chị khỏe mạnh, không có mụn. Hiện mụn xuất hiện dày đặc ở một bên mặt gây mất thẩm mỹ khiến chị rất tự ti.
“Phụ nữ ghét nhất là mụn, đặc biệt ở mặt. Vì thế tôi quyết định đến bệnh viện để khám và điều trị”, chị tâm sự.
Người phụ nữ này cho hay con trai sau khỏi Covid-19 cũng bị dị ứng da, nổi mề đay, mẩn ngứa.
Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Bích Diệp. Ảnh: Minh Thuý. |
Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Bích Diệp, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết sau 2 tuần mắc Covid-19 chị T. bị mụn trứng cá dày đặc trên mặt. Trong quá trình nhiễm nCoV, bệnh nhân ăn uống bình thường, hay mất ngủ.
Theo nhận định của bác sĩ, trứng cá là một đáp ứng viêm. Khi bệnh nhân không ngủ ngon, stress kéo dài mụn sẽ bùng lên. Do đó, bệnh nhân không nên trang điểm để điều trị mụn mủ, mụn bọc.
Vị này nhận định tình trạng mụn trứng cá của chị T. không quá nặng. Tuy nhiên, nếu không can thiệp, xử lý sớm có thể để lại tổn thương trên da như sẹo, tăng sắc tố tồn tại lâu, dai dẳng.
Bệnh nhân cần chăm sóc da tích cực bằng việc làm sạch da đúng quy trình, sử dụng thuốc bôi tại chỗ nhằm kiềm dầu, giảm viêm. Trường hợp bị mụn quá nặng phải dùng thuốc điều trị toàn thân.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện thêm các thủ thuật chăm sóc da để đưa thuốc giảm viêm mụn trực tiếp vào vùng da tổn thương để tăng hiệu quả điều trị. Đồng thời, người bệnh nên sinh hoạt điều độ, tập thể dục nhẹ nhàng, bổ sung nhiều nước, hoa quả, hạn chế đồ ngọt, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thịt đỏ.