Tôi đọc báo thấy cơ quan chức năng phát hiện một số trường hợp mượn chứng minh nhân dân hoặc giấy đi đường của người khác để vượt qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Theo luật hiện hành, việc làm của những người mượn giấy tờ tùy thân để được đi lại trong giãn cách xã hội bị xử phạt như thế nào?
Luật sư Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn luật sư Hà Nội
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng để kiểm soát việc người dân ra đường, hạn chế nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng.
Theo Nghị định 167/2013, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân hay giấy tờ tùy thân có giá trị tương đương, sẽ bị xử phạt hành chính.
Điểm a và c, Khoản 2 Điều 9 của nghị định nêu rõ người nào sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật, thì bị phạt 1-2 triệu đồng.
Khi ra quyết định xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra để áp dụng mức phạt cụ thể.
Ngoài bị xử lý theo điều luật nêu trên, người vi phạm còn bị xem xét xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức 1-3 triệu đồng với lý do tự ý rời khỏi khu vực giới hạn giãn cách, ra đường trong trường hợp không cần thiết.
Đáng chú ý, nếu người vi phạm đang thuộc diện cách ly tại nhà nhưng mượn giấy tờ của người khác để ra đường thì có thể bị xử phạt 5-10 triệu đồng về hành vi trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định tại Điều 11 Nghị định 117/2020.