Cuộc chiến MV ở thị trường nhạc Việt được cho là ngày càng khốc liệt. Nhiều ca sĩ Việt không ngại đầu tư tiền tỷ, mời khách mời nổi tiếng, chọn bối cảnh nước ngoài trong tham vọng có được MV lọt top trending, đạt lượt xem cao và gây bão mạng xã hội.
Trong bối cảnh MV đặc biệt được ưa chuộng, vai trò của đạo diễn MV cũng được đề cao hơn. Đồng thời, một thế hệ đạo diễn chuyên trị thực hiện MV cũng đã hình thành trên thị trường.
Để có góc nhìn, đánh giá của dân trong nghề về mặt bằng đạo diễn MV hiện nay, Zing.vn đã tìm đến đạo diễn Vũ Lâm - một trong những đạo diễn MV có tiếng ở thị trường Hà Nội - với các MV như Phố không mùa (Bùi Anh Tuấn), Giữ lại hạnh phúc (Thu Phương) hay Về với đông (diva Hồng Nhung). Anh cũng là thầy của Vũ Hồng Thắng - đạo diễn MV Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc).
Vũ Lâm là đạo diễn có tiếng ở Hà Nội, đứng sau thành công của các MV như Cao nguyên đá - Ngũ Cung, Hồ Gươm sáng sớm (Hoàng Hải), Giữ lại hạnh phúc (Thu Phương) hay Phố không mùa (Bùi Anh Tuấn). |
"Đạo diễn MV thường khôn lỏi hơn là tài hoa"
- Là người trong nghề, anh đánh giá như thế nào về vai trò của đạo diễn trong MV hiện nay?
- Đạo diễn ở Việt Nam thường chỉ tập trung vào phim. Do vậy, người ta vẫn thường nhắc nhiều hơn đến đạo diễn phim thay vì đạo diễn âm nhạc. Về cơ bản, các đạo diễn cũng thường không phải dân nhạc, không nhiều đạo diễn giỏi về nhạc như anh Cao Trung Hiếu. Đó là một thực tế.
Tuy nhiên, đạo diễn là những người có cái đầu tổng hợp, do vậy, có thể đảm nhận nhiều vai trò. Tất nhiên, rất khó để bắt anh phải giỏi tất cả, mà, ôm đồm nhiều quá cũng không phải tốt. Nhưng về nguyên tắc, đạo diễn có cái nhìn bao quát rất tốt, do vậy, có vai trò không nhỏ khi tham gia vào các sản phẩm âm nhạc, trong đó có MV.
- Đạo diễn MV chỉ lo phần hình ảnh, thường không can thiệp vào khâu sản xuất âm nhạc. Thực tế như thế nào?
- Nhận định đạo diễn MV chỉ được làm kịch bản, hình ảnh và đứng sau hiện trường là không phải. Thực tế trong quá trình sản xuất, đạo diễn có quyền can thiệp vào biên tập âm nhạc, thậm chí tư vấn cả việc hòa âm – phối khí, quan trọng là làm một sản phẩm hiệu quả, hòa hợp.
- Trong bối cảnh MV bùng nổ như “nấm sau mưa”, các đạo diễn MV cũng nhận được nhiều sự săn đón. Theo anh, đạo diễn MV có thể coi là một nghề ở thị trường được chưa?
- Đạo diễn MV thực tế không phải khái niệm mới. Từ thời kỳ của Michael Jackson đã mở ra hướng sản xuất những MV mang tính câu chuyện và hiện cả thế giới vẫn đang làm theo, trong đó có thị trường ở Việt Nam.
Đạo diễn MV đã được ưa chuộng từ rất lâu nhưng quan điểm của tôi đó không phải là nghề và chưa bao giờ là một nghề. Ở các trường điện ảnh cũng chỉ dạy đạo diễn, chứ chẳng ai dạy... đạo diễn làm MV.
Ngay cả một số đạo diễn trẻ hiện nay cũng là học làm đạo diễn qua làm phim, chứ không phải học qua MV. Thậm chí trong MV, gọi là đạo diễn cũng có phần hơi quá vì tính chất của MV không thể so sánh với điện ảnh.
Đạo diễn MV vẫn mang tính chất “khôn lỏi” nhiều hơn, chứ chưa phải là tài hoa. Thế nên, rất khó để coi các MV, dù lượt xem cao là một sản phẩm gì đó chứa đựng giá trị nghệ thuật quá lớn lao.
- Anh nói vậy, với cả chính những MV của mình như “Phố không mùa” (Bùi Anh Tuấn) hay “Giữ lại hạnh phúc” (Thu Phương), đều có hàng triệu lượt xem cả?
- Kịch bản của Giữ lại hạnh phúc chỉ có 5 dòng, không có gì ghê gớm. Tôi nói vậy để muốn khẳng định rằng bản thân tôi cũng không quá đề cao các sản phẩm MV của chính mình, dù nó là một thực tế của thị trường.
Nhưng tôi làm MV là vì thích âm nhạc và biết làm phim. Tuy vậy, hiện nay, nếu công việc này được săn đón và các đạo diễn trẻ có thể kiếm được tiền tốt từ đó thì cũng tốt.
- Như vậy, khoảng cách giữa vai trò đạo diễn MV với đạo diễn điện ảnh là có tồn tại?
- Điều đó đương nhiên và là một con đường rất dài. Tôi lấy ví dụ ngay trường hợp của Kawaii Tuấn Anh. Tuấn Anh làm MV Em gái mưa và nhiều MV thành công về lượt xem, hiệu ứng nhưng khi chuyển sang làm phim điện ảnh Em gái mưa thì không thành công cho lắm.
Tuy nhiên, hiệu quả là sau khi làm phim điện ảnh, Tuấn Anh lại trở thành gương mặt giàu tính phim khi làm MV. Sau này, ngay cả những MV quảng cáo, Tuấn Anh cũng rất tốt về mặt điện ảnh. Khi Kawaii Tuấn Anh có cơ hội được làm phim, bạn ấy đã có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm để phục vụ cho chính công việc làm MV của mình.
Đinh Hà Uyên Thư là đạo diễn của nhiều MV triệu view. Nữ đạo diễn làm các MV như Mời anh vào team em, Còn yêu đâu ai rời đi, Càng níu giữ càng dễ mất... hay mới đây là loạt sản phẩm có thể kể đến như Sáng mắt chưa, Truyền thái y, Ai cần ai, Chân ái. |
"Đinh Hà Uyên Thư làm nhiều nhưng chưa có màu riêng"
- Anh đánh giá như thế nào về chất lượng của các MV hiện nay?
- Có những sản phẩm tốt nhưng nhìn chung mọi người làm vẫn giống nhau lắm, không ra được màu sắc riêng của đạo diễn.
- Trong các đạo diễn của thị trường MV hiện nay, theo anh, ai đang nổi bật?
- Tôi sẽ không nhận xét ai giỏi nhất, ai đang nổi bật. Tôi chỉ chia MV thành bốn nhánh khác nhau với những gương mặt đạo diễn khác nhau.
Nhóm thứ nhất, tôi gọi là nhóm copy-paste. Nói thật là vậy nhưng không sao cả, đó là một cách. Và cách này cả thế giới đều sử dụng, chứ không phải Việt Nam, mình không nên lên án và không có gì để lên án. Bởi lẽ sáng tác nghệ thuật hay làm phim là ảnh hưởng lẫn nhau. Bị ảnh hưởng đôi khi là cần thiết trước khi có con đường của riêng mình. Nhóm này có Denis Đặng với nhiều MV có lượt xem cao.
Nhóm thứ hai là MV ngôn tình ví như Kawaii Tuấn Anh hay Vũ Hồng Thắng. Đây là những MV tình yêu, có yếu tố drama.
Nhóm thứ 3 là các đạo diễn MV của giới indie, underground. Các sản phẩm này hướng tới sự tự do, kinh phí thấp, phù hợp với thế giới ngầm và vẫn có chất riêng.
Cuối cùng là nhóm mỳ ăn liền. Chất lượng nhóm này không thể bằng các nhóm kia. Làm kiểu này hàng ngày không biết bao nhiêu MV có thể được ra mắt.
Trong cả bốn nhóm trên, cũng sẽ luôn có những người tiên phong của từng nhóm. Tôi cho rằng họ cũng có đóng góp vào màu sắc đa dạng của thị trường.
- Hãy nói về một cái tên, ví như Đinh Hà Uyên Thư – một trong những đạo diễn MV được ưa chuộng nhất hiện nay. Anh có góc nhìn như thế nào về các sản phẩm của Đinh Hà Uyên Thư?
- Tôi biết là Đinh Hà Uyên Thư làm rất nhiều nhưng khi xem tôi vẫn không nhận ra chất riêng của Thư. Tôi nói thẳng và thật là như vậy. Gần đây, tôi có xem MV của Phạm Thùy Dung do Thư đạo diễn, tôi cũng không nhận ra. Tôi không hiểu tại sao Đinh Hà Uyên Thư lại làm nhiều như vậy.
Denis Đặng là giám đốc sáng tạo trong MV triệu view như Mời anh vào team em, Canh ba, Chân ái... |
"Con số một tỷ cho một MV là bình thường"
- Trong cuộc chiến MV, ca sĩ không ngại chi tiền tỷ để thực hiện sản phẩm. Làm một MV thực sự phải ngốn tiền như vậy?
- Dân trong nghề đều biết, làm MV thậm chí còn vất vả hơn làm phim, do những đòi hỏi về thời gian và kinh phí. Những đạo diễn khác thì tôi không biết chính xác, nhưng những MV tôi làm, ê-kíp thường khoảng 80 người, có những MV có tới 4-6 xe thiết bị.
Do vậy, kinh phí đầu tư là không nhỏ. Con số một tỷ đồng cho MV mà nhiều ca sĩ hiện nay đầu tư là bình thường. Nhưng ngay cả một tỷ đồng, chuyện làm một MV thành công cũng không hề đơn giản.
- Nhưng MV "Anh đếch cần gì ngoài em" của Đen Vâu, được đạo diễn Thành Đồng tiết lộ là mất 0 đồng. Điều đó cho thấy không phải MV ít tiền là không thể thành công?
- Đó là giá trị của ý tưởng, của âm nhạc, lại là câu chuyện khác. MV Mùa đông của Đinh Mạnh Ninh cách đây vài năm do tôi làm đạo diễn cũng chỉ mất có 800.000 đồng. Đơn giản là vì MV đó, tôi tự sản xuất, tự quay, tự dựng và tự làm ánh sáng. Nhìn chung, nếu ê-kíp ít người, kinh phí sẽ giảm đi. Nhưng hiện nay đa phần MV được đầu tư lớn, công phu, nhiều người.
- Cuộc chiến MV, theo anh, mang lại điều gì cho thị trường?
- Sự sôi động!