Theo ABC News, tính đến ngày 1/9, cả nước Mỹ ghi nhận ít nhất 31 trẻ có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Số ca mắc là trẻ em được ghi nhận tại 11 bang, riêng bang Texas có đến 9 ca ở người chưa thành niên.
Trong khi đó, bang Florida phát hiện 2 trẻ dưới 4 tuổi mắc bệnh truyền nhiễm này. Một ca ở hạt Brevard và ca còn lại ở hạt Monroe.
Nhân viên y tế tiến hành tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại Los Angeles hồi cuối tháng 8. Ảnh: Getty Images. |
Tháng trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo trẻ dưới 8 tuổi nhiễm đậu mùa khỉ có thể tiến triển bệnh nghiêm trọng hơn.
Từ khi phát hiện ca đầu tiên hồi giữa tháng 5 tại Massachusetts, đến nay, Mỹ có ít nhất 18.417 người nhận kết quả dương tính với đậu mùa khỉ, ở khắp 50 tiểu bang. Con số này dự kiến tiếp tục tăng.
California hiện có nhiều ca nhất - 3.291 trường hợp. Số ca bệnh tại New York thấp hơn không đáng kể (3.273 ca). Các bang Florida, Texas, Georgia. Illinois đều ghi nhận trên 1.000 ca.
Phần lớn ca mắc đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này lây nhiễm do tiếp xúc da giữa những người quan hệ tình dục đồng giới nam. Tuy nhiên, cả CDC và Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh hiện chưa có bằng chứng đậu mùa khỉ là bệnh tình dục và mọi người đều có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần trong thời gian dài.
Đậu mùa khỉ là bệnh hiếm gặp do virus đậu mùa khỉ (cùng họ với virus variola gây bệnh đậu mùa) gây ra. Triệu chứng của đậu mùa khỉ tương tự đậu mùa nhưng ít nghiêm trọng hơn và hiếm khi dẫn đến tử vong.
Trong khi đậu mùa được tuyên bố xóa sổ trên toàn thế giới vào năm 1980, đậu mùa khỉ tiếp tục là dịch bệnh đặc hữu tại châu Phi. Ở đây, dịch chủ yếu bùng phát ở khu vực rừng nhiệt đới, nông thôn ở các nước Trung và Tây Phi. Theo WHO, virus này thỉnh thoảng lây lan sang nước khác nhưng hiếm khi lan khỏi châu Phi.
Hiện tại, CDC đưa ra 2 loại vaccine có thể dùng để ngừa đậu mùa khỉ nhưng chỉ một loại Jynneos được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Nguồn cung và khả năng tiếp cận vaccine còn hạn chế.
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm từ động vật. Điều đó có nghĩa nó có thể lây từ động vật sang người hoặc lây từ người mang mầm bệnh sang người khỏe mạnh.
Virus được phát hiện năm 1958 khi một đàn khỉ trong phòng thí nghiệm ở Đan Mạch bùng phát dịch bệnh gần giống thuỷ đậu. Dù mang tên đậu mùa khỉ, nguồn gốc virus vẫn chưa được xác định.
Ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Bệnh nhân là một bé trai mới 9 tháng tuổi. Trước năm 2022, phần lớn ca mắc ở người đều xảy ra ở Congo và Nigeria.
Năm 2003, 47 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ được phát hiện tại 6 bang ở Mỹ, bao gồm Illinois, Indiana, Kansas, Missouri, Ohio, Wisconsin. Tất cả ca mắc nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với chó cỏ được nuôi gần các động vật có vú nhập từ Ghana. Trong đợt bùng phát đó, cơ quan y tế không phát hiện bằng chứng cho thấy dịch lây từ người sang người hay gây tử vong. Đó cũng là lần đầu tiên có ca mắc đậu mùa khỉ ở người bên ngoài châu Phi.
Theo WHO, trong năm 2022, thế giới ghi nhận hơn 41.600 ca mắc đậu mùa khỉ, ít nhất 12 người chết, tại 96 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các ca mắc chủ yếu xảy ra ở Mỹ.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).