Nấc cụt là hiện tượng bình thường, xuất hiện ở một số thai nhi. Ảnh: Freepik. |
Mẹ bầu thường bắt đầu cảm thấy các cử động của thai nhi từ khi thai nhi được 16-20 tuần tuổi. Các yếu tố như vị trí bánh nhau, cân nặng người mẹ có thể ảnh hưởng đến việc cảm nhận cử động thai sớm hay muộn. Khi lớp mỡ thành bụng mỏng hơn, người mẹ có khả năng cảm nhận cử động thai sớm và rõ hơn.
Trong thai kỳ, phụ nữ có thể cảm nhận được nhiều loại cử động khác nhau của thai nhi. Bên cạnh những cú đạp, thúc hay lăn tròn, mẹ bầu cũng có thể cảm nhận được thai nhi giống như đang nấc cụt.
Thai nhi đạp hay nấc cụt?
Di chuyển xung quanh hoặc thay đổi tư thế là cách tốt nhất để thai phụ xác định em bé đang đạp hay nấc cụt.
Theo ThS.BS Lê Võ Minh Hương, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), đôi khi, con sẽ đạp nếu chúng không thoải mái ở một tư thế hoặc khi đồ ăn người mẹ nạp vào làm kích thích giác quan của chúng.
Nếu người mẹ thấy những cử động này xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau của bụng hoặc dừng lại khi mẹ đổi tư thế, đây có thể chỉ là những cử động đạp của thai nhi.
Nếu sau khi người mẹ ngồi yên và cảm thấy có những co thắt theo nhịp từ một vùng bụng, lúc này, có thể thai nhi đang nấc cụt. Nấc cụt là cử động nhịp nhàng hơn so với các cử động khác.
Thai phụ có thể bắt đầu cảm nhận được thai nhi nấc cụt từ tháng thứ 4. Theo BS Hương, không phải tất cả thai nhi đều nấc cụt, do đó, nếu không cảm nhận được cử động này, người mẹ cũng không nên lấy làm lạ.
Nấc cụt có phải hiện tượng bất thường?
Khoa học chưa lý giải được nguyên nhân thai nhi nấc cụt trong tử cung.Trên thực tế, cử động nấc cụt của thai cũng tương tự ở trẻ em và người lớn. Không phải tất cả thai nhi đều có nấc cụt, trong khi đó, một số thai lại nấc cụt khá thường xuyên.
"Một giả thiết cho rằng nấc cụt liên quan đến sự phát triển và trưởng thành phổi của thai. Tuy nhiên, điều này chưa được chứng minh", BS Hương cho hay.
Y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra nấc cụt ở thai nhi. Ảnh: Freepik. |
Mặc dù khó xác định chính xác nguyên nhân thai nhi nấc cụt, hầu hết trường hợp thai nhi nấc cụt là phản xạ bình thường và là một phần tự nhiên của thai kỳ.
Sau 32 tuần, hiếm khi thai nhi nấc cụt mỗi ngày. Thai nhi nấc cụt thường xuyên không phải là một hiện tượng bất thường, nhưng nó có thể là biểu hiện của việc dây rốn bị chèn ép hoặc sa.
Tuy nhiên, y học chưa có nghiên cứu cũng như bằng chứng đáng tin cậy trên người về vấn đề này. Khi có vấn đề về dây rốn, thai nhi có thể gặp phải các biến chứng sau:
- Thay đổi huyết áp và nhịp tim thai.
- Tăng nồng độ CO2 trong máu thai.
- Tổn thương não.
- Thai chết lưu.
Nếu lo lắng khi em bé của mình nấc cụt quá thường xuyên, thai phụ có thể đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe thai.
Cách giúp thai nhi ngừng nấc cụt
Cơn nấc cụt của thai nhi có thể khiến người mẹ mất tập trung nhưng không gây đau và thường không kéo dài quá 15 phút.
Theo BS Hương, trong trường hợp các cử động thai khiến người mẹ không thoải mái hay mất ngủ, thai phụ có thể thử một số cách sau:
- Nằm nghiêng về bên trái.
- Sử dụng gối mềm kê dưới bụng để giảm bớt áp lực lên bụng và cột sống.
- Áp dụng chế độ ăn đa dạng và lành mạnh.
- Thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ hoặc yoga.
- Uống đủ nước.
- Nên có một giấc ngủ ngắn ban ngày và đi ngủ đúng giờ.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.