Flex, deinfluencer, chữa lành, AI là 4 từ được nhắc đến nhiều trong năm 2023. Mỗi từ này cũng gắn với một trào lưu đáng chú ý, được cộng đồng mạng tích cực hưởng ứng hoặc quan tâm do có ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, cuộc sống của mọi người.
Flex
Flex vốn chỉ là một từ lóng tiếng Anh nhưng đã trở thành trào lưu gây sốt với giới trẻ Việt Nam trong năm 2023.
Flex bắt đầu được sử dụng rộng rãi kể từ những năm 1990, nói về “lòng dũng cảm giả tạo” hoặc “sự khoe mẽ vô duyên” trong văn hóa Âu Mỹ.
Từ này trở nên phổ biến hơn nữa vào năm 2014 nhờ ca khúc No Flex Zone của bộ đôi Rae Sremmurd và từ đó được sử dụng rộng rãi trong giới hiphop.
Flex trở thành trào lưu gây sốt trong năm 2023. Ảnh: NBAE. |
Giữa năm 2023, flex bất ngờ lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam. Dưới góc nhìn hài hước của Gen Z, hành động khoe mẽ được coi là một "kỹ năng" đặc biệt.
Một nhóm chuyên flex trên Facebook đã có hơn 1 triệu thành viên chỉ sau 2 tháng thành lập. Rất nhiều người nổi tiếng cũng tham gia nhóm và có các bài đăng nhận được hàng trăm nghìn lượt tương tác.
Mọi người flex từ công việc, học vấn, tình yêu, gia đình cho đến tuổi tác, thú cưng... Đôi lúc thứ được flex không quan trọng bằng cách khoe khoang tinh tế, bất ngờ, hài hước như thế nào.
Deinfluencer
Deinfluencer là một xu hướng truyền thông xã hội mới nổi nhằm ngăn cản người tiêu dùng mua một số sản phẩm bị các influencer quảng cáo quá lố, không đáng tiền.
Trào lưu này xuất hiện khi mạng xã hội trở thành phương tiện quan trọng trong tiếp thị sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là đối với người tiêu dùng trẻ tuổi. Một nghiên cứu được CNN trích dẫn hồi tháng 6 cho thấy 87% số người được khảo sát đã theo dõi một thương hiệu, truy cập trang web của thương hiệu đó hoặc mua hàng trực tuyến sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội.
Các thương hiệu và công ty trả tiền cho những người có ảnh hưởng để quảng bá hàng hóa, trải nghiệm dịch vụ thay cho những người theo dõi.
Deinfluencer thường chê bai các sản phẩm được quảng cáo quá lố. Ảnh: Juliette Toma/The Times. |
Nói tóm lại, trong khi influencing (gây ảnh hưởng) là cố gắng thuyết phục người dùng mạng xã hội mua một số sản phẩm nhất định, thì deinfluencing (giảm ảnh hưởng) lại ngăn cản mọi người chi tiền mua hàng.
Tại Việt Nam, deinfluencing thể hiện ở trào lưu làm clip review chê bai từ đồ gia dụng cho đến đồ ăn, hàng quán. Bên cạnh ý kiến cho rằng trào lưu chê thay vì khen có thể khiến các KOL/KOC phải làm việc nghiêm túc hơn, trung thực hơn khi review hàng hóa, nhiều người cũng lo ngại động cơ thực sự của các deinfluencer.
Những người giảm ảnh hưởng có thể cố tình "vạch lá tìm sâu" để các clip review được chú ý hơn, hoặc chỉ chê những thương hiệu đối thủ. Trong lĩnh vực ẩm thực, việc khen chê đôi khi mang tính cá nhân nên cũng rất dễ gây tranh cãi.
Chữa lành
Chữa lành là một trong những từ được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội trong năm qua. Nhiều người cho rằng đây là nhu cầu tất yếu sau khi con người trải qua giai đoạn dịch bệnh, kinh tế nhiều biến động.
Chữa lành có thể được hiểu là xoa dịu, chuyển hoá cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, tổn thương về trạng thái an yên, thoả mãn với hiện tại để có thêm động lực, niềm tin vào bản thân. Chữa lành có thể được hiểu đơn giản hơn là hướng con người đến những điều lạc quan, tích cực.
Trong năm 2023, chữa lành không chỉ là khái niệm nằm trong các cuốn sách self-help, hạt giống tâm hồn, mà đã có một "thị trường" rộng lớn hơn. Mọi người tìm đến chữa lành thông qua các khóa học thiền định, trở về với thiên nhiên, âm nhạc, phim ảnh, podcast, tour du lịch, workshop…
Tuy nhiên, sau một thời gian được nhắc đến quá nhiều, hai từ "chữa lành" bắt đầu có dấu hiệu bị hiểu sai, dùng sai và lạm dụng. Trên mạng xã hội, các clip châm biếm với tiêu đề "chữa rách những vết thương đã lành" hay "chữa lành thành què" xuất hiện ngày càng nhiều.
Nhiều người cho rằng từ "chữa lành" đang bị hiểu sai và lạm dụng. Ảnh: iulianionescu. |
AI
Từ cuối năm 2022, khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT, trí tuệ nhân tạo (AI) được nhắc đến nhiều hơn, cả trong công việc và cuộc sống thường ngày.
Byron Reese, doanh nhân công nghệ và là tác giả của cuốn sách The Fourth Age: Smart Robots, Conscious Computers, and the Future of Humanity, gọi 2023 là "năm của nỗi sợ hãi AI".
Con người vẫn có những cảm xúc trái ngược đối với AI, nhất là những suy đoán trí tuệ nhân tạo sẽ tác động như thế nào đối với thị trường lao động.
Theo khảo sát của Adobe, 47% Gen Z cho rằng AI sẽ giúp cải thiện cuộc sống, trong khi chỉ 11% nhận định trí tuệ nhân tạo sẽ khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Điều này chứng tỏ Gen Z khá lạc quan về triển vọng của AI. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tại nơi làm việc là một trong những mối quan tâm hàng đầu.
Theo khảo sát của Morning Consult, 73% Gen Z cho rằng AI sẽ gia tăng số lượng việc làm mới, làm tăng năng suất và hiệu quả trong nhiều ngành nghề.
Bên cạnh cái nhìn lạc quan, Gen Z cũng có những lo lắng nhất định.
Gen Z hiểu rằng sự hiện diện của AI tại nơi làm việc là không thể tránh khỏi, nhưng chỉ 23% số người được Adobe khảo sát bày tỏ sự hào hứng với những công nghệ mới.
Trong cuộc khảo sát của ZipRecruiter, 76% Gen Z lo ngại sẽ mất việc vì ChatGPT. Hầu hết công việc cấp thấp được coi là bệ phóng đầu tiên cho sự nghiệp của người trẻ, nhưng đó cũng là nơi AI đang phát triển mạnh nhất.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.