Giáp Vũ Sơn Hà trở về Việt Nam chiều 31/7. Ảnh: NVCC. |
Chiều 29/7, trong buổi công bố kết quả kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (IChO) 2024 tại Arab Saudi, dưới hàng ghế thí sinh, Giáp Vũ Sơn Hà tỏ ra hồi hộp, lo lắng.
Giải được công bố theo thứ tự từ thấp đến cao. Khi thấy bản thân không có tên trong nhóm giành huy chương đồng và bạc, Hà hét lên sung sướng, ôm chầm lấy các bạn. Nam sinh vội gọi về nhà khoe với mẹ “Con giành được huy chương vàng rồi".
“Giây phút chính thức được xướng tên và cầm lá cờ Tổ quốc lên bục nhận giải, em vô cùng hạnh phúc và tự hào khi có thể góp chút sức nhỏ đưa Việt Nam ra với thế giới", chủ nhân huy chương vàng IChO chia sẻ.
Sơn Hà là cựu học sinh lớp 12 Hóa, trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Em là một trong ba học sinh Việt Nam đạt huy chương vàng ở IChO năm nay.
Hà có số điểm cao thứ 2 của đội Việt Nam, xếp thứ 18 trong số 327 học sinh đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành tích của nam sinh đã giúp đội tuyển Việt Nam xếp đồng hạng hai với Mỹ.
Từng cảm thấy thất bại khi giành huy chương bạc
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Sơn Hà cho biết từ những năm cấp 2, em nhìn nhận bản thân có sở trường ở các môn tự nhiên, gồm cả Toán, Vật lý, Hóa và Sinh học, nhưng thích cách tư duy của môn Hóa hơn.
“Hóa học đòi hỏi tư duy lắp ghép, xoay chuyển mới lạ. Em cũng rất thích các thí nghiệm Hóa học, tìm được niềm vui khi thực hành. Vì vậy, em dành nhiều thời gian hơn để theo đuổi môn học này", nam sinh chia sẻ.
Năm lớp 9, với giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học, Hà được tuyển thẳng vào lớp chuyên Hóa của trường THPT chuyên Bắc Giang.
Gặp Hà trong những ngày đầu lớp 10, thầy Vương Trường Sơn (giáo viên môn Hóa, trường THPT chuyên Bắc Giang) ấn tượng với Hà là một học sinh thông minh, sáng tạo, có khả năng phát hiện vấn đề. Nam sinh có khả năng tự học, tự nghiên cứu rất tốt. Em nằm trong đội tuyển Hóa của trường.
“Mọi bài tập được giao, Hà đều hoàn thành tốt và chủ động xin thêm tài liệu để tự học”, thầy Sơn nói.
Sơn Hà cho hay từ lớp 10, khi bắt đầu học Hóa chuyên sâu, em nhận ra kiến thức không chỉ có ở trên lớp. Nam sinh chú trọng học tiếng Anh học thuật để có thể tự nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành từ các bài báo, nghiên cứu khoa học quốc tế.
Năm lớp 11, Hà bắt đầu góp mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa và đạt giải nhất, đứng thứ 3 của cả nước. Vào vòng thi chọn đội tuyển thi quốc tế và khu vực (vòng 2), Hà xếp thứ 6, được chọn đi thi Olympic Hóa học quốc tế Abu Reikhan Beruniy tại Cộng hòa Uzbekistan hồi tháng 6/2023. Thế nhưng, đây lại là kỳ thi để lại cho nam sinh bài học lớn nhất.
Được xướng tên với huy chương bạc, là thí sinh có điểm thi lý thuyết cao nhất đoàn Việt Nam (57,85/70 điểm), Sơn Hà vẫn cảm thấy “bản thân thất bại". Nam sinh cho hay với giải nhất quốc gia, được chọn đi thi quốc tế từ lớp 11, em nghĩ “như vậy là quá đủ, quá ổn rồi". Dần dần, suy nghĩ ấy khiến em chủ quan khi làm bài thi thực hành, chỉ thiếu ít điểm để giành huy chương vàng.
“Ngay lúc lên nhận giải, em đã cảm thấy suy sụp, thất vọng. Huy chương bạc này như một ‘cú tát’ làm em tỉnh lại, là bài học khiến em phải nhìn nhận lại bản thân. Em còn nhiều kiến thức chưa biết, nhiều thứ còn phải học”, Hà bộc bạch.
Đội tuyển Việt Nam dự thi IChO 2024 đoạt 3 huy chương vàng và một huy chương bạc, đồng hạng 2 với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
Kết thúc phổ thông trọn vẹn với huy chương vàng
Trở về Việt Nam sau kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Abu Reikhan Beruniy 2023 trong sự chào đón của thầy cô, bạn bè, song trong lòng Hà vẫn luôn có cảm giác thất bại. Thầy Sơn cho biết ngay sau đó, tổ Hóa của trường đã họp và rút kinh nghiệm, tìm ra điểm yếu của Hà để khắc phục.
Ngay mùa hè năm đó, nam sinh đã bắt tay vào ôn tập, quyết tâm chinh phục huy chương vàng vào năm sau.
“Nhưng cũng mất hơn một tháng, em mới hoàn toàn lấy lại được tinh thần. Thầy Sơn đã giúp em vực dậy, vừa an ủi, vừa thôi thúc em tìm ra điểm yếu để có kế hoạch ôn tập hiệu quả", Hà chia sẻ.
Năm lớp 12, nam sinh thi học sinh giỏi quốc gia và giành giải nhất, là thủ khoa toàn quốc ở môn Hóa học. Bước vào vòng 2, Sơn Hà nói đây là giai đoạn căng thẳng nhất với em bởi phải cạnh tranh với 32 thí sinh xuất sắc của cả nước để lọt vào đội tuyển 4 người đi thi quốc tế.
Lúc này, lượng kiến thức cũng tăng vượt bậc, Hà cảm giác “không có giới hạn". Nếu không có chiến thuật học hợp lý cũng như ý chí, sự bền bỉ, các thí sinh khó có thể vượt qua cuộc thi.
Khi được chọn là một trong 4 học sinh đại diện cho đoàn Việt Nam đi thi quốc tế năm nay, Sơn Hà xác định đây là cơ hội duy nhất để vượt qua thất bại năm ngoái. Vì vậy, em tự nhủ phải giành được huy chương cao nhất.
IChO 2024 bao gồm một bài thi lý thuyết và một bài thi thực hành, mỗi bài thực hiện trong vòng 5 giờ. Hà bước vào kỳ thi với tâm thế bình tĩnh, ổn định, loại bỏ sự hưng phấn, chủ quan của năm ngoái. Nam sinh đánh giá đề thi thực hành năm nay có nhiều điểm mới và có tính thời sự, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tư duy tổng hợp, tỉ mỉ, cẩn thận trong các thao tác.
Ban đầu, khi mới đọc đề, Hà đã có chút bất ngờ, “hơi không làm chủ bản thân” vì đề bài không theo khuôn khổ các năm, em chưa được học bao giờ.
“Sau đó, em bình tĩnh, ổn định lại để tiếp tục bài thi. Khắc phục điểm yếu năm ngoái, năm nay, em làm bài thực hành tốt hơn”, Hà chia sẻ.
Giáp Vũ Sơn Hà và thầy Vương Trường Sơn tại IChO 2024 diễn ra tại Arab Saudi. Ảnh: NVCC. |
Ở bài lý thuyết, Hà đánh giá vẫn như mọi năm, đề cập tới những ứng dụng của hóa học trong công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường, vật liệu tiên tiến…
Tại IChO năm nay, thầy Vương Trường Sơn đã đồng hành cùng Hà đến Arab Saudi trong vai trò là quan sát viên tại cuộc thi. Chứng kiến giây phút đặc biệt của học trò, thầy giáo không tránh khỏi xúc động.
"Có thể nói thầy cô trong đoàn cũng hồi hộp như các em. Thành tích đạt được của Hà là cả quá trình rèn luyện, phấn đấu, bền bỉ suốt 3 năm học. Hà đã từng bước khắc phục điểm yếu, phát huy thế mạnh của bản thân để chinh phục được đỉnh cao", thầy Sơn đánh giá.
Duy trì niềm đam mê, Sơn Hà cho biết đã đăng ký nguyện vọng vào khoa Hóa học của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Trong tương lai, nam sinh dự định sẽ du học để tiếp tục chinh phục các bậc kiến thức cao hơn.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.