Nguyễn Lê Đông Hải tốt nghiệp đại học với GPA 3,98/4. Ảnh: NVCC. |
Ngày 19/5, Nguyễn Lê Đông Hải (sinh năm 2002, Quảng Ngãi) tốt nghiệp trường Đối ngoại Walsh (Đại học Georgetown, Mỹ) và trở thành một trong số ít sinh viên được đeo honor cords - dải dây danh dự được trao cho các sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc (summa cum laude).
Trong hệ thống khen thưởng của các trường đại học Mỹ, sinh viên ưu tú sẽ được được trao bằng danh dự có thêm các chữ cái Latinh - khác với bằng đại học thông thường. Các chữ Latin xuất hiện trong bằng tốt nghiệp được sắp xếp theo từng loại từ thấp đến cao là cum laude (tạm dịch: Vinh dự), magna cum laude (tạm dịch: Rất vinh dự) và summa cum laude (tạm dịch: Vinh dự tột đỉnh, xuất sắc).
Summa cum laude là danh hiệu học thuật danh giá nhất. Thông thường, chỉ khoảng 1-5% sinh viên của trường được trao danh hiệu này. Đông Hải là một trong số đó.
Đông Hải tốt nghiệp đại học và được đeo dải dây danh dự trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: VNCC. |
Đạt GPA 3.98/4 trong 3 năm học vượt
Cuối năm lớp 10, Đông Hải chuyển đến Mỹ du học với học bổng toàn phần của Học viện CATS Boston. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Hải nộp hồ sơ vào đại học và trúng tuyển 21 trường tại Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Singapore.
Sau khi chọn theo học chuyên ngành Kinh tế quốc tế tại trường Đối ngoại Walsh của Đại học Georgetown, nam sinh Quảng Ngãi quyết định học vượt để hoàn thành chương trình sớm thay vì học theo tiến độ thông thường. Dù vậy, nam sinh vẫn duy trì điểm GPA gần tuyệt đối (3.98/4) với bảng điểm toàn A và chỉ có 2 điểm A-.
Do học vượt, khối lượng học tập của Hải nặng hơn bạn bè cùng khóa. Trong những học kỳ đầu, nam sinh theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo nên thường xuyên thức trắng đêm để ôn thi hoặc hoàn thành các dự án cuối kỳ. Thời gian sau, nhận thấy việc cày ngày cày đêm ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần, nam sinh buộc phải chậm lại, học cách quản lý thời gian để không bị kiệt sức.
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, Đông Hải cho biết lý do cậu chọn học vượt là để tiết kiệm thời gian và tăng tính cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa sau khi tốt nghiệp và gia nhập thị trường việc làm.
Tiết kiệm chi phí cũng là một lý do để hải quyết tâm học vượt. Dù có học bổng của trường, chi phí sinh hoạt tại Washington vẫn rất đắt đỏ. Việc hoàn thành chương trình đại học chỉ trong 3 năm đã giúp Hải giảm khá nhiều gánh nặng tài chính cho bản thân và gia đình.
"Học vượt cũng là cơ hội để mình thử thách bản thân, buộc phải rèn tính kỷ luật, tự giác và kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả. Trong thời gian học vượt, bên cạnh kiến thức chuyên ngành, mình cũng rèn được những kỹ năng mềm quan trọng để chuẩn bị cho quá trình làm việc sau này", Đông Hải chia sẻ.
Duy trì thành tích học tập rất cao nhưng Đông Hải cho biết cậu không đặt nặng vấn đề điểm số mà quan tâm hơn về việc thu nạp và ứng dụng những kiến thức đã học được.
Trong thời gian học ở Mỹ, nam sinh thường xuyên gặp gỡ các giáo sư để trao đổi các kiến thức bài vở và học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm sống và làm việc.
Cũng trong thời gian này, Đông Hải gia nhập Phi Beta Kappa - hội học thuật danh dự lâu đời nhất nước Mỹ. Nam sinh Quảng Ngãi cũng tham gia Omicron Delta Epsilon - hội học thuật kinh tế quốc tế và Alpha Sigma Nu - hội học thuật lâu đời của Đại học Georgetown.
Đông Hải tranh luận trong một buổi toạ đàm giữa sinh viên và nghị sĩ quốc hội Mỹ. Ảnh: NVCC. |
Thực tập ở "big 4" kiểm toán, làm trợ lý nghiên cứu
Trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, thay vì nghỉ ngơi hoặc đi du lịch, Đông Hải lại dành toàn bộ thời gian đó để làm thực tập sinh. Nam sinh được nhận công việc thực tập tại PwC - công ty được mệnh danh là "big 4 kiểm toán" và McKinsey - công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, trong năm học, nam sinh cũng đã tranh thủ những buổi không lên lớp để làm trợ lý nghiên cứu cho các giáo sư và làm việc cho các viện nghiên cứu chính sách như Viện Brookings.
Đông Hải nói rằng những kinh nghiệm làm việc này giúp cậu áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, đồng thời giúp cậu hình thành kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn - những điều không được dạy ở trường đại học.
Ngoài thực tập, làm nghiên cứu, Đông Hải cũng học cách xây dựng các mối quan hệ (networking) ngay từ năm nhất đại học vì cậu nhận thấy các mối quan hệ sẽ mang lại những giá trị lâu dài để mở rộng kiến thức và phát triển bản thân.
Theo Hải, networking không chỉ xoay quanh việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mà còn giúp tạo nên một môi trường hỗ trợ lẫn nhau. Nam sinh luôn đặt mục tiêu tạo dựng các mối quan hệ tự nhiên và chân thành, dựa trên sự tôn trọng và tin cậy để cùng nhau phát triển.
Do đó, mặc dù bận rộn, Hải vẫn dành thời gian để giao lưu với bạn bè, tham gia các sự kiện xã hội và hội nhóm. Đây là dịp để cậu gặp gỡ và kết nối với những người trong lĩnh vực đang theo đuổi, đồng thời mở rộng tầm nhìn và khám phá những cơ hội mới.
Nhờ thành tích học tập, hoạt động xã hội cũng như kinh nghiệm làm việc tại nhiều tổ chức hàng đầu, Hải được Đại học Georgetown nhận vào chương trình thạc sĩ khoa học đối ngoại trước khi nhận bằng đại học. Như vậy, nam sinh sẽ chỉ mất 4 năm để lấy được bằng cử nhân và bằng thạc sĩ ở Mỹ.
Đối với người ham học hỏi như Đông Hải, chặng đường học tập trước mắt vẫn còn rất dài. Dù vậy, nam sinh vẫn luôn hướng về Việt Nam và quan tâm đến việc phát triển kinh tế bền vững ở quê hương.
Hải khẳng định dù học tập, làm việc ở đâu, cậu vẫn sẽ luôn hướng về Việt Nam và mong muốn đóng góp tài năng, kiến thức của mình để phát triển nền kinh tế nước nhà.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.