Ngày 20/9, câu chuyện về Bùi Đình Sơn (18 tuổi, ở xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) đỗ Học viện Hậu cần với 27,5 điểm (thừa 2,5 điểm) bị trả về nhà vì thiếu một quả thận bẩm sinh được nhiều người cảm thông. Gia cảnh của Sơn khó khăn, mồ côi bố mẹ, em vừa phụ hồ vừa kiếm tiền ăn học.
Sau quá trình cố gắng, Sơn đã nhận được giấy báo nhập học Đào tạo sỹ quan hậu cần cấp phân đội, trình độ đại học năm 2015 của Học viện Hậu cần. Tuy nhiên, khi khám lại sức khỏe các học viên, bác sĩ kết luận Sơn có một quả thận bẩm sinh nên phải dừng việc học.
Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng) cho biết, với những trường hợp không đủ sức khỏe, Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về việc tạo điều kiện cho các em. Thí sinh sẽ không mất quyền học đại học mà nhà trường sẽ cấp giấy xét tuyển bổ sung để nộp vào các trường ngoài quân sự.
Sơn và bà nội. Ảnh: Pháp luật TP HCM. |
“Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT cho các em chuyển sang theo đúng nguyện vọng 1, tức là chỉ cần bằng điểm là có thể vào học tại các trường theo nguyện vọng 1 chứ không phải xét nguyện vọng 2” – ông Tiến nói.
Bộ Quốc phòng cũng sẽ tạo điều kiện để thí sinh học hệ dân sự trong các trường quân sự.
Đại tá Vũ Xuân Tiến cho hay, nguyên nhân do khi sơ tuyển chưa thể khám chuyên sâu, nên không phát hiện những bệnh liên quan nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa…
“Sau khi trúng tuyển, học viên mới được thực hiện các khám nghiệm chuyên sâu như chụp tim, phổi, kiểm tra các chức năng thận... Trường hợp của em Sơn là sau khi thực hiện khám chuyên sâu mới phát hiện thiếu một quả thận”, đại tá Tiến thông tin.
Theo ông Tiến, em Sơn thiếu một quả thận bẩm sinh, không đạt sức khỏe loại 1 theo quy định nên không đủ điều kiện theo học Học viện Hậu cần. Học viên trường quân đội phải tham gia huấn luyện với nhiều kỹ năng, nếu không đủ sức khỏe sẽ không thể đảm bảo học tập và rèn luyện.