Trao đổi với Zing, Vĩ Lương (22 tuổi), sinh viên năm nhất Viện Quản trị Kinh doanh, ĐH Kinh tế, cho biết khi nhập học vào tháng 11/2021, anh thấy vinh dự.
Việc học tại Viện Quản trị Kinh doanh mở ra cho Lương một cánh cổng mới ngoài thể thao. Khi theo học tại ĐH Kinh tế và tham gia thi đấu, anh từng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, mỗi lần tập luyện mệt mỏi, anh không thể dành nhiều thời gian cho việc học tại trường như các sinh viên khác.
Vĩ Lương được mệnh danh là "nam thần" thể dục dụng cụ. Ảnh: Minh Thúy. |
Nhờ sự giúp đỡ của trường cùng cố gắng của bản thân (học online, phân bố thời gian hợp lý), chàng trai trẻ vượt qua khó khăn để học và thi đấu đạt kết quả cao.
Trong thời gian tới, Vĩ Lương tiếp tục nỗ lực cống hiến cho thể thao nước nhà, học tập chăm chỉ để có được bằng tốt nghiệp tại ĐH Kinh tế.
Trước đó, sau khi giành được huy chương vàng môn Thể dục dụng cụ, anh cảm thấy vui mừng, hạnh phúc. SEA Games 31 có ý nghĩa lớn đối với anh. Lần đầu tiên, Lương tham dự đấu trường này và đạt thành tích cao nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Lương tâm sự trong quá trình thi đấu anh phải đối mặt với không ít áp lực, vì thi đấu tại sân nhà. Để đạt được thành công, anh đã cố gắng, vượt qua những áp lực này.
Các vận động viên nhận bằng khen tại lễ tuyên dương sinh viên tài năng thể thao đạt thành tích tại SEA Games 31. Ảnh: Minh Thúy. |
Tại lễ tuyên dương, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế, khen ngợi các sinh viên đạt thành tích cao trong SEA games 31.
“Sẽ không là quá lời nếu như tôi gọi các em là những người hùng của dân tộc trong lĩnh vực thể thao. Các em đã mang lại niềm hân hoan và hạnh phúc cho toàn thể người dân Việt Nam”, ông nói.
Thông tin về việc đào tạo sinh viên là các vận động viên tại ĐH Kinh tế, ông Trúc Lê cho hay dựa trên định hướng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể thao, các vận động viên ngoài việc cống hiến cho sự nghiệp thể thao cần phải củng cố tri thức. Do đó, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng đề án đặc biệt với chương trình quản trị kinh doanh dành cho tài năng thể thao.
Thời gian học của các vận động viên kéo dài tới 6 năm, thay vì 4 năm như sinh viên bình thường. Vận động viên cần cân bằng thời gian thi đấu và học tập. ĐH Kinh tế đã đặt ra các bộ tiêu chí phù hợp, giữ vững chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra.
Trước sự quan tâm của dư luận về học lực của cầu thủ Đỗ Hùng Dũng, vị này cho biết do lịch thi đấu của Hùng Dũng khá dày đặc, lịch học sẽ được bổ sung để đảm bảo việc thi cử. Dự kiến, Dũng có thể phải học trong 6 năm. Dù vậy, tùy sự nỗ lực của sinh viên, các em có thể ra trường sớm hoặc muộn.