"Thu nhập tháng nào cũng giống tháng nào nhưng tiền chi tiêu tăng lên trông thấy. Có tháng, mình phải chi nhiều khoản phát sinh, không có tiền gửi về nhà hoặc dư ra”, Phạm Liễu (du học sinh Nhật Bản) tâm sự với Zing.
Thời gian gần đây, Liễu cùng không ít du học sinh trải qua những ngày cân nhắc chi tiêu cẩn thận khi giá cả thuê nhà hay các mặt hàng đều tăng.
Phạm Liễu đi làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt nhưng số tiền kiếm được không lớn. Ảnh: NVCC. |
Cạnh tranh việc làm, hoa mắt vì giá cả
Mặc dù đã sang được hơn 3 năm, thời gian này, Phạm Liễu hoa mắt khi giá cả hàng hóa tăng cao. Nữ sinh cho biết thuế sản phẩm tăng từ 8% lên 10%, các mặt hàng như trứng tăng từ 138 yen lên 198 yen, rau tăng từ 98 yen lên 138 yen.
Liễu đi làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt, nhưng số tiền từ việc làm thêm cũng khó thấm vào đâu nếu chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng, tiền học phí lại khá cao. Chưa kể, cô phải gửi tiền về nhà để phụ bố mẹ trả nợ.
Cũng là du học sinh Nhật Bản, Duy Nghĩa nhớ lại hơn 2 tháng trước, nam sinh “chân ướt, chân ráo” tới miền đất mới, đem theo số tiền ít ỏi chỉ đủ để mua sắm các vật dụng cần thiết và sinh hoạt trong thời gian ngắn.
Buổi sáng, nam sinh đi học. Chiều, cậu lao đi kiếm việc làm thêm. Tuy nhiên, do chưa thạo tiếng Nhật cộng với cạnh tranh cao, Nghĩa gặp khó khăn khi tìm việc.
May thay, được một người quen giới thiệu, Nghĩa vào làm ở xưởng rau với mức lương 992 yen/giờ (tương đương 172.000 đồng). Mỗi tuần, cậu làm tối đa 28 tiếng. Với 9,5 man (khoảng 17 triệu đồng) kiếm được trong tháng vừa rồi, nam sinh dành gần 10 triệu đồng đóng học phí. Số tiền còn lại, cậu dùng để chi tiêu và chưa thể dư ra tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ.
Trong thời gian ngắn du học Nhật Bản, Duy Nghĩa chứng kiến giá cả tăng cao so với hồi mới sang. Nam sinh tìm hiểu và biết do chi phí đầu vào nguyên liệu tăng cao, đồng yen mất giá nhanh chóng, nhiều mặt hàng thực phẩm ở Nhật Bản tăng trung bình 13% trong năm nay.
Canh cánh nỗi lo
Du học sinh tại nước khác cũng trải qua "bão giá". Đã một tháng nay, V.T. (sinh sống và học tập tại Leipzig, bang Sachsen, Đức) rơi vào tình cảnh đi siêu thị nhưng “nâng lên lại đặt xuống”, mua cầm chừng chứ không mang về nhiều đồ như trước.
“Bây giờ, đến các siêu thị, nhất là siêu thị hay cửa hàng đồ châu Á, cùng với số tiền đó, so với ngày trước, mình mua được ít hơn”, V.T. chia sẻ.
Nữ sinh cho biết cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động mạnh đến chuỗi cung ứng ở Đức khiến giá cả tăng vọt. Thậm chí, một số mặt hàng thực phẩm và đồ uống hay dầu ăn còn thiếu hụt. Nữ sinh vẫn mua được dầu ăn nhưng chỉ giới hạn mỗi người một chai và giá cao hơn trước.
Không những vậy, các khoản chi tiêu cố định như tiền nhà, điện, nước, mạng, bảo hiểm cũng có xu hướng tăng. Mặc dù không nhiều quá, mỗi khoản tăng một ít, cộng dồn vào thành một khoản kha khá.
Trong khi đó, Đức giới hạn giờ làm việc của du học sinh là 120 ngày/năm, mỗi tuần không quá 20 giờ. Vì thế, V.T. không thể thoải mái kiếm thêm thu nhập.
Cô đành tận dụng các ngày cuối tuần và ngày lễ để đi làm. Với khoản thu nhập nhỏ này cộng thêm tiền được rút trong tài khoản phong tỏa (mỗi sinh viên du học khi gia hạn cư trú phải có khoảng 10.000 euro để đảm bảo sinh hoạt, mỗi tháng chỉ được rút hơn 800 euro - PV), nữ sinh vẫn đủ sống nhưng không dư ra bao nhiêu. Điều này khiến cô e ngại cho thời gian tới khi giá cả tiếp tục tăng.
Trung Sơn (du học sinh tại TP Manchester, Anh Quốc) cùng chung tâm trạng lo lắng với V.T. Sơn cho biết thời gian tới, cậu có ý định thuê nhà mới vì hợp đồng ở nhà hiện tại hết hạn.
Tuy nhiên, nhà mới sẽ tăng hóa đơn điện nước lên đến hơn 50% so với giá cũ, điều này làm cho giá thuê nhà cao hơn rất nhiều so với dự định ban đầu của Sơn.
Theo nam sinh tìm hiểu, khí đốt, điện tăng giá do chi phí nhập khẩu tăng cao. Vì thế, dù công việc làm thêm ổn, Sơn vẫn khó tránh khỏi khó khăn khi thuê nhà mới. Nam sinh chưa tìm ra cách giải quyết cho bài toán sắp tới.
Mặc dù chưa bị ảnh hưởng nhiều ở thời điểm hiện tại, Sơn khá lo lắng khi sắp tới phải thuê nhà mới với nhiều chi phí cao hơn. Ảnh: NVCC. |
Loay hoay tìm cách thích nghi
Biết sẽ vất vả hơn, Sơn dự định tìm thêm công việc để tăng thu nhập. Ngoài ra, trước đây, cậu dành khoảng 20-30 bảng để đi chơi, ăn uống với bạn bè, chơi thể thao nhằm cân bằng giữa học tập, làm việc và cuộc sống. Nhưng hiện tại, nam sinh cân nhắc cắt bớt khoản này để bù đắp vào các khoản tăng lên.
"Mình sẽ phải tìm cách tăng thu nhập và giảm chi tiêu hơn nữa mặc dù hiện tại, mình đã sống rất tiết kiệm”, Sơn chia sẻ về những dự định sắp tới của bản thân để thích nghi với mùa bão giá hiện nay.
Cũng giống như Sơn, V.T. hạn chế ăn ngoài hàng quán. Nữ sinh thiết lập lại các khoản mua sắm cho bản thân, không còn thích gì mua nấy như trước.
Nghĩa tranh thủ nấu ăn hàng ngày và tự mang cơm đi học, đi làm. Ảnh: NVCC. |
Trong khi đó, Duy Nghĩa tận dụng việc ở ký túc xá để giảm đáng kể khoản tiền nhà, hàng tháng, cậu chỉ phải đóng tiền gas, điện, mạng và điện thoại. Để tiết kiệm chi phí đi lại, nam sinh dành một khoản để mua xe đạp thuận tiện cho di chuyển. Còn lại, Nghĩa hạn chế mua sắm, chỉ mua những vật dụng cần thiết.
Cậu cũng tự đi chợ, nấu ăn, vừa tiết kiệm lại đủ chất, hợp khẩu vị. Mỗi ngày, vào bữa tối, Nghĩa nấu nhiều hơn, để vào tủ lạnh, hôm sau, cậu mang theo để ăn trưa. Nhờ đó, cậu tiết kiệm khoản tiền kha khá.
“Đất nước mới có nhiều thứ mới lạ như các loại nước uống, đồ ăn mới, các khu mua sắm. Mặc dù rất tò mò muốn thử, mình kiềm chế lại vì chưa có tiền. Thay vào đó, mình tận dụng mọi thứ sẵn có để đem theo”, Nghĩa chia sẻ về cách chi tiêu của bản thân.