Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), bệnh nhân là Đ.Q.V., nam, 16 tuổi, trú tại thôn 2, Yên Kiện, Đoan Hùng, Phú Thọ.
Nạn nhân nhập viện trong tình trạng sốc, lơ mơ, kích thích, đau đớn, vật vã, mạch nhanh, bỏng toàn bộ 2 chân, vùng ngực, 2 bàn tay và cánh tay.
Trước đó, khoảng 17h ngày 10/4, bệnh nhân được đưa tới Trung tâm Cấp cứu 115 Hùng Vương, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Tại đây, V. nhanh chóng được ê-kíp cấp cứu can thiệp chống sốc, giảm đau và sơ cứu bỏng.
Bệnh nhân được cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu 115. Ảnh: BVCC. |
Sau cấp cứu, bệnh nhân được chuyển tới Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) để tiếp tục điều trị. Hiện V. qua cơn nguy kịch, dần ổn định sức khỏe và được theo dõi, điều trị tại khoa Nhi. Tuy nhiên, các bác sĩ dự kiến thời gian điều trị của bệnh nhân còn kéo dài do diện tích bỏng khá rộng.
Bác sĩ Sùng Đức Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hùng Vương, cho biết tổn thương do bị điện giật đối với cơ thể con người rất nghiêm trọng. Nạn nhân có thể bị ngừng tim phổi, bỏng, gãy xương, choáng giảm thể tích, phù não gây tăng áp lực nội sọ, chèn ép khoang do hoại tử và phù nề mô, tứ chi, suy thận cấp, liệt nửa người, các bệnh thần kinh ngoại biên...
Khi gặp nạn nhân bị điện giật, bác sĩ Long khuyến cáo người dân không nên chạm trực tiếp do cơ thể họ vẫn mang dòng điện bên trong. Do đó, chúng ta cần tìm cách ngắt kết nối nguồn điện nhanh nhất có thể, không cố giải phóng bệnh nhân nếu đường dây điện áp cao trước khi điện được tắt.
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng vật dụng bằng gỗ như gậy hoặc cành cây để gỡ nạn nhân ra xa khỏi vật dụng mang điện. Nếu không chắc chắn dòng điện là hạ thế, trung thế hay cao thế, người dân cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115.
"Nếu tai nạn điện giật xảy ra ở nhà, người dân có thể sử dụng gậy bằng gỗ khô tuyệt đối như cán chổi hoặc chân ghế có bọc nhựa cách điện. Tuyệt đối không sử dụng gỗ đang ẩm ướt vì tính dẫn điện cao, gây nguy hiểm tới tính mạng của người ứng cứu", bác sĩ Long lưu ý.