Thận đảm nhiệm một số chức năng quan trọng trong cơ thể. Bộ phận này không chỉ loại bỏ dịch và chất thải từ hơn 200 lít máu mỗi ngày mà còn sản xuất các hormone kiểm soát huyết áp, giữ cho xương khỏe mạnh, kiểm soát mức độ pH và sản xuất các tế bào hồng cầu.
Tiến sĩ S. Adam Ramin, bác sĩ tiết niệu người Mỹ, cảnh báo 5 thói quen hại thận:
Ăn nhiều muối
Giảm thiểu lượng muối ăn vào có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe thận, đặc biệt nếu một người đã biết mình có vấn đề về thận. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ (NKF), những người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên hấp thụ 2,3 g natri mỗi ngày còn những người mắc bệnh thận hoặc huyết áp cao nên hạn chế ở mức 1,5 g.
Muối cần cho cơ thể nhưng chỉ nên ăn một lượng nhỏ. Ảnh: Salt Association. |
Khi bạn ăn quá nhiều muối, thận sẽ phản ứng bằng cách giữ lại nước để pha loãng muối. Đây là biện pháp giúp cân bằng nồng độ hóa chất trong dòng máu, cần thiết để giữ cho tim của chúng ta hoạt động tốt.
Theo thời gian, đặt nhiều áp lực như vậy lên thận có thể gây tổn thương cho thận và cơ tim.
Ăn thực phẩm chế biến
Theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Nutrition, những người ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến nhất cũng có tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính cao nhất. Hệ thống lọc trong cơ thể con người, bao gồm cả thận, không được thiết kế để xử lý thức ăn nhanh được tiêu thụ rất nhiều như hiện nay.
Bạn hãy tập trung vào tăng nhiều loại trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và nước.
Ăn nhiều thịt đỏ
Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng protein từ động vật làm căng thận khi thận hoạt động để loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Thịt đỏ đứng đầu danh sách đó. Ăn thịt đỏ thường xuyên có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển sỏi thận.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Thận Mỹ cho thấy lượng thịt đỏ ăn vào có liên quan chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Nhóm tác giả khuyên bạn nên thay thế thịt đỏ bằng protein từ thực vật bất cứ khi nào có thể. Các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau giàu protein như đậu Hà Lan và bông cải xanh là những lựa chọn tốt cho thận.
Các nhà chuyên môn khuyến cáo hạn chế thịt đỏ. Ảnh minh họa: Bestlife. |
Uống rượu hoặc dùng thuốc giảm đau thường xuyên
Uống nhiều đồ có cồn mỗi ngày có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Rủi ro gia tăng nếu người đó hút thuốc. Những người nghiện rượu và nghiện thuốc lá cùng lúc có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao gấp 5 lần.
Tương tự, những người lạm dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc khác có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn.
Uống quá nhiều cà phê
Cà phê chứa nhiều caffeine là một dạng chất kích thích. Hấp thụ quá nhiều caffeine có thể làm tăng huyết áp, gây áp lực lên thận. Tác hại lâu dài của tình trạng này có thể bao gồm suy thận.
Hãy tránh rủi ro bằng cách giảm lượng tiêu thụ của bạn xuống không quá một hoặc hai tách cà phê hàng ngày.
Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.