Soda không phải là loại thức uống duy nhất được khuyến cáo nên hạn chế với người tiêu dùng. Ảnh: Unsplash. |
Nhiều người biết soda, thức uống có ga chứa nhiều đường, không tốt cho cơ thể khi nạp vào quá nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh soda, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo mọi người nên hạn chế tối thiểu các loại thức uống sau.
Thức uống trước khi tập luyện, nước tăng lực
Kylie Ivanir, chuyên gia dinh dưỡng kiêm Giám đốc phòng khám Inside Nutrition (Mỹ), cho biết thức uống trước khi tập luyện, nước tăng lực có thể dẫn đến “tăng huyết áp, căng thẳng và ảnh hưởng đến giấc ngủ” do chứa quá nhiều caffeine và chất kích thích.
"Dư thừa chất kích thích trong cơ thể có thể gây ra đau đầu, buồn nôn. Đồ uống trước khi tập luyện và nước tăng lực cũng chứa chất làm ngọt, hương vị nhân tạo, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột, não bộ. Ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung cũng nổi tiếng là không được kiểm soát, có thể khiến cơ thể nhiễm độc tố hoặc nhiễm các chất bị cấm có hại cho sức khỏe", cô phân tích.
Thay vì uống trước khi tập luyện hoặc nước tăng lực, Ivanir khuyên mọi người nên chọn cà phê đen hoặc matcha.
Cocktail
Ivanir cho biết sự kết hợp giữa rượu và syrup fructose trong cocktail không tốt cho gan. Những chất này ảnh hưởng đến khả năng lọc chất của gan và cản trở quá trình chuyển đổi fructose thành glucose.
"Kết quả là chúng ta vừa không thể giải độc vừa tích trữ đường fructose dư thừa dưới dạng chất béo. Điều này sau đó có thể làm tăng triglyceride, loại lipid máu có hại và là một trong những nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ", cô giải thích.
Cocktail vừa ức chế hoạt động của gan, vừa khiến con người tích mỡ. Ảnh: Unsplash. |
Soda
Bên cạnh các loại thức uống nói trên, các chuyên gia cho biết soda cũng gây hại cho cơ thể do chứa nhiều đường.
Chuyên gia dinh dưỡng Amy Gorin, Giám đốc trung tâm đào tạo huấn luyện viên dinh dưỡng Master the Media (Mỹ), khuyến khích mọi người nên chọn nước lọc hoặc nước có ga và thêm một chút nước cốt chanh, chanh hoặc cam để tạo hương vị.
Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025 của Bộ Nông nghiệp nước này, trẻ em từ 2 tuổi trở lên nên hạn chế lượng đường bổ sung ở mức dưới 10% tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày.
"Ví dụ, một người ăn 2.000 calo/ngày chỉ nên ăn 200 calo từ đường, tương đương với khoảng 12 muỗng cà phê đường. Lượng đường này vừa đủ trong một lon coca", cô phân tích.
Trà đá
Jinan Banna, chuyên gia dinh dưỡng kiêm giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Hawaii (Mỹ), cho biết không chỉ trà đá, các loại trà đóng chai thương mại có thể cũng chứa nhiều đường như soda.
“Việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường như trà đá đã được chứng minh có liên quan đến sự phát triển của các bệnh lý chuyển hóa và bệnh tiểu đường type 2”, cô nói.
Đồ uống ngọt nhân tạo
Theo Ivanir, các loại đường nhân tạo như aspartame và sucralose “làm xáo trộn hệ vi sinh vật và gây hại cho sức khỏe đường ruột của con người".
“Điều này có hại cho sức khỏe tổng thể vì ruột đóng vai trò quan trọng trong nhiều hệ thống của cơ thể như hệ thống miễn dịch, tái tạo hormone, sản xuất serotonin, hấp thụ chất dinh dưỡng”, Ivanir nói thêm.
Bên cạnh gợi ý mọi người sử dụng chất tạo ngọt thiên nhiên, cô cũng khuyến khích mọi người tăng thêm hương vị bằng cách cho vào nước lọc các loại thảo mộc như bạc hà, húng quế hoặc trái cây tươi.
Frappuccino
"Frappuccino và các loại cà phê ngọt khác có chứa nhiều 'chất béo ngọt' - sự kết hợp của đường (từ syrup, phụ gia) và chất béo bão hòa (từ kem). Mặc dù sự kết hợp này làm đồ uống ngon hơn, nó cũng có thể làm tăng chất béo dư thừa trong cơ thể do làm tăng lượng hormone insulin", Ivanir cho biết con người có thể nghiện vị ngọt này.
Latte lạnh
Theo Banna, tại một số cơ sở kinh doanh, thức uống này có thể chứa nhiều đường hơn một lon coca. Nhiều người ăn kiêng cho rằng mình nên uống latte. Tuy nhiên, cà phê có đường được xác nhận là nguồn bổ sung nhiều đường nhất cho nhóm đối tượng này.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.