Ngày 1/10, trong căn nhà trọ thuê trên đường Chu Văn An (phường 12, quận Bình Thạnh), chị Nguyễn Thị Thu Thảo (39 tuổi) - người bán nước và bánh tráng trộn - trước đó có xô xát với một chiến sĩ công an tại hồ Con Rùa (phường 6, quận 3) cho biết 2 ngày qua cảm thấy mệt mỏi.
“Tôi chỉ uống nước chứ không ăn được gì và liên tục mất ngủ. Một phần vì vết thương đau nhức, phần khác phải nghe những thông tin nói mình là người chăn dắt ăn xin và cho vay nặng lãi khiến tôi thật sự rất sốc”, chị Thảo tâm sự.
Chị Thảo từng bị công an phường 3 xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng về việc cản trở người thi hành công vụ cách đây hơn 1 năm. Ảnh: Lê Trai. |
Nơi chị Thảo đang sinh sống chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài cái tủ lạnh chị mua trả góp với giá hơn 5 triệu dùng để đựng thức ăn, nước uống đi bán và cái tivi cũ người em cho. Thảo kể do hoàn cảnh nghèo khó nên hàng ngày chị ra hồ Con Rùa kiếm tiền bươn chải cuộc sống nuôi cha mẹ già cùng 2 con ăn học.
'Bôi nhọ gia đình tôi'
Nhắc đến người chồng, người phụ nữ 39 tuổi lộ rõ gương mặt buồn. Chị bảo người đàn ông đó đã bỏ nhà đi cách đây 2 năm để một mình chị phải gánh vác. Vài tháng trước, do nợ nhóm giang hồ tiền, vợ chồng đứa em cũng dắt nhau trốn để lại 2 đứa con gái (đứa lớp 9, đứa lớp 8). Thương cháu bơ vơ, chị đưa về nuôi ăn học.
Căn nhà chỉ có cái tủ lạnh mua trả góp để đựng hàng là có giá trị. Ảnh: Lê Trai. |
Cũng kể từ đó, cuộc sống của chị Thảo càng thêm túng quẫn. Một ngày người phụ nữ chỉ được ngủ 3 tiếng khiến cơ thể càng thêm gầy yếu (38 kg). Đứa cháu thương dì vất vả, đang học trường điểm đã phải xin nghỉ xuống bổ túc thường xuyên để có thời gian đi bán phụ chị kiếm tiền.
Quệt ngang dòng nước mắt, người phụ nữ 39 tuổi tiếp lời rằng cha chị bị ngã cách đây vài năm và bị máu tràn não thức, bệnh viện trả về.
“Tôi phải dùng thuốc đông y chữa chạy, 1 tháng mất hơn 7 triệu đồng. Tôi gắng gượng theo được mấy năm nhưng rồi không có tiền nên ngưng. Nếu có tiền theo đúng chỉ dân, cha tôi bây giờ có thể vận động được", chị Thảo nói.
Chị cho biết thêm giờ đây mỗi lần cha lên cơn đau chị mua thuốc tây để giảm đau tức thời. Chị chia sẻ tối hôm xảy ra sự việc, người cha nói cảm thấy buồn và thương con gái cực khổ. Ông trách bản thân là gánh nặng cho gia đình.
Theo chị Thảo, mỗi tháng gia đình được lãnh từ phường 760.000 đồng tiền trợ cấp do cha bệnh tật. Ngoài ra, một nhà thờ gần chỗ chị trọ cũ hàng tháng đều cho vài chục kg gạo.
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (64 tuổi, mẹ chị Thảo) kể, bà bán hàng rong ở hồ Con Rùa đã mấy chục năm nay. Cách đây khoảng 10 năm, do bị hở van tim nên bà nghỉ.
Bà nói do bán lâu năm ở đó nên lãnh đạo phường đều biết rõ hoàn cảnh của gia đình bà ra sao. "Tôi nghèo rớt mùng tơi, tháng nào cũng đi mượn trả tiền nhà. Giờ nói con gái tôi chăn dắt ăn xin, cho vay nặng lãi thì bôi nhọ gia đình tôi quá. Giờ người đó cũng xin lỗi con tôi rồi, tôi chỉ mong con gái sớm khỏe để buôn bán nuôi con”, bà Cúc ngậm ngùi.
Hàng xóm không tin chị Thảo là người xấu
Chị Châu (24 tuổi), hàng xóm cho biết chị Thảo chuyển về đây ở khoảng 5 tháng, gia cảnh rất khó khăn. Chiều nào người phụ nữ với dáng mảnh khảnh cũng chất đống đồ ăn, nước uống lên xe chở đi đến tối muộn mới về.
Người hàng xóm này kể thêm Thảo hiền lành, chưa bao giờ xích mích với ai. Nhiều buổi sáng thấy mấy đứa trẻ con Thảo dùng bánh mì chấm sữa ăn đi học, chị thấy rất thương.
Nhắc đến những thông tin trên mạng đồn thổi về người phụ nữ bán hàng rong, nhiều người dân sống ở khu nhà trọ cũ của chị Thảo trong hẻm 146 Vũ Tùng (phường 2, quận Bình Thạnh) cũng tỏ ra bức xúc.
Nhiều người khẳng định, không có việc chị Thảo cho vay nặng lãi. "Mấy bà con của Thảo có tiền mới cho vay chứ gia đình nó nghèo khó, tội nghiệp lắm", một hàng xóm nói.
Bà Liên khẳng định chị Thảo không phải là người chăn dắt ăn xin, cho vay nặng lãi. Ảnh: Lê Trai. |
“Nó từng ở đây mấy năm, tôi rất rõ. Nó mắc nợ quá trời, hàng ngày phải lo trả góp cho người ta, làm gì có tiền mà cho vay nặng lãi. Còn mấy đứa nhỏ hay đi theo là con với cháu, làm gì có việc nó chăn dắt ăn xin. Nó ốm nhách như thế thì ai để nó bảo kê”, bà Liên (53 tuổi, ngụ hẻm 146) nói.
Liên quan đến vụ việc, theo tường trình của thiếu úy Đỗ Xuân Hải, tối 29/9 anh được phân công ra hồ Con Rùa lập lại trật tự lòng lề đường. Khi ra tới nơi thấy nhiều người tụ tập buôn bán, anh cùng dân phòng tiến lại gần thì nhóm người này cùng chị Thảo bỏ chạy.
Trong lúc chạy, chị Thảo quay lại chửi nên anh đuổi theo. Khi Thảo té ngã, anh chạy tới nắm cổ áo.
Anh Hải thừa nhận bản thân bị xúc phạm nên hơi nóng nảy trong xử lý vụ việc và chấp nhận hình thức kỷ luật của lãnh đạo ngành. Anh Hải cũng chịu mọi chi phí thuốc men đến khi chị Thảo khỏe mạnh.
Chiều cùng ngày, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an TP.HCM - cho biết thông tin về việc chị Thảo có chăn dắt trẻ ăn xin và cho vay nặng lãi hay không vẫn đang được điều tra, làm rõ.
Nói về hướng xử lý vụ việc, trước đó, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn yêu cầu kiểm tra, xử lý nhanh vụ người phụ nữ bán hàng ở hồ Con Rùa bị thiếu úy Bùi Xuân Hải kéo lê.
"Quan điểm của Ban Giám đốc công an là phải xử lý thật nghiêm, không thể dung túng. Còn phía người dân có vi phạm như thế nào cũng phải xử lý. Tất cả phải thượng tôn pháp luật", ông Phong nhấn mạnh.
Đêm 29/9, trên mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 2 phút quay lại thiếu úy Hải xô xát với chị Thảo ở hồ Con Rùa. Một nhân chứng nói có nhìn thấy anh Hải đá vào thúng nước của chị Thảo. Hai bên đã xảy ra mâu thuẫn.
Khi chị Thảo bỏ chạy, viên thiếu úy được cho đã đuổi kịp đánh rồi kéo lê nạn nhân hướng về phía chiếc ôtô chuyên dụng, dân phải can ngăn sự việc mới dừng lại. Lãnh đạo phường và cảnh sát 113 sau đó đã có mặt xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, theo trình bày của thiếu úy Hải, trong quá trình chị Thảo ôm đồ bỏ chạy, người phụ nữ này ngã và va đầu vào biển số xe gắn máy gần đó.
Cũng theo anh Hải, chị Thảo có lời lẽ xúc phạm người làm nhiệm vụ khiến bản thân có những bức xúc nên có hành động trên.
Bước đầu, Công an TP đánh giá hành vi của thiếu úy Hải vi phạm điều lệnh công an nhân dân, làm xấu hình ảnh công an.