Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NASA mời giáo viên tham gia nghiên cứu vũ trụ

9 giáo viên Mỹ vừa được NASA mời về thực hiện dự án nghiên cứu các ngôi sao thuộc M-class.

Theo thông cáo báo chí từ Trung tâm Xử lý và Phân tích Hồng ngoại (IPAC) thuộc Viện Công nghệ California (hợp tác cùng NASA), cô Olivia Kuper, giáo viên Hóa học, trường Trung học North Greene, sẽ dẫn đầu nhóm nghiên cứu các ngôi sau M-class (nhóm sao có kích thước nhỏ hơn, nhiệt độ thấp hơn Mặt trời).

Cô Kuper cùng 9 giáo viên khác các trường học trên cả nước làm việc cùng các nhà vật lý thiên văn tại IPAC trong chương trình nghiên cứu của NASA, IPAC dành cho giáo viên (NITARP).

NASA moi giao vien tham gia nghien cuu anh 1

Cô Olivia Kuper giảng giải về kết quả nghiên cứu của cô trước học sinh trường Trung học North Greene. Ảnh: AP.

“Dự án của chúng tôi sẽ tìm kiếm các ngôi sao thuộc M-class phát ra ánh sáng hồng ngoại dư thừa. Tôi không chắc chúng tôi sẽ thực hiện dự án như thế nào vì mới chỉ họp khởi động hôm 16/1 qua Zoom và sắp họp tiếp. Nhưng tôi biết nhóm có quyền truy cập dữ liệu từ kính thiên văn Spitzer và Gaia”, cô Kuper nói.

AP cho hay trước đây, cô từng tham gia NITARP. Cô hiện dạy Hóa học và Vật lý tại North Greene. Với dự án lần này, cô dự định cho nhóm nhỏ học sinh tham gia vào trước hoặc sau giờ học ở trường.

Cô Olivia Kuper cùng nhóm sẽ làm việc với TS Varoujan Gorijan trong khi một nhóm giáo viên khác hợp tác với TS Luisa Rebull.

Cô cho biết các nhà khoa học sẽ không dễ dãi với nhóm chỉ vì nhóm là giáo viên, học sinh trung học. Họ chia sẻ thông tin, công cụ, giúp giải đáp vấn đề chứ không cầm tay chỉ việc. Cô đã chuẩn bị sẵn tinh thần mọi chuyện không dễ dàng.

Thực tế, với dự án mới, họ chỉ họp một lần song những người tham gia chương trình NITARP đã họp trực tuyến từ tháng 7/2021. Ngoài ra, mỗi giáo viên cùng 2 học sinh cũng bay tới Pasadena, California, làm việc trực tiếp trong một tuần.

Chương trình còn chi trả để giáo viên, học sinh tới Washington, D.C. để thuyết trình phát hiện của họ tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Thiên văn Mỹ (AAS) - thường diễn ra vào tháng 1 nhưng dời tới năm 2022 do dịch Covid-19.

Những chuyến đi như vậy giúp cô trò hình thành mối quan hệ đồng nghiệp thay vì giáo viên - học sinh.

Cô Kuper tham gia NITARP năm 2017 và từ đó, tiếp tục nghiên cứu với tư cách cựu học viên. Năm nay, cô là cố vấn dự án, nhận tài trợ để làm việc trong 2 năm và được mời 2 nhóm học sinh gia nhập.

“Chương trình thay đổi cách tôi dạy học. Tôi cùng học hỏi với học sinh chứ không chỉ trả lời câu hỏi các em đặt ra như khi đứng lớp”, cô chia sẻ.

Cô bắt đầu công việc tại trường Trung học North Green năm 2020 sau khi chuyển đến từ Texas. Dạy học là công việc mơ ước của cô. Với chương trình của NASA, cô còn có thêm cơ hội để cùng học trò nghiên cứu vũ trụ.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - tượng đài khoa học của Việt Nam

Không chỉ có những công trình nghiên cứu gây tiếng vang, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu còn luôn trăn trở để ứng dụng khoa học vào phát triển đất nước, đồng thời truyền lửa tới thế hệ trẻ.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm