Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ném đá', xã hội sẽ tốt hơn?

“Ném đá” đang trở thành một phong trào xã hội mạnh đến mức người ta đã manh nha ý tưởng thương mại hóa nó.

Những chỉ trích vô căn cứ, những phán xét cảm tính đang phát triển nhiều đến mức có thể đem xuất khẩu, cho dù thứ đổi lại không phải ngoại tệ mạnh mà là nỗi xấu hổ.

Trích từ một trang Facebook sau vụ tấn công CĐV Việt Nam của CĐV Malaysia.
Trích từ một trang Facebook sau vụ tấn công CĐV Việt Nam của CĐV Malaysia.

 

Những clip hay nhất 2014 của nhóm hài BB&BG

Năm 2014, nhóm hài đình đám BB&BG đã cho ra đời nhiều clip vui nhộn, hút triệu lượt xem. Trong đó, nổi bật nhất là màn giả gái, hát nhép ca khúc "Mình yêu nhau đi" của Bảo Bảo.

Một phong trào thời thượng?

 

“Đám đông luôn thái quá (exagération) và phiến diện (simplisme) trong tình cảm. Một mầm mống nhỏ của ác cảm và dè bỉu trong mình, người độc lập sẽ cho qua, là thành viên của đám đông lập tức chúng lớn nhanh thành nỗi căm thù man dại”.

(Tâm lý học đám đông - Gustave Le Bon)

 

Cuối năm 2012, một công ty truyền thông rất lớn bắn tin đến các nhân sự có tên tuổi của làng truyền thông xã hội Việt Nam, mời hợp tác trong một dự án. Đó là một trang web mang tên “Ném đá”, hình thức hoạt động như một mạng xã hội và khẩu hiệu của trang web này là “Hãy ném để xã hội tốt hơn”.

 

“Ném đá” để xã hội tốt hơn? Đó không chỉ là quan điểm của những bạn trẻ trên mạng nữa, mà đã được cả những người đóng vai trò dẫn dắt trong làng truyền thông Việt Nam tin tưởng? Hay là đơn giản họ nhìn ra rằng “ném đá” bây giờ là một xu hướng thịnh hành và có thể làm ra nhiều tiền từ việc ấy? Không rõ, chỉ biết rằng việc người ta sẵn sàng bỏ tiền ra làm cả một dự án “ném đá” chứng minh rằng nó thời thượng.

Chữ “ném đá” đã xuất hiện từ xưa trong câu thành ngữ “Ném đá giấu tay”, nhưng mang một nét nghĩa hoàn toàn khác ngày nay, gần với nghĩa đen hơn: đó là một hành vi gây hại có chủ đích. Ngày nay, “ném đá” còn có nghĩa là chỉ trích cho... sướng.

Nhu cầu chỉ trích của đám đông luôn cao. Gustave Le Bon đã liên tục khẳng định điều đó trong tác phẩm nổi tiếng Tâm lý học đám đông. Đám đông luôn thái quá (exagération) và phiến diện (simplisme) trong tình cảm. “Một mầm mống nhỏ của ác cảm và dè bỉu trong mình, người độc lập sẽ cho qua, là thành viên của đám đông lập tức chúng lớn nhanh thành nỗi căm thù man dại” - ông viết.

Và lý do cho những cuộc “ném đá” tập thể cũng được Le Bon chỉ ra một cách thuyết phục: “Do thiếu vắng bất kỳ một sự chịu trách nhiệm nào” và “việc chắc chắn sẽ không bị trừng phạt”.

Trong lúc số báo này lên khuôn thì kịch bản của Gustave Le Bon đang được tái hiện trong một cuộc “ném đá tập thể” của dân mê bóng đá. Trong trận bán kết lượt đi giữa Việt Nam và Malaysia tại AFF Cup 2014, cả cầu thủ và một nhóm CĐV Malaysia đều đã mất bình tĩnh khi thất thủ trước đội tuyển của HLV Miura.

Thủ quân Safiq Rahim của Malaysia đã lao vào đấm Tiến Thành của Việt Nam ở phút 70. Và sau trận đấu, một số CĐV Malaysia tràn sang phần khán đài của CĐV Việt Nam, đánh CĐV Việt chảy máu đầu.

Đó là chuyện đáng chỉ trích. Nhưng nó nhanh chóng trở nên thái quá. Trong trang Facebook của Safiq Rahim, hàng nghìn CĐV Việt Nam nhảy vào dọa đánh, dọa giết, post kèm hình ảnh đao kiếm và súng lục.

Hành động phi thể thao trên sân cỏ của cầu thủ này (vốn không phải là chuyện hiếm trong bóng đá) được gộp chung với việc đánh người của các CĐV Malaysia (vốn là một hành động mang tính chất hình sự) trong một cuộc “ném đá”. Bất chấp việc hầu hết CĐV Malaysia lên mạng để xin lỗi người Việt, vẫn có rất nhiều lời lẽ kích động bạo lực được đưa ra.

Lý do của tâm lý “ném đá” ấy rất đơn giản, là không ai phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng không ai phải chịu trách nhiệm “xúi giục phạm tội” hoặc “kích động đám đông” nếu thật sự ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình, bạo lực lại diễn ra đúng như kịch bản mà nhiều người đề xuất. Họ nhân danh đám đông để “ném đá”.

Trong câu chuyện của cầu thủ và CĐV Malaysia, động cơ cho cuộc “ném đá” còn có thể thông cảm. Nhưng đôi khi, nhiều cuộc “ném đá” xuất phát từ những lý do không thể vô nghĩa hơn. Đơn cử, chuyện của Happy Polla. Cô gái người Thái Lan này nổi tiếng vì sở hữu một ngoại hình không ưa nhìn, nhưng vẫn luôn lạc quan và tự tin vào bản thân.

Trong khi Happy Polla được người Thái đối xử một cách tương đối vui vẻ, thì cô nhận “gạch đá” từ nhiều người Việt Nam. Họ nhảy vào “ném đá” Happy Polla, dành rất nhiều lời chế giễu, bôi bác cô gái này trong trang Facebook của cô. 

CLB bóng đá Sapporo Cosadole của Nhật Bản từng phải đăng một dòng thông báo bằng tiếng Việt, nhắn trực tiếp tới CĐV Việt Nam rằng “Từ nay chúng tôi sẽ xóa những bình luận và ngôn từ không tốt, không hay”.

Đó là kết quả của một cuộc “ném đá” xuyên quốc gia khi CLB Sapporo thuê Công Vinh thi đấu, và những người ghét Công Vinh lao vào “làm loạn” tại trang của đội bóng này. Lý do để “ném đá” thì bao gồm những thứ vô cùng cảm tính như “phản bội chạy theo đồng tiền”.

Còn rất nhiều ví dụ khác nữa cho những cuộc “ném đá tập thể” không thể trình bày hết trong khuôn khổ bài viết này. Một trung tâm thương mại bị “tế” trên truyền thông xã hội vì đóng cửa để phục vụ khách hàng quen? Những người mẫu, diễn viên đưa ra suy nghĩ cá nhân về tình yêu và trở thành “kẻ thù của đạo đức”.

Cuối năm ngoái, người ta còn chứng kiến một tác giả trẻ bị “ném đá” ở quy mô lớn khi một số chi tiết trong cuốn sách của cô này bị nghi ngờ. Tất nhiên, trong những cuộc “ném đá” này, người tham gia không chịu trách nhiệm khi phỉ báng người khác, hoặc bới móc đời tư của họ - vì có chỗ dựa vững chắc từ quan điểm của đám đông.

Và những người ngoài cuộc có quyền tự hỏi rằng trong những cuộc “ném đá” hao tốn năng lượng này, hướng đến một vài cá thể không mang tính đại diện, người tham gia có thật sự nghĩ rằng họ đang làm xã hội tốt hơn?

Tốt hơn thật không?

Nhiều nhà khoa học tin rằng nếu đám đông cùng đưa ra ý kiến về một vấn đề thì khả năng họ sẽ tiếp cận với điều đúng đắn sẽ tăng lên (sức mạnh của đám đông). Một số tin vào điều ngược lại.

Năm 2011, các nhà nghiên cứu ở Viện Kỹ thuật Thụy Sĩ thực hiện một thử nghiệm: viện này tập hợp nhiều nhóm người và yêu cầu mỗi nhóm đoán một con số không thuộc hiểu biết của họ, ví dụ như chiều dài biên giới Ý - Thụy Sĩ hoặc là số vụ giết người ở Thụy Sĩ hằng năm.

Các nhà khoa học nhận ra rằng nếu các thành viên trong nhóm càng đưa ra nhiều thông tin trong trao đổi thì phạm vi đoán càng hẹp lại, và phạm vi này lại càng xa... con số chính xác hơn. Nói cách khác, càng nhiều ý kiến, họ càng dễ đi tìm sự nhất trí hơn, thay vì đi tìm sự chính xác.

Internet, đặc biệt là mạng xã hội, cho phép cơ chế đưa ý kiến dễ dàng hơn, và là tiền đề của những cuộc “ném đá tập thể”. Khi những chỉ trích được đưa ra với tần suất lớn thì có thể điều đó sẽ không tạo ra những quyết định đúng đắn, mà khiến nhiều người nhất trí với nhau về một quan điểm/thái độ sai lầm.

Việc cáo buộc một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp như Lê Công Vinh “phản bội chạy theo đồng tiền” không thể được chấp nhận về mặt lý tính. Thể thao nói riêng và đạo đức xã hội nói chung không thể được điều chỉnh dựa vào những chỉ trích như vậy. 

Phong trào này còn có thể làm hỏng hình ảnh quốc gia. Ở đỉnh điểm, Happy Polla bức xúc nhắn tới một trang tin điện tử Việt Nam: “Co nang beo” có nghĩa là gì? Giống với phản ứng của CLB Sapporo, đây là một trong những lần mà phong trào “ném đá” của cộng đồng mạng Việt Nam nhận sự phán xét từ bạn bè quốc tế.

Facebook cho phép xuất khẩu phong trào “ném đá” này đi khắp nơi trên thế giới: những lời thóa mạ dày đặc của người Việt có thể bắt gặp trong trang của anh chàng Omar Borkan Al Gala (người bị “trục xuất vì đẹp trai” nổi tiếng cách đây chưa lâu) hay trong Facebook của trọng tài Cakir của Thổ Nhĩ Kỳ (người từng đuổi một cầu thủ của Manchester United mà CĐV Việt Nam cho rằng “xử ép”)...

 

Động cơ tốt, hiệu quả tốt

Nếu như những cuộc “ném đá” vì lý do giải trí chỉ tạo ra sự lùm xùm thì đôi khi, những cuộc phê bình tập thể, cho dù có ít nhiều cảm tính, cũng tạo ra một số hiệu quả tích cực.

Tháng 11, sau một lá thư của một thanh niên Việt Nam so sánh giữa sách giáo khoa tiếng Anh Việt Nam và Nepal, cộng đồng mạng đã tham gia và sau đó Bộ Giáo dục - đào tạo phải lên tiếng trả lời lá thư này.

Hiện chưa có đủ bằng chứng cho thấy sự so sánh của thanh niên kia là có cơ sở khoa học, nhưng cuộc tham gia của cư dân mạng đã tạo ra một cuộc trao đổi giữa nhà làm sách và cộng đồng, một điều hiếm thấy.

Nhiều dự thảo luật hoặc văn bản hành chính cũng đã nhận “gạch đá” từ cộng đồng khi được đưa ra, dẫn tới sự điều chỉnh của các cơ quan. Có thể kể ra ở đây chỉ thị “cấm xây nhà kiểu Pháp cổ” của Bộ Xây dựng, “cấm bán bia ở nơi nhiệt độ trên 30 độ” của Bộ Công thương...

Gần đây, vụ cộng đồng mạng chỉ trích bìa sách luật có in hình diễn viên Công Lý cởi trần cũng đã dẫn tới vụ thu hồi để sửa chữa. Nếu việc trao đổi, phản biện xuất phát từ động cơ xây dựng xã hội thật sự, có thể coi những góp ý, trao đổi trên truyền thông xã hội là một cơ chế đối thoại tích cực trong điều kiện hiện nay.

Chàng trai bị cộng đồng mạng Việt vạch trần vì chôm ảnh

Hành động chàng trai ngang nhiên lấy ảnh vẽ người khác làm của mình vấp phải nhiều chỉ trích từ mọi người.

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20141213/nem-da-xa-hoi-se-tot-hon/684336.html

Theo Đức Hoàng/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm