Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nên học Răng - Hàm - Mặt ở ĐH Quốc tế Hồng Bàng hay ĐH Văn Lang?

Là một trong những ngành có mức học phí đắt đỏ tại TP.HCM, ngành Răng - Hàm - Mặt có chương trình đào tạo khá đặc thù và cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho việc học.

Ngành Răng - Hàm - Mặt của Đại học Quốc tế Hồng Bàng có mức học phí 72 triệu đồng/kỳ. Ảnh: HIU.

Răng - Hàm - Mặt là ngành học về những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản về y học và răng hàm mặt để giải quyết các vấn đề bệnh lý liên quan và tăng cường sức khỏe cho cá nhân, cộng đồng.

Ngành học này còn giúp sinh viên tự định hướng, phát triển nghề nghiệp liên tục, hội nhập thông qua trình độ ngoại ngữ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh răng miệng và nghiên cứu khoa học.

Trong nhiều năm qua, Răng - Hàm - Mặt được quan tâm và luôn nằm top đầu về điểm chuẩn tại các trường đào tạo về y, dược. Tại TP.HCM, học phí ngành này có thể dao động từ vài trăm triệu đồng cho đến cả tỷ đồng cho một khóa học.

Được học gì với mức học phí hơn một tỷ đồng?

Tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Răng - Hàm - Mặt là ngành học có mức học phí đắt đỏ nhất với 72 triệu đồng/học kỳ. Một khóa học kéo dài trong 6 năm, chia thành 15 kỳ. Như vậy, sinh viên cần chi hơn một tỷ đồng để lấy được bằng bác sĩ Răng - Hàm - Mặt.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ThS Trần Thúy Trâm Quyên, Phó hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cho biết với mức học phí nêu trên, sau khi hoàn thành 2 năm đầu về giáo dục đại cương và các môn cơ sở khối ngành (Sinh học, Lý sinh, Hóa học….), cơ sở ngành (Giải phẫu, Sinh lý, Mô phôi…), sinh viên sẽ tiếp tục học 4 năm với các kiến thức ngành và chuyên ngành.

Trong 4 năm học này, sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt cần học những môn sau:

  • Nha khoa cơ sở: Gồm nhiều phân môn liên quan Giải phẫu răng, Cắn Khớp, Vật liệu nha khoa…
  • Chẩn đoán hình ảnh Răng Hàm Mặt: Học từ chụp phim đơn giản đến kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để chẩn đoán các bệnh về răng, xương hàm, tuyến nước bọt…
  • Bệnh học miệng: Học về các bệnh vùng miệng và đặc biệt là bệnh ung thư.
  • Phẫu thuật miệng: Học về phẫu thuật điều trị các bệnh vùng miệng và nhổ răng cho bệnh nhân.
  • Phẫu thuật hàm mặt: Học về phẫu thuật các dị tật bẩm sinh, chấn thương và tạo hình hàm mặt.
  • Cấy ghép nha khoa: Học về cấy Implant vào trong xương hàm và phục hình các răng đã mất.
  • Chỉnh hình răng mặt: Học về điều trị răng khấp khểnh, hô, móm…
  • Nha khoa trẻ em: Học về điều trị bệnh răng miệng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Nha khoa công cộng: Học nghiên cứu về mô hình bệnh tật và giáo dục sức khỏe răng miệng cho cộng đồng.
  • Nha chu: Học về điều trị các bệnh quanh răng như lấy vôi răng, chữa những răng bị lung lay….
  • Chữa răng - Nội nha: Học điều trị bảo tồn các răng thật như trám răng, chữa tủy răng.
  • Phục hình răng: Học điều trị phục hồi các răng mất như làm răng sứ, làm răng giả tháo lắp…
nganh rang ham mat anh 1

Sinh viên HIU được thực hành trên máy móc, thiết bị thực tế tại trường. Ảnh: HIU.

Trong khi đó, học phí tại Đại học Văn Lang dao động từ 1-2 triệu đồng/tín chỉ, tùy từng chương trình đào tạo. Nhà trường cho biết chương trình ngành Răng - Hàm - Mặt gồm 223 tín chỉ, được phân bổ hợp lý trong 6 năm học.

Sau 2 năm đầu học các môn đại cương, cơ sở ngành, sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt sẽ tiếp tục học các nội dung như Nha chu, Chỉnh nha, Phục hình cố định, Cắn khớp, Phẫu thuật hàm mặt, Phẫu thuật miệng, Phục hình trên Implant...

Đặc biệt, sinh viên năm nhất tại trường này sẽ được thực hành giải phẫu răng bằng cách vẽ hình, tạo mẫu răng bằng xà phòng và điêu khắc răng bằng sáp nhằm mô phỏng cho các thủ thuật điều trị phục hồi trong tương lai.

Đội ngũ giảng viên đầu ngành

Theo báo cáo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2024-2025, Đại học Quốc tế Hồng Bàng có 57 giảng viên ngành Răng - Hàm - Mặt, trong đó gồm một giáo sư và 6 phó giáo sư, 21 tiến sĩ và 29 thạc sĩ.

Trong đó, nổi bật là PGS.TS.BS Lê Đức Lánh (chuyên ngành Phẫu thuật miệng - Cấy ghép nha khoa), GS.TS.NGND Hoàng Tử Hùng (nhà giáo đầu ngành của ngành Nha Khoa Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh (chuyên ngành Cắn khớp học), TS.BS Võ Văn Nhân (chuyên ngành Cấy ghép nha khoa - Implant), TS Nguyễn Văn Lân (chuyên gia đầu ngành về Chẩn đoán hình ảnh Răng - Hàm - Mặt).

Khi được hỏi về thế mạnh của khoa, Phó hiệu trưởng Trần Thúy Trâm Quyên liệt kê các bộ môn Phẫu thuật miệng và Cấy ghép nha khoa (do PGS.TS Lê Đức Lánh phụ trách), Cắn khớp học (do PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh phụ trách), Cấy ghép nha khoa (do TS.BS Võ Văn Nhân phụ trách).

Đặc biệt, khi học tại ngành này, sinh viên trường còn được học môn “độc quyền” là Ghi hình Răng Hàm Mặt. Đây là môn học nhằm giúp sinh viên kỹ thuật chụp ảnh trong miệng.

“Môn này các trường khác hiện nay không dạy trong khi đó là một trong những kỹ thuật quan trọng giúp định dạng chẩn đoán ban đầu và theo dõi tăng tính thẩm mỹ cho quá trình điều trị”, ThS Trâm Quyên thông tin thêm.

nganh rang ham mat anh 2

Phòng thực hành Răng - Hàm - Mặt của sinh viên Đại học Văn Lang. Ảnh: VLU.

Đại học Văn Lang chưa công bố số lượng giảng viên của năm học 2024-2025, nhưng theo báo cáo công khai của năm học 2023-2024, ngành Răng - Hàm - Mặt của trường có 50 giảng viên, trong đó gồm một giáo sư, 14 tiến sĩ, 14 thạc sĩ và 22 giảng viên có trình độ đại học.

Đội ngũ giảng viên của ngành có nhiều người là tiến sĩ, bác sĩ/bác sĩ chuyên khoa về Răng - Hàm - mặt như TS.BS Trần Ngọc quảng Phi (Trưởng khối ngành Sức khỏe, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt), TS.BS Trần Hùng Lâm (Phó trưởng khoa), TS.BS CK2 Nguyễn Tấn Hưng (Phó trưởng khoa), TS.BS Nguyễn Thị Hoàng Trúc (Phó trưởng bộ môn Phẫu thuật miệng)...

Đăng ký xét tuyển ra sao?

Đại học Văn Lang mới mở ngành Răng - Hàm - Mặt từ năm 2020 nên hiện tại chưa có khóa sinh viên tốt nghiệp. Trong năm 2025, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào trường bằng các tổ hợp môn B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh), A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), X10 (Toán, Hóa học, Tin học), X09 (Toán, Hóa học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).

Về phương thức tuyển sinh, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM hoặc đăng ký xét tuyển thẳng nếu có thành tích học tập hoặc giải thưởng nổi bật.

Tương tự, Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực hoặc xét kết hợp học bạ và điểm thi tốt nghiệp.

Về các tổ hợp, khối sức khỏe của trường xét tuyển bằng khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh)...

Chia sẻ cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường, ThS Trần Thúy Trâm Quyên cho biết theo khảo sát 3 khóa sinh viên tốt nghiệp của 3 năm gần nhất, khoảng 40% sinh viên có việc ngay sau khi ra trường, trong đó có 97,2% làm đúng chuyên ngành. Trong đó, 45,1% sinh viên làm việc tại bệnh viện công lập, 37,8% làm tại bệnh viện tư và số còn lại làm việc tại các phòng khám.

Nếu tính trong khoảng thời gian dưới 6 tháng kể từ ngày tốt nghiệp, Đại học Quốc tế Hồng Bàng thống kê hơn 82% sinh viên có việc làm tương ứng với chuyên ngành.

“Đặc thù việc học đối với các bác sĩ là ‘mãi mãi’, do đó, tỷ lệ các tân bác sĩ tiếp tục học lên sau đại học cũng chiếm tỷ lệ tới gần 60%. Trong đó, khoảng 45% học chương trình 12-18 tháng lấy chứng chỉ hành nghề tại các bệnh viện và khoảng trên 10% học lên sau đại học”, phó hiệu trưởng thông tin.

Thị trường lao động thay đổi chóng mặt, để tồn tại, con người cần học tập suốt đời. Trong bối cảnh đó, tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Học tập suốt đời của tác giả Michelle R.Weise.

Tác phẩm cung cấp cho độc giả những đánh giá về thị trường lao động tương lai, những giải pháp cho nhu cầu vừa học vừa làm đang ngày một tăng, cùng với đó là đưa ra những cách kết nối để quá trình chuyển đổi “học-làm” diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, tác giả nêu lên vai trò của việc học tập suốt đời.

Điểm sàn các trường y giảm sâu

So với năm 2024, điểm sàn năm 2025 của các trường đào tạo y, dược cũng có chiều hướng giảm, thậm chí giảm đến 4 điểm so với năm 2024.

Noi lo kep cua sinh vien nganh Y hinh anh

Nỗi lo kép của sinh viên ngành Y

0

Học phí cao, thời gian đào tạo dài là những khó khăn mà sinh viên và các trường đào tạo Y Dược đang phải đối mặt. Năm nay, nguồn tuyển tổ hợp truyền thống B00 (Toán, Hóa, Sinh) giảm 67% so với năm trước.

Thái An

Bạn có thể quan tâm