Khi lên nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Shinzo Abe từng hứa đưa ra những chính sách giúp phụ nữ “tỏa sáng” vì cho rằng việc tăng cường sự tham gia của họ vào lực lượng lao động sẽ giúp hạn chế tác động của dân số giảm và già hóa.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản còn đặt mục tiêu đầy tham vọng là có 30% phụ nữ ở các vị trí cấp cao trong các khu vực công và tư nhân vào năm 2020.
Tuy nhiên, một số lời hứa ban đầu trong chương trình nghị sự “Womenomics” (tạm dịch: Nền kinh tế dựa vào phụ nữ) của ông không bao giờ trở thành hiện thực, theo The New York Times.
Mặc dù tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động của Nhật Bản đạt mức cao nhất mọi thời đại trong nhiệm kỳ của ông Shinzo Abe, hơn một nửa làm công việc bán thời gian hoặc hợp đồng. Ảnh: Noriko Hayashi/The New York Times. |
Vẫn chờ đợi
Đây được cho là thời đại mà Nhật Bản bước ra khỏi sự thống trị của chế độ phụ hệ kéo dài hàng thế kỷ và trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, Sayaka Hojo (hiện 34 tuổi) vẫn chưa thấy thành quả của những cam kết từ cựu Thủ tướng Abe khi ông từ chức vào năm 2020 với lý do sức khỏe.
Trong gần 8 năm ông Abe tại vị, Hojo có 3 lần thay đổi công việc. Cô chủ yếu làm việc với phụ nữ nhưng bị giám sát bởi nam giới - tình trạng vẫn phổ biến ở xứ Phù Tang.
Hojo, giống như nhiều phụ nữ ở Nhật Bản, không thể nhận công việc toàn thời gian ngay cả sau khi ông Abe thông qua đạo luật nhằm xoa dịu văn hóa làm việc tàn bạo của Nhật Bản. Lý do là cô phải gánh vác rất nhiều công việc nhà và chăm sóc con cái.
“Khi phụ nữ tài năng kết hôn hoặc sinh con, con đường sự nghiệp của họ sẽ bị chệch hướng. Tôi thấy khoảng cách rất lớn giữa những gì ông Abe nói và điều thực sự xảy ra”, Hojo nói.
Khi ông Abe kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền dài kỷ lục, một trong những mục tiêu chưa đạt được của ông là thúc đẩy phụ nữ trong lực lượng lao động.
Bức tranh vẫn còn ảm đạm khi phụ nữ nắm giữ ít hơn 12% vị trí quản lý doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 30% ban đầu của ông Abe, theo dữ liệu của chính phủ.
Trong khi tỷ lệ nữ giới trong lực lượng lao động tăng trong thời kỳ ông làm thủ tướng lên mức cao nhất mọi thời đại là 52,2%, hơn một nửa trong số đó làm công việc bán thời gian hoặc theo hợp đồng ngắn hạn, mang lại ít lợi ích và cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Những người lao động này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19 khi mất thu nhập và giảm giờ làm.
Sayaka Hojo quyết định làm công việc bán thời gian để có thể chăm sóc con cái. Ảnh: Noriko Hayashi/The New York Times. |
Nobuko Kobayashi, đối tác của công ty tư vấn EY Japan, cho biết: “Mặc dù nhiều phụ nữ đang trở lại lực lượng lao động, việc ‘kiếm thêm chút tiền cho gia đình’ thường bị coi là công việc lặt vặt. Vì vậy, không thể coi điều đó làm tăng địa vị của họ trong xã hội”.
Tuy vậy, quan điểm của ông Abe cấp tiến hơn các nhà lãnh đạo trước đây, những người từng tuyên bố phụ nữ chỉ nên ở trong nhà, là không thể phủ nhận. Ít nhất, phụ nữ đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý: Đến năm 2020, hơn 1/3 số người được tuyển dụng cho công việc quản lý trong các bộ của chính phủ trung ương là nữ giới, tăng so với chưa đầy 1/4 năm 2012.
“Womenomics” đã đi đúng hướng. Nhưng hơn 2 năm Covid-19 hoành hành đe dọa xóa bỏ tất cả khi số phụ nữ rời khỏi lực lượng lao động Nhật Bản cao gần gấp đôi so với nam giới trong thời gian đầu của đại dịch, theo Fortune.
Hơn bao giờ hết, chính phủ và các công ty phải nhận ra rằng việc giúp phụ nữ phát triển mạnh mẽ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Tin tốt là các công ty Nhật Bản chưa bao giờ chú trọng đến sự đa dạng hơn hiện nay. Điều này phần lớn đến từ thay đổi tư duy: sự đa dạng không chỉ là “điều tốt đẹp cần có” mà còn bắt buộc đối với tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, những người trẻ thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh từ năm 1997 trở đi) coi trọng sự đa dạng tại nơi làm việc.
Một số lời hứa ban đầu trong chương trình nghị sự “Womenomics” của ông Abe không bao giờ trở thành hiện thực. Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty. |
Hojo vẫn chờ đợi sự thay đổi để có thể phát triển sự nghiệp bên cạnh vai trò làm mẹ. Cô hy vọng những người kế nhiệm cựu Thủ tướng Abe tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới.
“Nếu chính phủ chứng tỏ tầm quan trọng của việc trao cho phụ nữ nhiều cơ hội hơn ở nơi làm việc, các công ty tư nhân sẽ làm theo”, cô nói.
Phải thay đổi
Theo Nippon, cuộc khảo sát với 1.065 phụ nữ ở các vị trí quản lý của công ty tuyển dụng Adecco Group Nhật Bản vào tháng 3 chỉ ra sự thiếu quan tâm đến thăng tiến nghề nghiệp.
Theo đó, chỉ 11,9% thực sự yêu cầu được thăng chức, trong khi 48,6% quan tâm đến việc nắm giữ vị trí cao hơn.
Lý do không muốn được thăng chức phổ biến nhất là thêm căng thẳng (56,5%), hài lòng với vị trí hiện tại (41,5%), cảm thấy không thích hợp (40%).
Trong khi đó, 47,9% người có tham vọng làm sếp muốn kiếm được nhiều tiền hơn, 36,5% hy vọng giúp phụ nữ nhận ra tiềm năng tại nơi làm việc, 31,9% muốn trở nên quyền lực hơn.
Nhóm khảo sát kết luận ở Nhật Bản, vai trò giới trong việc làm đã ăn sâu vào tư tưởng. Kết hôn và sinh con vẫn ảnh hưởng đáng kể đến thái độ làm việc của phụ nữ.
Theo nhiều chuyên gia, giúp phụ nữ phát triển mạnh mẽ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 thay vì bó buộc họ với nhiệm vụ chăm sóc gia đình. Ảnh: Noriko Hayashi/The New York Times. |
Kathy Matsui, nhà tiên phong về “Womenomics” của Nhật Bản, cho rằng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cần nỗ lực hơn nữa để khai thác tiềm năng của phụ nữ, theo AFP.
Điều đó đồng nghĩa với việc tránh xa thái độ phân biệt giới tính của các nhà quản lý, thách thức văn hóa làm việc cật lực của Nhật Bản cũng như khuyến khích các công ty khởi nghiệp với “những người sáng lập đa dạng hơn”.
“Chúng tôi có tỷ lệ nữ doanh nhân rất thấp ở Nhật Bản. Nhưng nếu muốn định đoạt vận mệnh của chính mình, trở thành doanh nhân là một trong những cách tốt nhất”, Matsui, cựu phó Chủ tịch ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs tại Nhật Bản, nói.
Matsui là một trong số ít phụ nữ đứng đầu thế giới kinh doanh do nam giới thống trị ở Nhật Bản. Người phụ nữ Mỹ gốc Nhật 57 tuổi là đồng giám đốc của một công ty được thành lập vào năm ngoái chuyên đầu tư vào doanh nghiệp non trẻ.
Khi đến Goldman Sachs vào năm 1999, Matsui bắt đầu xuất bản các nghiên cứu về lợi ích kinh tế của việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động Nhật Bản. Những ý tưởng về “Womenomics” của bà được cựu Thủ tướng Shinzo Abe thông qua vào năm 2012 như một phần trong kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế.
Kể từ đó, tỷ lệ phụ nữ ở Nhật Bản đi làm tăng từ 60% lên hơn 70%, tương đương khoảng 3 triệu người, theo số liệu của OECD. Nhưng hiện tại, chỉ có 15% quản lý tại các công ty Nhật là phụ nữ, so với khoảng 40% ở Mỹ.
“Cố gắng thay đổi tư duy và hành vi của các tổ chức đã thành danh không phải là không thể, nhưng mất thời gian dài, không giống như công ty khởi nghiệp có thể linh hoạt hơn”, Matsui nói.
Tiến độ gần đây chậm đến mức chính phủ Nhật Bản buộc phải hoãn mục tiêu 30% phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý trong cả thập kỷ vào năm 2020.
Giống như ở các quốc gia khác, cuộc khủng hoảng Covid-19 không giúp được gì. Tại Nhật Bản, nhiều phụ nữ vừa trông trẻ hoặc người thân già cả, vừa làm việc bán thời gian, thường là trong các ngành dịch vụ.
Matsui cho rằng giúp phụ nữ làm công việc toàn thời gian với nhiều khả năng được thăng tiến hơn không chỉ là trách nhiệm của chính phủ mà còn của các nhà quản lý.
“Các nhà quản lý nên trải qua đào tạo để dẹp bỏ định kiến giới. Sự đánh giá của họ cũng nên tập trung nhiều hơn vào đầu ra và hiệu suất, thay vì yếu tố thời gian. Thực tế, rất nhiều lần tôi bắt gặp phụ nữ không được thăng chức chỉ vì mới kết hôn và sếp không muốn 'mạo hiểm' cho họ nghỉ sinh”, bà nói.
Theo Matsui, điều cấp bách, khi dân số già nhanh chóng của Nhật Bản khiến lực lượng lao động thu hẹp lại, là cố gắng khai thác những tài năng sẵn có nhưng còn bị ngó lơ là phụ nữ.