Nhiều trẻ vô tư mở lì xì ngay khi vừa được nhận. Ảnh minh họa: Alamy. |
Những ngày cận Tết, anh Phạm Nhật (sống ở Hà Nội) bắt đầu công tác tư tưởng cho con để chuẩn bị cho những ngày đón Tết sắp tới. Bài học quan trọng nhất mà anh dạy con trong những ngày này là không được mở lì xì trước mặt khách, không được chê lì xì ít.
Vị phụ huynh cho biết vào dịp Tết Nguyên đán năm 2023, anh và vợ từng gặp phải tình huống dở khóc dở cười là con mở lì xì ngay khi vừa được nhận khiến phụ huynh không kịp trở tay. May là ngày đầu năm, mọi người đều hoan hỉ cho qua.
“Con mình mới 5 tuổi nên cứ cầm bao lì xì là lại vô tư bóc ra rồi đưa cho mẹ. Con chưa hiểu về mệnh giá tiền nên cũng chỉ mở ra thôi chứ không chê bai gì. Năm nay con lên lớp 1, bắt đầu hiểu về tiền nên mình phải quán triệt sớm, tránh để khách khó xử khi đến nhà chúc Tết”, anh Nhật nói.
Nhiều gia đình khó xử vì con mở lì xì trước mặt người khác. Ảnh minh họa: Edwin Tan. |
Lý do nhiều trẻ thích mở lì xì trước mặt khách
Bàn về việc trẻ mở bao lì xì trước mặt người khác ngay khi vừa được nhận, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM), nói rằng hành động này có thể chỉ bắt nguồn từ sự ngây thơ, vô tư của trẻ, hoặc nó đến từ việc trẻ bắt chước hành động của người lớn mà các em vô tình quan sát được.
Không chỉ dừng lại ở việc mở bao lì xì trước mặt khách, một số trẻ còn tỏ thái độ khi biết mệnh giá bên trong, nhiều tiền thì vui vẻ, không nhiều thì bĩu môi chê bai. Thậm chí, chuyên viên tâm lý không ít lần bắt gặp trẻ lấy tiền cất vào túi rồi vứt luôn bao lì xì.
Với anh Tâm An, đó là một hành vi phản cảm và không đẹp trong ngày Tết. Nhưng trước khi trách trẻ nhỏ kém duyên, không tinh ý, chúng ta cần xem lại cha mẹ, người lớn trong nhà đã dạy con hiểu đúng về lì xì hay chưa.
Theo chuyên viên tâm lý, điều này có thể do các em học được quan điểm từ người lớn. Anh Tâm An nói rằng vào dịp Tết Nguyên đán, khi chuẩn bị tiền đề lì xì cho con người khác, nhiều phụ huynh cũng kỳ vọng con mình sẽ được lì xì với mệnh giá tương đương hoặc lớn hơn để không bị “lỗ”.
Đôi khi phụ huynh trao đổi với nhau về chuyện lì xì lỗ - lời trước mặt trẻ, khiến các em hiểu sai ý nghĩa của phong tục lì xì của người Việt.
Ngoài ra, việc phụ huynh quá quan tâm đến mệnh giá cũng vô tình gửi đi một thông điệp đến trẻ rằng ý nghĩa về mặt tinh thần hay sự may mắn trong ngày Tết không quan trọng bằng việc có bao nhiêu tiền bên trong bao lì xì.
Cha mẹ cần dạy trẻ hiểu đúng về phong tục lì xì để các em biết trân trọng món quà và biết ơn người lì xì. Ảnh: Shutterstock. |
Dạy con thế nào cho đúng?
Nếu trẻ có thói quen bóc lì xì ngay khi vừa nhận được, anh Tâm An khuyên phụ huynh cần nói chuyện lại với con, hoặc cần thiết hơn thì “tập dượt” cho con trước Tết.
Ví dụ, cha mẹ có thể tạo tình huống phát lì xì cho con rồi dạy con nên làm gì khi nhận được phong bao lì xì đó.
Nếu con chưa đủ lớn để hiểu những bài học quá dài, cha mẹ chỉ nên dùng từ khóa, kèm theo hành động để làm mẫu cho con. Ví dụ như “con cần cúi chào”, “nói cảm ơn”, “chúc Tết khách”, “không được bóc lì xì”, “cầm lì xì trên tay hoặc cất vào túi”...
Ngoài ra, anh Tâm An khuyên phụ huynh cũng cần dạy cho con hiểu về phong tục của tiền lì xì để con trân trọng và ngừng đánh giá về số tiền bên trong phong bao. Màu đỏ của bao lì xì cũng là tượng trưng cho sự may mắn đầu năm, vì thế cha mẹ cũng nên đề cập câu chuyện này để trẻ không “vứt vỏ lấy ruột”.
Vào những ngày Tết, nếu trẻ vẫn mở bao lì xì trước mặt khách, cha mẹ không nên quát con ngay lúc đó để tránh làm con thấy sợ và xấu hổ.
Chuyên viên tâm lý nêu rằng việc quát mắng con trước mặt người khác, hay thậm chí dùng vũ lực, không phải là cách dạy con đúng, ngược lại sẽ tác động nhiều đến tâm lý của con, nhất là trẻ ở tuổi dậy thì.
Do đó, thay vì mắng con, cha mẹ chỉ nên có những hành động, lời nói mang tính chất giải thích nhẹ nhàng như “con mở lì xì như vậy là không lịch sự, con nên xin lỗi cô/chú đi nào”.
“Nhắc nhở con nhẹ nhàng cũng là cách xử lý tình huống mang tính chất hòa hoãn để đôi bên không cảm thấy khó xử trong ngày đầu năm - thời điểm mọi người ưu tiên những điều vui vẻ và tốt đẹp. Nhưng sau khi về nhà, khi không còn sự chứng kiến của người ngoài, bạn cũng nên dạy lại con chứ không nên ngó lơ hay bỏ qua cho những hành động này”, anh Tâm An khuyên.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.