Về việc thí điểm tổ chức thi tuyển vị trí hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội mà Bộ Tư pháp vừa tổ chức, ông Quân cho biết: "Tôi hoan nghênh cách tổ chức thi tuyển hiệu trưởng. Cách làm này có những ưu điểm so với những cách làm trước đây, vì có thể chọn được người thích hợp từ trong trường và cả bên ngoài. Vấn đề chỉ ở chỗ các tiêu chí, cách thực hiện tuyển chọn".
- Ông có thể so sánh cách làm này với cách cách làm cũ như chỉ định, hay bầu chọn?
- Khi còn Bộ Đại học, việc bổ nhiệm hiệu trưởng được thực hiện theo 3 hình thức. Thứ nhất, Bộ trưởng có quyền chỉ định. Thứ hai, Bộ trưởng thăm dò ý kiến quần chúng và chỉ định. Thứ ba là bầu cử trực tiếp.
Hình thức bầu cử trực tiếp tỏ ra rất tốt, ưu điểm của cách này là thực hiện dân chủ trực tiếp. Với hình thức này, quần chúng chọn ra được người thích hợp với nhà trường. Từng người nhận thức được vai trò làm chủ của mình, chọn mặt gửi vàng, phát huy ý thức vì công việc chung. Nếu tạo điều kiện cho quần chúng biết rõ về ứng viên bên ngoài thì có thể tổ chức bầu cử trực tiếp cũng tốt.
ĐH Luật Hà Nội. |
- Có thể áp dụng cùng lúc nhiều cách tuyển chọn người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học không, thưa ông?
- Tôi cho rằng nên tồn tại song song nhiều hình thức khác nhau để phù hợp từng hoàn cảnh khác nhau.
- Trong thời gian ông làm Bộ trưởng, hình thức lựa chọn hiệu trưởng nào được áp dụng nhiều?
- Khi đó, hiệu trưởng được bầu trực tiếp nhiều. Bộ Đại học và GDCN chỉ tạm thời dùng quyền chỉ định trong những trường hợp nội bộ trường có vấn đề như mất đoàn kết chẳng hạn.
Rất nhiều trường lớn cả ba miền đều áp dùng hình thức bầu hiệu trưởng và trải qua một số nhiệm kỳ bầu cử như vậy. Sau này vì một số lý do mới không bầu trực tiếp nữa. Câu chuyện ta đang nói là chỉ đối với các trường công lập.
- Theo ông, có cần quy định Hiệu trưởng trường đại học phải là Đảng viên?
- Theo tôi, không nên quy định hiệu trưởng nhất thiết phải là đảng viên. Quan trọng là phải có đủ phẩm chất và năng lực thích hợp đảm nhiệm trọng trách hiệu trưởng.
- Theo ông có phải có ý kiến của Cấp uỷ Đảng không?
- Theo cách bổ nhiệm thì đương nhiên rồi, đó là quy định của Đảng, phải có ý kiến của Cấp uỷ. Còn với cách thi tuyển hoặc bầu cử trực tiếp thì phải có ý kiến cấp uỷ khi duyệt danh sách ứng viên.
Bộ chủ quản và cấp ủy thống nhất danh sách ứng viên rồi trao quyền cho hội đồng tổ chức thi tuyển hoặc để tập thể nhà trường bầu cử trực tiếp.
- Trong lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước và xã hội đang thúc đẩy khái niệm "tự chủ". Theo ông thì ở lĩnh vực nhân sự, cụ thể là chọn người đứng đầu, các cơ sở giáo dục đại học phải có quyền tự chủ không? Tại sao?
- Vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học hết sức quan trọng. Không có đơn vị tiên tiến nào mà lãnh đạo lại kém. Vai trò của người lãnh đạo chiếm tỉ trọng khá lớn trong sự thành công của đơn vị mình phụ trách.
Khi mà các trường thực sự tự chủ như các đề án Chính phủ đã phê duyệt, sự tự chủ của các trường tương đối cao, trong đó sự tự chủ về nhân lực và nhân sự là không thể thiếu.
- Ngoài hình thức thi tuyển như Bộ Tư pháp đã thí điểm, ông thấy có nên khôi phục cách tuyển hiệu trưởng qua bầu phiếu như trước đây?
- Dân chủ trực tiếp có tác dụng cả từ hai phía. Như tôi đã nói, cán bộ giảng viên quan tâm nhà trường hơn, không thờ ơ như trước. Khi cầm lá phiếu họ sẽ có trách nhiệm hơn.
ĐH Luật Hà Nội phản ứng cách tuyển hiệu trưởng mới
Việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội đã xong từ ngày 1/9, nhưng đến nay hiệu trưởng mới vẫn chưa về làm việc. Trong khi đó, các phó hiệu trưởng của trường rất băn khoăn về các tiêu chuẩn của hiệu trưởng mới.
Phó Hiệu trưởng Trương Quang Vinh, cho biết: Trước khi Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển, từ từ thàng 4, ông đã góp ý cho đề án thí điểm. Cụ thể là "Cần đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Khoản 2 Điều 20 Luật Giáo dục Đại học và Điều lệ trường ĐH về tiêu chuẩn của Hiệu trưởng trường đại học".
Ông Huy nhấn mạnh hiệu trưởng phải có các tiêu chuẩn: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm”.
Theo các phó hiệu trưởng, ứng viên trúng tuyển chức danh hiệu trưởng không đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn nói trên.
Sau khi có kết quả thi tuyển vào ngày 1/9 và đơn nặc danh khiếu nại người trúng tuyển vị trí hiệu trưởng, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã làm việc với Ban giám hiệu và Ban Thường vụ Đảng ủy của ĐH Luật Hà Nội, tiếp đó là một cuộc họp mở rộng.
Ông Vinh phân tích: "Về đối tượng dự tuyển theo Đề án của Bộ Tư pháp "không nhất thiết phải là công chức, viên chức" là không phù hợp với Thông báo kết luận số 202/TB-BCT của Bộ Chính trị.
Về tiêu chuẩn dự tuyển của Đề án yêu cầu ứng viên "Đã tham gia quản lý cấp phòng, khoa hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ít nhất 3 năm (tính đến ngày 1/7/2015)" là không phù hợp với Điều 20 của Luật Giáo dục Đại học.
Về trình tự thủ tục, Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tư pháp không xin ý kiến Đảng ủy trường (cấp ủy sử dụng cán bộ) và Ban chấp hành Đảng bộ Khối các trường ĐH-CĐ Hà Nội (cấp ủy cấp trên trực tiếp) đối với những ứng viên không có trong quy hoạch là không phù hợp với Thông báo kết luật số 202-TB/BCT".
Nhà trường mong muốn các cấp có liên quan sớm tìm ra giải pháp phù hợp để kiện toàn chức danh hiệu trưởng cho trường, đảm bảo tính ổn định, đoàn kết, tránh gây ra sự bất ổn về tư tưởng trong cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên.